Giữ lửa cho phong trào vì môi trường

Xả rác tại Việt Nam từ lâu đã trở thành thói quen đời thường tại mỗi ngõ, xóm. Người ta có thể xả rác ở bất cứ nơi nào mà không phải lo nghĩ về việc bị xử phạt.

Giang Thị Kim Cúc – một trong những Trashpacker tại Việt Nam đầu tiên của cộng đồng Trashpacker thế giới. Ảnh: Nhân vật cungc ấp

Giang Thị Kim Cúc – một trong những Trashpacker tại Việt Nam đầu tiên của cộng đồng Trashpacker thế giới. Ảnh: Nhân vật cungc ấp

Rác thải – một từ khi nhắc đến có lẽ sẽ khiến nhiều người chẳng mấy hứng thú vì sự hôi hám và ô nhiễm. Thế nhưng, với Giang Thị Kim Cúc, một Trashpacker (người nhặt rác) ở địa chỉ 812 đường Trường Sa, Phường 14, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh thì việc nhặt rác và đi khắp nơi để nhặt rác lại là một công việc đem lại yêu thích và nhiều cảm hứng cho bạn.
Gác lại việc kinh doanh, rời xa những căn phòng điều hòa mát lạnh để đi nhặt rác, có lẽ chỉ có “kẻ gàn dở” Giang Thị Kim Cúc. Mới bắt đầu tham gia phong trào nhặt rác được một vài năm gần đây, nhưng khối lượng rác thải mà Giang Thị Kim Cúc cùng nhóm các bạn trẻ thực hiện đã lên đến hàng trăm tấn.
Theo chia sẻ của Cúc, chị đến với phong trào dọn rác thải tự nguyện một cách rất tình cờ. Trong một chuyến đi Brunei vào năm ngoái, chị vô tình gặp gỡ anh Tijmen Sissing, người sáng lập cộng đồng Trashpackers. Anh đã chia sẻ về những câu chuyện nhặt rác, bảo vệ môi trường tại hơn 42 quốc gia trên thế giới.
Câu chuyện của anh chàng nhặt rác đã truyền cảm hứng và tạo động lực cho Kim Cúc, thôi thúc chị hành động để bảo vệ môi trường và góp phần đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia xả rác trên thế giới.
Xả rác tại Việt Nam từ lâu đã trở thành thói quen đời thường tại mỗi ngõ, xóm. Người ta có thể xả rác ở bất cứ nơi nào mà không phải lo nghĩ về việc bị xử phạt hay những túi rác ni lông, cốc nhựa... đó sẽ đi về đâu. Ngay từ khi mới tham gia nhặt rác, chị Kim Cúc cũng nhận được nhiều lời chê cười, gièm pha của người dân và cộng đồng mạng.
“Rảnh quá mới đi nhặt rác, chắc gì ở nhà đã sạch chưa mà ra đây nhặt rác - đó là những gièm pha của mọi người. Nhưng bản thân vốn ghét rác thải, nên bằng hành động mỗi ngày, nhặt rác một cách nhiệt tình nhất, chịu mưa nắng, dần dần, tôi cũng lấy được tình cảm, sự đồng lòng của mọi người, sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ”, Kim Cúc nói.

