Giữ lại Tết bằng cách tạo ra những ký ức đẹp về Tết
Lê Bích là người ghi chép cái đẹp của di sản bằng hình ảnh. Anh luôn trân trọng những giá trị của quá khứ, Tết với anh là một giá trị, hơn thế, là một di sản cần nhiều người chung tay để lan tỏa vẻ đẹp của nó trong đời sống hôm nay.
-Trong những năm gần đây, những giá trị truyền thống đang được trở lại, len lỏi vào đời sống. Tết đang quay lại với truyền thống. Theo anh, nhận định đó có đúng không?
+ Tôi có tham gia các chương trình Tết của VTV, và triển lãm ảnh "Tết Xưa,Tết Nay" và có nhiều phóng sự ảnh trên báo về Tết truyền thống… Tôi thấy nhiều thói quen, phong tục truyền thống rất đẹp vẫn còn cho đến nay như: gói bánh chưng, lễ hội làng, tảo mộ, xông nhà…
Ví dụ như thú chơi hoa thủy tiên, giờ vẫn thế, chỉ có điều thủy tiên xưa nhỏ và tinh tế hơn, đựng trong bát chiết yêu dâng lên bàn thờ. Còn thủy tiên bây giờ họ ươm công nghiệp, đựng trong lọ thủy tinh để nhìn thấy cả rễ. Rồi thói quen chơi cây cảnh, đào, quất… Ngày xưa, mẹ hay dạy cho con gái những thói quen làm bánh, mứt, ô mai… vào dịp Tết để thết đãi khách, vừa thể hiện lòng hiếu khách vừa thể hiện được nề nếp của gia đình.
Xưa ít ai biết rằng, Tết trong mỗi nhà có một nồi cá kho với thịt ba chỉ. Rồi tắm lá mùi vào cuối năm. Hương vị lá mùi thân thuộc với người Hà Nội. Quay về câu chuyện sâu xa hơn, có một ngôi làng chuyên trồng lá thuốc, đó là làng Đại Yên, nay là ngõ Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Tại đây chuyên bán các loại lá thuốc Nam.
Ở các chợ trong phố cổ luôn có một hàng bán lá thuốc, đến Tết, hàng đó rất tất bật, lá mùi bán chạy nhất. Giờ ở làng Đại Yên vẫn có vài nhà bán lá thuốc. Ở đầu làng vẫn có bà cụ ngoài 90 tuổi bán lá thuốc hàng ngày. Có một làng nữa là làng bánh chưng Tranh Khúc (Thanh Trì - Hà Nội). Làng có truyền thống cung cấp bánh chưng cho Hà Nội và các tỉnh lân cận.
10 năm trước, họ cũng gia nhập thị trường nhưng khó khăn vì chưa biết làm thương hiệu. Giờ họ đã có thương hiệu riêng và biết hội nhập, họ xuất bánh cho nhiều siêu thị lớn và bán sang cả Nga. Đó là một ngôi làng nghề truyền thống biết làm giàu từ thương hiệu. Tất cả những nét đẹp truyền thống đó đang trở lại theo một cách nào đó.
- Anh có thể lý giải vì sao nhiều người có xu hướng quay trở về với những giá trị truyền thống đó?
+ Những giá trị truyền thống tồn tại nhiều năm đều có lý do của nó, chỉ có điều mọi người chưa biết hay chưa cảm nhận được hết mà thôi. Nhiều người cứ chạy theo cái mới ngoại nhập rồi một ngày nhận ra, nó không thuộc về mình.
Rồi truyền thông có ảnh hưởng tích cực khi năm nào cũng có những chương trình đậm nét Tết Việt nên sức lan tỏa mạnh hơn. Bây giờ, dịch vụ cũng tốt hơn ngày xưa, như lá mùi đi bán rong tận nơi, xưa chơi thủy tiên cũng khó lắm vì rất cầu kỳ. Giờ thì giống khỏe hơn, người chơi nhiều hơn, thành sự lan tỏa. Bày thủy tiên đựng trong bát dâng lên bàn thờ gia tiên rất hài hòa và đẹp, nó rất hợp với người Việt. Đó là những giá trị gần gũi nên nó sẽ quay lại thôi. Đặc biệt là bánh chưng, không bao giờ có thể mất đi, vì đó là đặc trưng của ngày Tết.
