Giữ khoảng cách xã hội có thể cứu sống hàng chục triệu người

Nghiên cứu mới đây nói rằng việc giữ khoảng cách tiếp xúc xã hội có thể giảm một nửa số người tử vong vì đại dịch COVID-19.

Báo South China Morning Post ngày 31-3 dẫn một nghiên cứu mới đây từ Đại học Hoàng gia ở London (Anh) nếu không thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội (social distancing), có thể 40 triệu người trên toàn thế giới sẽ chết vì COVID-19. Vì thế khoảng một nửa trong số đó được cứu sống nếu hạn chế tiếp xúc xã hội 40% và đến 60% đối với người lớn tuổi.

Dù nghiên cứu này cũng nói rằng ngay cả khi thực hiện các biện pháp giảm tiếp xúc xã hội thì vẫn có 20 triệu người tử vong vì COVID-19 nhưng các biện pháp mạnh mẽ hơn sẽ làm giảm số người tử vong nhiều hơn.

Một tính toán từ các nhà nghiên cứu cho thấy nếu các biện pháp cách ly, giảm tiếp xúc xã hội được đẩy mạnh, triển khai sớm và duy trì (chẳng hạn như hạn chế đến 75% tiếp xúc xã hội) thì 38,7 triệu người có thể tránh khỏi tử vong, theo South China Morning Post.

Nghiên cứu tính toán 38,7 triệu người có thể được cứu sống nếu áp dụng các biện pháp cách ly xã hội. Ảnh: GETTY IMAGES

Nghiên cứu tính toán 38,7 triệu người có thể được cứu sống nếu áp dụng các biện pháp cách ly xã hội. Ảnh: GETTY IMAGES

Chính phủ các nước cũng sẽ phải đối mặt với “những quyết định đầy thách thức” trong thời gian tới đó là khi nào họ nên áp dụng mạnh mẽ các biện pháp cách ly xã hội, cũng như họ có đủ khả năng giữ các biện pháp cách ly này trong bao lâu.

Những nghiên cứu, tính toán trên của các nhà nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia được công bố vào ngày 27-3 vừa qua. Trong đó, các nhà nghiên cứu đưa ra một số kịch bản tồi tệ nhất mà thế giới có thể đối mặt.

Nghiên cứu này cũng bao gồm hai kịch bản có thể có nếu thực hiện các biện pháp cách ly xã hội và một một số biện pháp khác để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, theo South China Morning Post.

Khi dự báo tác động đại dịch ở 202 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, các nhà nghiên cứu của ĐH Hoàng gia đã tổng hợp dữ liệu về các dạng “tiếp xúc xã hội đặc trưng” theo độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.

Kết quả khiến các nhà nghiên cứu đưa ra nhận định rằng: “Các phương pháp duy nhất có thể ngăn chặn sự 'sụp đổ' của hệ thống y tế là phải có các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội và phải được thực hiện mạnh mẽ ở những quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch”.

“Những biện pháp này có thể sẽ cần được duy trì ở một mức độ nào đó song song với việc giám sát cao và cách ly nhanh chóng các ca nhiễm bệnh” - các nhà nghiên cứu nói thêm.

Trước đó, các báo cáo y tế nói rằng các giọt bắn từ đường hô hấp, đặc biệt là khi ai đó ho hoặc hắt hơi, có thể làm lây truyền virus gây COVID-19 nên các khuyến cáo về duy trì khoảng cách an toàn được đưa ra.

Chuyên gia y tế nói rằng nên giữ khoảng cách với người khác ít nhất là 2 m. Ảnh: THE USA TODAY

Chuyên gia y tế nói rằng nên giữ khoảng cách với người khác ít nhất là 2 m. Ảnh: THE USA TODAY

WHO khuyến cáo mọi người nên đứng cách xa nhau 1 m, trong khi một số chuyên gia y tế đề nghị duy trì khoảng cách với người khách ít nhất là 2 m.

Ngoài ra, có một số biện pháp có thể được thực hiện để giữ khoảng cách vật lý giữa con người với nhau. Đó là ở nhà, làm việc tại nhà, tránh tụ tập tại nơi công cộng hoặc phương tiện giao thông công cộng và giữa khoảng cách với người khác tại nơi công cộng.

Theo các chuyên gia, việc cách ly, giãn cách xã hội sẽ cần được duy trì đến khi có vaccine và phương thức chữa trị COVID-19 hiệu quả hơn.

“Các phân tích của chúng tôi nhấn mạnh rằng sẽ có các thách thức mà chính phủ các nước sẽ gặp phải trong những thời gian tới, nhưng mức độ hành động nhanh chóng, quyết đoán và có tính chọn lọc sẽ cứu sống hàng triệu người” - các nhà nghiên cứu cho biết.

Một nghiên cứu riêng biệt của các nhà kinh tế từ Đại học Pennsylvania, Đại học Thượng Hải và Đại học Hong Kong ước tính sẽ có thêm 65% ca nhiễm COVID-19 tại 347 thành phố của Trung Quốc nếu vùng tâm dịch Vũ Hán không được phong tỏa sớm.

Nghiên cứu của họ vào tuần trước cũng được đăng trên tạp chí Social Science Research Network - trang web cung cấp các nghiên cứu học thuật về lĩnh vực Khoa học Xã hội.

Nghiên cứu cũng nói rằng việc cân bằng giữa thời gian, tiến độ dỡ bỏ phong tỏa và xóa bỏ hạn chế cách ly xã hội cũng cần được nhà chức trách tính tới, bởi họ còn phải xem xét phản ứng của công chúng và áp lực xã hội nữa.

Công nhân gỡ bỏ các rào chắn tại một con đường ở TP Vũ Hán khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Công nhân gỡ bỏ các rào chắn tại một con đường ở TP Vũ Hán khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Trước đó, còn các nhà nghiên cứu từ Trường Y học Nhiệt đới và Vệ Sinh London (Anh) dự báo rằng các biện pháp cách ly xã hội ở TP Vũ Hán sẽ có hiệu quả nhất tốt nhất nếu thành phố này hoãn việc dỡ bỏ cho đến đầu tháng 4.

Họ nói rằng những thay đổi về các dạng tiếp xúc xã hội đã giảm đáng kể số ca nhiễm và đỉnh dịch thứ hai vào tháng 8 đã bị chững lại do TP đã đóng cửa trường học và công sở đến đầu tháng 4.

Các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng Vũ Hán dự kiến sẽ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vào ngày 8-4 tới, theo South China Morning Post.

NGUYÊN VĂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/giu-khoang-cach-xa-hoi-co-the-cuu-song-hang-chuc-trieu-nguoi-901554.html