Con suối ở chợ Lộc Ninh (Bình Phước) trước và sau khi dọn rác. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Con suối ở chợ Lộc Ninh (Bình Phước) trước và sau khi dọn rác. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tính đến nay, Kim Cúc cùng với nhóm của mình đã kêu gọi các bạn trẻ cùng nhau bắt đầu hành trình nhặt rác và nhân rộng phong trào này trải dài khắp đất nước tại nhiều tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Phan Thiết, Bình Phước, Tp. Hồ Chí Minh…, với mong ước góp phần làm sạch Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đáng sống nhất khu vực.
Kể về một trong những dự án thành công của mình, Kim Cúc cho biết chính là dọn sạch dòng suối Lộc Ninh ở chợ Lộc Ninh, thị trấn Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Dòng suối này trước đó đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, bởi sự bẩn thỉu và hôi thối. Ban đầu, Kim Cúc và Kim Yến - một người đồng hành phong trào cùng Kim Cúc nhận được sự hưởng ứng của vài chục người cùng dọn rác trên bờ và khu vực xung quanh. Tuy nhiên, sau khi Kim Cúc quyết định sẽ lội xuống kênh để nhặt rác trực tiếp thì mọi người dân đều ngán ngẩm và bỏ về.
“Lúc đó, mình cảm thấy rất buồn, nhưng không hề chán nản, bởi ngay từ đầu, Cúc đã có quyết tâm phải làm sạch dòng suối này. Ở dưới dòng suối, bên cạnh các rác thải sinh hoạt thường ngày, có rất nhiều mảnh chai thủy tinh, kim tiêm, xác động vật hôi thối... Vượt qua nỗi sợ hãi bởi cảm giác bẩn thỉu, mùi hôi hám, nhóm tình nguyện của Cúc xắn tay, dọn sạch dòng suối”, Kim Cúc nhớ lại.
Một trong những chương trình dọn rác tình nguyện lớn nhất của Kim Cúc và nhóm Trashpacker là bãi rác bờ biển Vĩnh Lương, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hồi tháng 2/2019 mới đây. Với gần 300 tình nguyện viên là học sinh, công chức địa phương, tình nguyện viên nước ngoài... và nhờ sự hỗ trợ của địa phương, hoạt động liên tục trong 7 ngày, nhóm của Cúc đã dọn sạch bãi rác dài vài cây số với hàng trăm tấn rác.
Hiện nay, thông điệp loại bỏ rác thải nhựa đang nhận được sự quan tâm từ Chính phủ cũng như nhiều bộ ngành. Rất nhiều doanh nghiệp, các siêu thị và cộng đồng đang dần hướng tới việc loại bỏ rác thải nhựa khỏi cuộc sống.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi “nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa”.

Những em học sinh, sinh viên chính là người sẽ tiếp tục đồng hành và lan tỏa các hoạt động vì môi trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những em học sinh, sinh viên chính là người sẽ tiếp tục đồng hành và lan tỏa các hoạt động vì môi trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thực sự khi biết được cả nước chung tay, từ Chính phủ đến các cơ quan đoàn thể và rất nhiều cơ quan truyền thông cũng đăng tải các tấm gương, thông tin, Kim Cúc cảm thấy đầy hy vọng và hạnh phúc khi việc chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đã nhận được sự hậu thuẫn, ủng hộ.
Hiện Kim Cúc đang là chủ của 3 quán cà phê và quản lý kinh doanh. Dù công việc nhiều bộn bề, song Kim Cúc vẫn luôn ý thức để dành thời gian, chi phí cho việc không sử dụng rác thải nhựa,
Ngoài việc vẫn tiếp tục phong trào nhặt rác, dọn sạch các điểm ô nhiễm, Kim Cúc cho biết, các quán cà phê của chị đều không sử dụng ống hút, cốc nhựa khi bán cho khách. Bên cạnh đó, các đồ dùng tại quán cũng đều là những đồ thân thiện môi trường...
Ngoài ra, Kim Cúc còn tham gia nhiều buổi talkshow, trò chuyện với sinh viên, học sinh khắp nơi để tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ những việc rất nhỏ như: hạn chế sử dụng nhựa, không xả rác bừa bãi…
Kim Cúc tâm sự, những em học sinh, sinh viên mới chính là người thật sự quan trọng trong việc bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp. Từ những hành động nhỏ của các em, sẽ tạo ra sự lan tỏa tới cộng đồng.
"Nhặt rác chỉ là một hành động nhỏ, giúp giữ lửa cho một phong trào vì môi trường để cộng đồng thấy. Việc yêu môi trường, hưởng ứng phong trào không xả thải, không sử dụng rác thải nhựa... có rất nhiều cách, như: đi chợ không dùng túi ni lông, uống cà phê không dùng ống hút, hay chuẩn bị sẵn túi vải để sử dụng khi cần... Bằng tất cả mọi việc, từ nhỏ nhất, thiết thực nhất, làm sao để lan tỏa hạn chế việc sử dụng rác thải nhựa và xả thải một cách thiếu ý thức", Cúc chia sẻ./.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/giu-lua-cho-phong-trao-vi-moi-truong/129901.html