Tôi nhớ có những câu chuyện về hoa đào Thất Thốn, một giống đào hiếm được nghệ nhân tên Hàm gây dựng lại, mỗi gốc đào nhỏ chỉ có vài bông hoa mọc từ gốc. Nó nhỏ nhưng chơi rất bền, hoa nở cả tháng không tàn. Đó là một thú chơi quý và hiếm và đang được trở lại, mới thấy các cụ ngày xưa chơi tinh lắm.
- Nhưng bên cạnh đó lại có nhiều người cho rằng, Tết đã thay đổi, hồn cốt của Tết mất đi nhiều. Theo anh, một người quan sát đời sống, sống rất sâu trong lòng đời sống - anh cảm nhận thế nào?
+ Những gì tôi vừa chia sẻ ở trên chỉ ở một phần nhỏ so với dân số phổ thông. Phải rất để ý mới thấy. Vào chợ rất ít người để ý đến bà bán lá thuốc. So với giờ nó là lọt thỏm rồi. Nó là quy luật thôi. Mọi người, nhất là các bạn trẻ bao giờ cũng choáng ngợp trước những cái mới, phải mất rất lâu mới cảm nhận được hồn cốt của những cái cũ, của truyền thống.
Xã hội thay đổi, phát triển nhanh, văn hóa mới du nhập, cái mới tiếp nhận nhanh và hợp thị hiếu, người trẻ nhanh chóng lãng quên cái cũ. Giờ có nhiều lựa chọn. Hoa có nhiều loại hoa, không phải cầu kỳ mới chơi được hoa.
Cái mới, cái hiện đại khiến người ta thích hơn. Quan trọng là phải có những con người giữ được hồn cốt và tinh hoa ngày xưa, sau đó lan tỏa thành một cộng đồng. Phải mất một thời gian dài để thẩm thấu. Ví dụ chơi thủy tiên cũng chỉ vài chục người, nghệ nhân đếm đầu ngón tay. Rồi thú chơi tranh dân gian ngày Tết, một thú chơi tao nhã của các cụ xưa, giờ cũng gần như biến mất…
- Nước Nhật trong quá trình phát triển của mình đã bỏ Tết và bây giờ, có một bộ phận người Nhật đang đấu tranh giữ lại Tết? Nhiều người Việt cũng muốn bỏ Tết âm để theo Tết tây? Anh nghĩ sao về điều đó?
+ Khi nghe tin nhiều người có ý kiến bỏ Tết ta mà chỉ giữ lại Tết Tây, tôi không đồng tình, vì Tết đã có truyền thông từ lâu đời. Đại sứ Phạm Sanh Châu đang muốn nâng tầm Tết Việt lên thành di sản nhân loại, ước mơ của anh là muốn vinh danh Tết Việt ra thế giới.
Nếu Tết Việt được ghi danh thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì tuyệt vời. Những người đề xuất bỏ Tết chưa cảm nhận sâu sắc về nó, nếu cảm nhận sâu sắc họ sẽ không nghĩ là bỏ, bởi vì như tôi nói, cái gì tồn tại lâu đời đều có lý do của nó. Văn hóa 1000 năm sẽ thành văn hiến và nó kết tinh lại thành những giá trị truyền thống, làm nên bản sắc của một dân tộc, khó mà bỏ được.
- Không hiểu sao ngắm những bức ảnh anh chụp về những bàn thờ truyền thống ngày Tết, tôi thấy xúc động. Hay thế hệ 7X chúng ta vẫn nặng nợ với quá khứ hơn? Còn những người trẻ họ đã nghĩ khác rồi?
+ Có lẽ, vì chúng ta có ký ức giàu có hơn chăng. Tôi thấy hai chữ không khí Tết hay lắm. Có lần tôi đã viết: "Nhắc đến không khí Tết là nghĩ ngay đến cái dáng tảo tần, tất tưởi của mẹ trong bếp, đó là mùi cá kho trong bếp, đó là vị ngọt của chè con ong bà nấu, đó là màu xanh của lá dong, màu đỏ thắm của hoa đào quện cùng màu cam của chùm quất, đó bát thủy tiên nhỏ trên bàn thờ gia tiên, đó là khói lam chiều trong những buổi chiều quê cuối năm khi mẹ về thăm bà, đó là cảnh mua bán nhộn nhịp ở phiên chợ Tết...
