Giữ hồn nơi phố chợ
Những tên chợ xưa kia của đất Thăng Long như chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Bà Đá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử, chợ Ong Nước…, cái còn cũng đã chuyển đổi công năng, cái khác thì xóa sổ trên bản đồ địa lý nhưng lại lưu lại trong tâm trí người Kẻ Chợ.
Chợ cũ Hà Nội không chỉ là nơi giao thương mua bán mà còn là một phần diện mạo và bản sắc văn hóa TP.
Nét văn hóa Kẻ Chợ
Kẻ Chợ chưa bao giờ được coi là một xưng danh chính thức chỉ người Hà Nội nhưng lại là cách xưng danh rất quen thuộc bởi mô hình chợ xuất hiện rất sớm ở đất Thăng Long. Theo sử liệu cũ, từ năm 1035, vua Lý Thái Tông đã cho mở chợ Tây Nhai và chợ Đông (tại các khu vực chợ Ngọc Hà và phố Hàng Buồm hiện nay).
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ “Thông thường, từ “kẻ chợ” là cách gọi nôm na, dân dã. Nhưng khi được nâng lên thành cái tên “Kẻ Chợ” (viết hoa), đó không chỉ là một cái tên về nơi buôn bán sầm uất mà còn chứa đựng những hàm lượng văn hóa đã tạo nên bản sắc của vùng đất này”.
Bởi vì, chợ, bên cạnh việc trao đổi, mua bán, thưởng thức những thú vui, thú ẩm thực dân dã, còn là nơi giao lưu tình cảm anh em, bạn bè, gia đình, chòm xóm… Nói đến chợ là nói đến một nét văn hóa dân gian, là biểu trưng của sự hội tụ và chắt lọc; vừa dung dị, hồn hậu lại vừa mới mẻ, tươi vui bởi sự sôi động, ồn ào.
Cũng vì vậy mà chợ dân sinh truyền thống luôn có sức hút không chỉ với cư dân địa phương mà còn với cả du khách trong, ngoài nước. Nhiều người đi du lịch thường tranh thủ ghé vào các chợ địa phương, có khi mua bán thì ít mà thăm thú thì nhiều. Ra chợ là cách nhanh nhất để cảm nhận một không khí mang đậm bản sắc của vùng, miền.
Trong tiểu thuyết “Hà Nội 36 phố phường” của nhà văn Thạch Lam có câu: “Tất cả của ngon vật lạ các nơi đều đem đến đây, để đáp ứng cho sự thưởng thức sành sỏi của người Hà Nội”. Nơi đó là chợ.
Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú đã kể ra 8 chợ ở Thăng Long gồm: Chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Bà Đá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử và chợ Ong Nước. Đến thế kỉ XIX, sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán biên soạn dưới triều vua Tự Đức ghi thêm: Chợ Mới (tương ứng với phố Hàng Chiếu), chợ Đông Thành (tương ứng với phố Hàng Vải - Hàng Gà), chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền), chợ Yên Thái (Bưởi). Đến nay nhiều chợ đã không còn.
Những cái tên đã là chợ của người Kẻ Chợ như: Chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Hôm… dù vẫn mang tên chợ nhưng không còn là những dãy hàng kiot phân khu mà mang nửa dáng dấp của chợ truyền thống và trung tâm thương mại.
Bảo tồn và phát huy
Sự chuyển đổi học Tây hoàn toàn không phải là hay. Nhiều người vẫn mong muốn, ngoài phần vỏ là việc nâng cấp cơ sở vật chất, hoạt động của các nơi vốn được coi là chợ truyền thống cần phát huy yếu tố “không gian công cộng” sẵn có của mình, để thật sự trở thành một điểm đến của cộng đồng, để chợ không chỉ là nơi giao thương mà là nơi giao lưu văn hóa.
Cụ thể, khi cải tạo hoặc xây thêm, những quảng trường chợ cần được chú ý quy hoạch và lồng ghép với các hoạt động văn hóa phù hợp.
Thực tế, tại Hà Nội, chợ Đồng Xuân là một trong những nơi thực hiện khá tốt điều này. Vào các tối cuối tuần, khu vực quanh chợ đã thật sự trở thành một không gian mở, thu hút cộng đồng và khách du lịch với các hoạt động biểu diễn ca trù, xẩm, hát chèo hay bố trí các trò chơi dân gian.
Trong số các chợ nổi tiếng của Hà Nội có chợ Bưởi (vùng Kẻ Bưởi, nay thuộc quận Tây Hồ), là một trong những chợ cổ nhất Hà Nội vẫn duy trì hình thức họp chợ phiên. Chợ phiên Bưởi đã biến đổi nhiều so với trước nhưng những ai có nhu cầu mua cây cảnh, hạt giống rau, chó, mèo, chim... vẫn tìm đến nơi này.
Vào các ngày phiên, cứ tầm 6 giờ sáng là người ta rục rịch mang hàng ra đây bày la liệt trên vỉa hè. Các hàng cây cảnh là nhiều nhất, rồi chó mèo, chim cảnh, cá cảnh… Cánh bán chậu trồng cây cảnh thì chiếm cho mình những đoạn vỉa hè to nhất, rộng nhất để bày hàng…
Cứ thế, chợ rộn rã, lao xao đến giữa trưa thì tan, người chơi chợ về nhà, còn cánh bán hàng thì đủng đỉnh dọn dẹp đến tối mịt. Để rồi giữa ồn ào phố thị, người Hà Nội vẫn đến phiên chợ như một thú vui, một nét văn hóa còn lắng trong lòng nhiều người Hà Nội.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giu-hon-noi-pho-cho-355086.html