Giữ lại hồn quê
Mỗi lần đến xã Tứ Xã, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tôi đều cố nán những bước đi thật chậm để thu vào tầm mắt vẻ đẹp bình dị của ngôi làng đặc trưng cho vùng nông thôn với những nét xưa còn lại.
Mỗi lần đến xã Tứ Xã, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tôi đều cố nán những bước đi thật chậm để thu vào tầm mắt vẻ đẹp bình dị của ngôi làng đặc trưng cho vùng nông thôn với những nét xưa còn lại. Đó là cổng làng, là những ngôi nhà cổ, những bức tường đá ong hay tường gạch đỏ thẫm dù đã trải qua bao mưa nắng dãi dầu. Quả thực, mỗi làng đều có hồn cốt riêng, những nét văn hóa, phong tục riêng, đó là tinh anh của làng, của riêng vùng đất ấy mà người dân trong làng dù ai đi đâu, ở đâu vẫn nhớ về.
Có tuổi đời gần 200 năm, cổng làng thôn Đông, xã Tứ Xã - cổng cổ duy nhất trong làng còn giữ được đến ngày này là một chứng nhân lịch sử, nó được ví như nơi lưu giữ hồn quê của thôn Đông xưa. Với những người con xa quê, sau một hành trình dài trở về, chiếc cổng làng luôn mang đến cảm giác yên bình, thân thương, tạo những giá trị hữu hình vô giá, bỏ lại phía sau những ồn ào, tất bật. Dường như cái “nút giao thông” ấy khiến người ta bước chậm lại, dành cho nhau những nụ cười hồn hậu, những cái nắm tay gần gũi thân thương và cả những lưu luyến, bịn rịn người đi kẻ ở, nơi chứng kiến những cuộc chia xa và cả những hội ngộ hạnh phúc.
Khi đến một làng quê nào đó, thấy những gì cổ xưa còn sót lại, tôi vẫn hay tò mò hỏi về “cuộc đời” của nó. Khi chưa có nhà văn hóa thì nơi đây là điểm sinh hoạt, vui chơi của dân làng từ người già đến trẻ nhỏ, là chốn nghỉ chân chuyện trò sau mỗi buổi làm đồng về.
Chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 200 năm của gia đình bà Bùi Thị Ngân (76 tuổi), khu 8, xã Tứ Xã với kiến trúc cổ năm gian hai trái và nhiều đồ cổ được giữ lại... Với bà Ngân, ngôi nhà đã lưu giữ bao kỉ niệm của thế hệ cha ông cho đến hiện tại là bà và các con cháu, trải qua thời gian, ngôi nhà đã xuống cấp nhiều những gia đình bà Ngân chỉ sửa lại chứ không có ý định dỡ bỏ.
Hồn quê xưa sót lại trong kí ức là những rặng tre uốn mình đu đưa theo gió, tiếng tre đan vào nhau kẽo kẹt cùng tiếng giao trưa: Nhôm đồng, sắt vụn, kem que, kẹo kéo...
Tuổi thơ của chúng tôi khi xưa là những lần ngóng dáng bà, dáng mẹ đi chợ về mỗi sớm mai, chiều muộn, mong được có những chiếc kẹo bột, kẹo vừng... Là những ngày lang thang, trốn tìm ở những con ngõ quanh co không đầu cuối, hai bên tường gạch nhuốm màu rêu phong, băng qua những xóm nhỏ bình yên...
Tôi nhớ, trong cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, Nguyễn Nhật Ánh đã nói: “Chiếc vé đi tuổi thơ đó, bạn cứ giữ kỹ trong túi áo, vì không có người soát vé trên chuyến tàu đặc biệt này. Bạn có thể trở về thăm lại thời thơ ấu của mình bất cứ lúc nào, hay nói khác đi lúc nào mà bạn nhận ra rằng thỉnh thoảng tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kỳ”.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/202110/giu-lai-hon-que-179920