Bất chợt lại nhớ câu thơ của Tú Xương: "Đì đẹt ngoài sân, tràng pháo chuột/ Om sòm trên vách, bức tranh gà". Những ký ức đẹp của tuổi thơ giúp tôi có tình yêu với nơi mình đang sống. Có thể giờ đây Hà Nội chưa có nhiều không gian để lan tỏa không khí Tết đó. Ngay việc gói bánh chưng, lâu lâu trẻ con cũng sẽ quên vì chúng chỉ biết bóc bánh chưng, không biết gói thế nào. Ngày bé, bố mẹ gói bánh chưng và gói riêng cho mình những chiếc bánh nhỏ. Món quà nhỏ thân thương lớn lên cùng mình theo năm tháng, mình sẽ yêu nó hơn. Bây giờ không có cảm giác ngồi trong đêm lạnh trông nồi bánh chưng, rửa lá dong, vo đậu xanh...
Cảm xúc tạo nên ký ức và có ký ức đẹp thì Tết mới đẹp. Tôi vẫn dạy những học trò nhiếp ảnh của tôi rằng, hãy sống chậm lại, cảm nhận cái đẹp của từng con người, sự vật rồi hẵng chụp. Để mọi người yêu Tết, hãy tạo ra những cơ hội để có những ký ức đẹp, rồi họ sẽ yêu. Tết Việt cũng vậy, cần những người thanh thản, sống chậm lại và có ký ức đẹp, họ sẽ biết yêu và trân trọng. Giờ mọi người sống gấp quá, muốn dùng tiền mua tất cả thì rất khó có ký ức. Không gói bánh chưng, không chạm vào lá dong; không tự chọn bình hoa, không tự cắm hoa Tết…thì cảm xúc khó trọn vẹn được.
- Đại sứ Phạm Sanh Châu đánh giá Tết là di sản và đang muốn nâng tầm Tết Việt trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo anh, có sở nào để chúng ta làm được điều đó?
+ Quan điểm của UNESCO về di sản là phải tồn tại lâu dài trong cộng đồng và góp phần vào sự đa dạng của văn hóa thế giới. Tết Việt có tính cộng đồng lớn, cả đất nước đón Tết, có nhiều bản sắc đậm đặc từ tục mừng tuổi, những món ăn đa dạng, thú chơi hoa đào, rồi gần như làng nào cũng có lễ hội xuân… rồi tục thờ cúng tổ tiên.
Trong nhà, ai cũng có bàn thờ tổ tiên, dịp Tết, từ nhà nghèo đến nhà giàu đều trang trí bàn thờ gia tiên rất đẹp. Ngày xưa, nhà nghèo không có tiền mua mâm ngũ quả thì họ mua tranh treo, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên. Hồn cốt của Tết Việt vẫn còn. Nếu chiếu theo những quan điểm của UNESCO về di sản thì Tết Việt rất đậm nét. Nó là một bản sắc văn hóa riêng biệt của người Việt.
- Một năm mới lại bắt đầu và chắc hẳn lại là một năm bận rộn của anh với những dự án mới. Những ngày Tết anh thường làm gì?
+ Như thường lệ, Tết tôi sẽ đi lang thang ở các lễ hội xuân để chụp ảnh. Năm 2020 tôi được một tổ chức mời triển lãm để góp phần lan tỏa tình yêu di sản ra nước ngoài. Tôi cũng dự định sẽ tiếp tục đóng góp công sức để ra thêm cuốn sách mới về tranh dân gian Việt Nam cùng một số tác giả khác.
Sẽ có thêm nhiều phóng sự ảnh về nét đẹp chợ Việt Nam, đây là tổng kết tư liệu của 15 chợ tôi đã trải nghiệm khắp Việt Nam. Năm 2020, Hà Nội sẽ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi sẽ có một dự án nhỏ để góp phần lan tỏa vẻ đẹp văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Sẽ là một năm bận rộn.
- Vâng, chúc anh một năm mới bình an.