Giữ làng Việt

Lâu nay, nói đến làng là nói đến hình bóng quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, nói đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ và bao ký ức tuổi thơ đã ăn sâu bén rễ vào mỗi con người.

Làng Việt là đất thiêng, nơi “sinh-trưởng-tụ-về” của con người, dù đi đâu, làm việc gì thì khi thành đạt, thành danh, ai cũng muốn về làng để vinh quy bái tổ. Với người Việt ta, cây đa, bến nước, sân đình đã trở thành biểu tượng của làng quê thăm thẳm hồn đất, hồn người.

Vào dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh, người dân thôn Thụ Ích, xã Liên Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) không chỉ sống trong niềm hân hoan của ngày hội non sông mà còn được hòa mình vào không gian làng văn hóa kiểu mẫu vừa được khánh thành.

Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km. Ảnh: VOV

Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km. Ảnh: VOV

Với mong muốn đưa làng quê thành nơi đáng đến, đáng ở lại, đáng sống, không gian làng văn hóa Thụ Ích là một quần thể văn hóa hoàn chỉnh được đầu tư cải tạo, xây dựng trên diện tích 15.000m2, gồm có nhà văn hóa, sân nội bộ, vườn hoa, cây cảnh, hồ điều hòa có hoa súng, hoa sen, có hàng cây xanh ghế đá bên ven hồ, sân bóng đá nhân tạo, sân bóng chuyền, sân chơi cầu lông, hệ thống dụng cụ thể thao ngoài trời và có các hoạt động bổ trợ để người dân được tắm mình trong bầu không khí làng quê Việt.

Làng văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích là một trong 60 làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo, đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2027, với tổng kinh phí dự toán là 2.610 tỷ đồng, bình quân mỗi làng được đầu tư 40-45 tỷ đồng. Mục tiêu là đưa các làng văn hóa kiểu mẫu trở lại với vai trò là thiết chế văn hóa hữu hiệu nhất để nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn con người Việt Nam trong xã hội đương đại.

Làng là đơn vị cơ bản nhất làm nên chiều dài lịch sử, bề dày truyền thống văn hóa Việt Nam, nhưng trước cơn lốc đô thị hóa, toàn cầu hóa, thậm chí có cả hiện tượng ngoại lai hóa các luồng văn hóa ồ ạt từ nước ngoài, thời gian qua, nhiều làng quê Việt Nam bị mai một bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục. Nhiều trẻ em lớn lên ở làng nhưng không biết thả diều, chơi ô ăn quan, không hiểu thế nào là “rồng rắn lên mây”, không cảm nhận được “Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bảy/ Có mưa tháng ba”, không biết thần phả, thần tích của làng ra sao...

Trong khi đó, do các gia đình mải mê làm ăn, còn chính quyền địa phương lại chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà có phần sao nhãng việc chăm lo đời sống tinh thần nên người dân quê có thể sung túc về cuộc sống vật chất, sở hữu đầy đủ tiện nghi hiện đại nhưng “hương đồng gió nội” của người quê lại “bay đi ít nhiều”. Cái giá phải trả là tính cộng đồng bị lỏng lẻo; tình làng nghĩa xóm ở nhiều nơi bị sứt mẻ; nhiều giá trị văn hóa của tổ tiên, ông cha dần mờ nhạt trong đời sống đương đại... Văn hóa làng vì thế đã mất dần tính thiêng trong ký ức bao người con xa quê!

Giàu ở làng, sang ở nước. Làm giàu văn hóa cho làng cũng là làm giàu đời sống văn hóa tinh thần cho người dân cư ngụ, gắn bó cả đời với làng. Ý nghĩa sâu xa hơn, việc xây dựng và duy trì bền bỉ các không gian làng văn hóa kiểu mẫu, những người con xa quê mỗi khi trở về làng được tìm về cội nguồn ký ức, tìm về những giá trị văn hóa Việt đã làm nên hình hài, hồn cốt cho non sông, đất nước hôm nay.

PHÚC NỘI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giu-lang-viet-741086