Giữ hồn quê qua 'biến hình' cây tre, cây trúc

Tuy đã ở tuổi thất tuần, nhưng Nghệ nhân ưu tú Lâm Liếp, ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân (Châu Thành) vẫn chưa nghỉ ngơi, ông vẫn mê cái nghề truyền thống đan đát do cha ông truyền lại. Với ông, đã mê cái mùi thơm phát ra từ cây tre, cây trúc, nếu không được chạm, không được chẻ, vót, đục, đẽo thì ông thấy khó chịu lắm. Và những sản phẩm ông làm ra mang nét chân quê của người dân Nam bộ, tận dụng những thứ có sẵn tự nhiên, tạo ra những vật dụng trong gia đình.

Nhà ông nằm ngay trên con lộ bêtông được xây dựng khang trang. Xung quanh nhà ông chất đầy tre, trúc, ông bảo mới mua của những hộ gần đây để làm bộ bàn ghế kịp giao cho khách hàng đặt. Đưa tay chỉ vào 5 cái ghế mới đóng xong, ông bộc bạch: “Nhìn thấy những chiếc ghế tre đơn giản chứ ngốn hết 7 ngày công của hai anh em tôi. Đo, cưa, đục phải đúng chiều, đúng chỗ nếu không thì không ráp được đâu. Ghế tre khó đóng hơn ghế cây”. Rồi có thời gian, ông lấy cho tôi xem xấp hình mẫu mà khách gửi cho ông xem để làm sản phẩm. Nhiều khách cũng thử thách tay nghề của ông, lấy hình trên mạng rồi bảo ông làm theo... Khi nhận hàng khách rất ưng ý, bởi sản phẩm ông làm ra không chỉ đẹp mắt mà còn tinh xảo và thể hiện cái tâm, dụng công của một nghệ nhân ưu tú.

Nghệ nhân ưu tú Lâm Liếp giới thiệu sản phẩm đan đát độc đáo do ông làm ra. Ảnh: Ngọc Hải

Nghệ nhân ưu tú Lâm Liếp giới thiệu sản phẩm đan đát độc đáo do ông làm ra. Ảnh: Ngọc Hải

Ông cũng không biết nghề đan đát có từ bao giờ, chỉ biết là ông lớn lên cũng nhờ cái nghề này và cây tre, cây trúc với ông rất đổi thân thuộc. Dù cuộc sống nhiều thay đổi nhưng ông vẫn theo nghề này, cái nghề đòi hỏi sự dụng công, rất vất vả, thế nhưng thu nhập cũng không phải là quá sung túc. Nghe ông Liếp kể lại, lúc ông 9 tuổi đã được cha chỉ dạy vót tre, đan các vật dụng trong gia đình, cha ông bảo không theo nghề thì biết đan đát cũng làm được vật dụng trong nhà mà xài. Mãi đến khoảng 40 tuổi, ông mới bắt đầu dồn sức vào nghề đan đát và đã gắn bó cho đến bây giờ. Nhìn đôi bàn tay ông chai cứng và đôi bàn tay đó không biết bao nhiêu lần “dập nát” do chẻ, vót tre, trúc. Ông chia sẻ: “Nghề này làm thủ công hết, bây giờ cũng hông có công đoạn nào dùng máy móc cả. Nên cực lắm, ít ai bám nghề. Ngày xưa, ở đây cũng đông người làm lắm nhưng giờ nghỉ đi tỉnh khác làm thuê hết rồi. Trước đây, cũng thành lập hợp tác xã làng nghề đan đát, trên 80 xã viên. Nhưng theo nghề thấy thu nhập thấp, đầu ra khó, cực nên anh em bỏ nghề nhiều. Tôi thì nghĩ tuy cực cũng ráng, chớ bỏ nghề, bỏ quê”.

Năm 2018, ông được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà trưng bày các sản phẩm thủ công, đến năm 2019 thì ông mới xây dựng và hoàn thành trên 30 sản phẩm thủ công mỹ nghệ tái hiện sinh động về cuộc sống người dân vùng nông thôn. Đó là sản phẩm thu nhỏ của dụng cụ làm nông nghiệp, vật dụng sinh hoạt trong nhà như: cối xay lúa, xe quạt lúa, cái nọc (dùng cấy lúa), rổ, bộ bàn ghế, gường… Mỗi sản phẩm do tự tay ông làm, trong đó chiếc xe quạt lúa ông mất gần 2 tháng mới hoàn thành. Ông Liếp chia sẻ, các sản phẩm này làm rất khó và tốn nhiều công sức do kích thước nhỏ hơn so với thực tế nên đòi hỏi tính cần cù, tỉ mỉ mới làm được.

Đưa tôi tham quan nhà trưng bày, ông giới thiệu chi tiết từng sản phẩm. Có một số nông cụ hiện nay không còn được dùng nữa, ông làm theo trí nhớ của mình và cũng muốn nhắc nhở cho các con và mọi người về sự sáng tạo của người xưa, tận dụng thân cây tre, cây trúc để làm ra nhiều sản phẩm phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp. Tiện thể, ông chỉ tay khoe cần xé, vỉ hấp bún khô ông hoàn thành sắp giao cho khách: “Mấy món này ở đây không ai làm được nên khách họ chỉ đặt tôi làm thôi. Cái cần xé xài vài năm cũng không xi nhê, bền chắc lắm. Cũng mới đây, chủ một khách sạn đặt tôi làm sản phẩm bàn, ghế, tủ bằng tre, họ mê lắm. Khi làm xong, nhìn những món đồ đó ký ức về ngày xưa lại hiện về. Tôi muốn duy trì nghề này, để thấy cái hồn quê chân chất, tuy mộc mạc mà thân thuộc. Chúng toát ra mùi thơm đặc biệt của tre, trúc, mùi hương đấy rất mát lành. Đồ làm bằng tre, trúc chạm vào rất mát, xài tiện lợi lắm. Rất vui là hiện nay, nhiều người lại quay lại dùng đồ làm thủ công, họ đặt tôi làm theo mẫu, tuy nhiên hông có mẫu nào dễ làm, mình phải mày mò lắm mới làm được”.

Tiếp nối nghề truyền thống, sản phẩm ông làm ra luôn chiều mắt người nhìn và nhiều sản phẩm độc đáo, đó là như thể hiện sự chuyển biến của nghề đan đát để thích nghi với nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm của ông vẫn giữ hồn quê, gợi nhớ về vùng đất yên bình với lũy tre xanh in bóng trên dòng sông hiền hòa. Hơn 30 năm gắn bó với nghề đan đát, năm 2019, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”.

Ngọc Hải

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/huyen-chau-thanh/giu-hon-que-qua-bien-hinh-cay-tre-cay-truc-31756.html