Giữ 'hồn' văn hóa trong sáng tác nghệ thuật
Nghệ thuật luôn gắn liền với đời sống, góp phần làm cuộc sống phong phú hơn, đồng thời giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa dân tộc. Điều đó đã được hầu hết văn nghệ sĩ nói chung và văn nghệ sĩ Lào Cai nói riêng nỗ lực không ngừng trên hành trình hoạt động nghệ thuật, góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Đối với họa sỹ Nguyễn Văn Lê, giảng viên Trường Cao đẳng Lào Cai, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, thì nét đẹp văn hóa các dân tộc là nguồn đề tài vô cùng phong phú, hấp dẫn trong các sáng tác của anh. Hơn 80% tác phẩm của họa sỹ được lấy cảm hứng từ những nét đẹp văn hóa trong đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao trong và ngoài tỉnh.
Theo họa sỹ Nguyễn Văn Lê, đối với một tỉnh miền núi, đa sắc tộc như Lào Cai, lấy văn hóa làm nguồn đề tài trong sáng tác mỹ thuật sẽ giúp cho tác phẩm dễ để lại ấn tượng riêng. Bởi mỗi dân tộc lại có những nét đặc trưng về trang phục, màu sắc, lễ hội, phong tục, tập quán, nhà ở… đòi hỏi họa sỹ phải biết lựa chọn và tìm được sự phù hợp với bố cục, không gian và mục đích truyền tải qua tác phẩm của mình mới đạt được hiệu quả cao nhất.
Cũng theo họa sỹ Nguyễn Văn Lê, người làm nghệ thuật bên cạnh yếu tố cảm xúc, rất cần kiến thức. Để có được tác phẩm hội họa mang “hồn” văn hóa dân tộc thì họa sỹ phải chịu khó đi thực tế, thậm chí “nằm vùng” để quan sát, tìm hiểu đời sống, văn hóa đồng bào các dân tộc, các vùng miền, từ đó tìm ra sự khác biệt để lựa chọn và đưa vào từng nét bút. Bên cạnh đó, họa sỹ phải nghiên cứu, tham khảo các tài liệu, ghi chép để nắm rõ văn hóa từng dân tộc. Đây là điều vô cùng quan trọng, quyết định thành công trong mỗi tác phẩm.
Lên Lào Cai và bắt đầu sự nghiệp cầm cọ vẽ từ năm 2008, đến nay, họa sỹ Nguyễn Văn Lê đã có trong tay gần 200 tác phẩm ở nhiều đề tài, trên nhiều dạng chất liệu như sơn dầu, sơn mài, lụa… trong đó, có khoảng 160 tác phẩm thể hiện các nét đẹp văn hóa dân tộc. Họa sỹ cũng đã có 30 tác phẩm được treo triển lãm và đạt các giải thưởng ở nhiều cuộc thi, hội thi trong và ngoài tỉnh. Hầu hết các tác phẩm này đều lấy đề tài từ đời sống, văn hóa đồng bào dân tộc vùng cao ở Lào Cai. Đó là bức tranh sơn dầu lấy bối cảnh là cuộc sống của đồng bào Mông một bản vùng cao ở Si Ma Cai hay bức tranh phụ nữ người Dao đỏ học công nghệ mà tác giả tình cờ gặp trong một buổi truyền thông về vai trò của phụ nữ… Nhìn vào những bức tranh ấy người xem dễ dàng nhận ra đó là người dân tộc nào, ở vùng quê nào, thông qua màu sắc trang phục của nhân vật hay bối cảnh trong bức tranh.
Họa sỹ Nguyễn Văn Lê khẳng định: Bản thân mỗi nghệ sĩ phải là một “đại sứ” trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa. Văn hóa là hồn cốt dân tộc. Am hiểu văn hóa thì sẽ có được những cảm nhận sâu sắc, chi tiết và hình tượng hóa các nét đẹp ấy, nhân vật ấy, bối cảnh ấy sao cho hợp lý, logic mà vẫn đảm bảo yếu tố nghệ thuật.
Cũng là nghệ sỹ có tình yêu đặc biệt với văn hóa dân tộc, nhạc sỹ Vũ Đình Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh đã sáng tác khoảng 20 ca khúc và tác phẩm khí nhạc, gần 70% trong số đó mang âm hưởng dân gian, với nhiều tác phẩm đã để lại dấu ấn đặc biệt như ca khúc “Về với em quê hương điệu hát Nôm” mang âm hưởng dân ca dân tộc Tày. Tác phẩm này đã đoạt giải A tại Liên hoan Âm nhạc của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, giải Nhì Cuộc thi sáng tác ca khúc chào mừng 25 năm tái lập tỉnh Lào Cai. Ca khúc “Gặp em bếp lửa nhà sàn”, cũng mang âm hưởng dân ca dân tộc Tày đã đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác ca khúc chào mừng 110 năm thành lập tỉnh Lào Cai; ca khúc “Giữa Y Tý đại ngàn”, mang âm hưởng dân ca dân tộc Hà Nhì đoạt giải B Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai năm 2013…
Nhạc sỹ Vũ Đình Trọng cho rằng: Dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc miền núi luôn là nguồn cảm hứng vô tận và là chất liệu quý giá để sáng tác nên những tác phẩm âm nhạc sống mãi cùng thời gian. Một nhạc sỹ yêu văn hóa dân tộc muốn tác phẩm của mình có sức sống lâu bền thì phải biết cách lựa chọn âm hưởng sao cho tạo được sự gần gũi với công chúng. Những tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng dân gian với lời ca và giai điệu dễ nghe, dễ thuộc, dễ nhớ sẽ càng được công chúng dễ dàng đón nhận.
Theo dòng chảy thời gian, các dòng nhạc mới xuất hiện ngày càng nhiều nhưng chất liệu dân ca dân tộc vẫn luôn có sự ảnh hưởng lớn đến âm nhạc hiện đại, đi vào những sáng tác mới theo nhiều cách khác nhau. Nhạc sỹ Vũ Đình Trọng chính là một trong những người luôn có cách riêng để làm sống dậy những làn điệu dân ca dân tộc, góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc.
Sáng tác nghệ thuật không chỉ mang dấu ấn riêng của người sáng tác mà còn là một diễn ngôn văn hóa. Người nghệ sỹ cần có trách nhiệm khẳng định sức sống, giá trị nhân sinh của những giá trị văn hóa đó như một cách giữ gìn nét đẹp văn hóa thuyết phục nhất. Để khi thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật này, công chúng được nâng cao thị hiếu, tình cảm, thẩm mỹ để thấy yêu hơn những cảnh sắc, phong tục, tập quán, lễ hội của dân tộc mình, quê hương mình.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363243-giu-hon-van-hoa-trong-sang-tac-nghe-thuat