Giữ 'lửa' cho thể thao dân tộc

Cùng với sự quan tâm, đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng và các môn thể thao thành tích cao, ngành thể thao của tỉnh không ngừng chú trọng, phát triển các môn thể thao dân tộc. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho nhân dân, đồng thời bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Với 22 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng và môn thể thao được yêu thích riêng. Trong đó, các dân tộc thiểu số đến nay vẫn gìn giữ và phát triển các môn thể thao đặc trưng riêng của dân tộc mình. Các môn thể thao dân tộc có đặc điểm chung là không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, dễ tập, dễ chơi. Chỉ cần một khoảng đất trống, một khoảng sân rộng là người dân có thể tổ chức chơi, thi đấu các môn như kéo co, đẩy gậy, tung còn. Thêm vào đó, dụng cụ thể thao cũng rất đơn giản, người dân có thể tự chế tác từ những vật liệu dễ kiếm... Các trò chơi dân gian cũng vừa là môn thể thao truyền thống, thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, trong những ngày tết, ngày hội... tạo nên vẻ đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và là hình ảnh đặc trưng của lễ hội miền núi.

Môn bắn nỏ được người dân xã Xuân Lập (Lâm Bình) gìn giữ và tập luyện thường xuyên.

Môn bắn nỏ được người dân xã Xuân Lập (Lâm Bình) gìn giữ và tập luyện thường xuyên.

Lâm Bình là một trong những địa phương vẫn còn lưu giữ được khá nhiều môn thể thao, trò chơi dân gian gắn liền với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các môn thể thao, trò chơi dân gian đều là một phần không thể thiếu được tổ chức trong các lễ hội văn hóa truyền thống của các địa phương trên địa bàn, cũng như trong sinh hoạt hằng ngày của người dân sau mỗi ngày làm việc, lao động vất vả. Lễ hội Lồng tông là một trong những lễ hội lớn của huyện mang đậm những nét văn hóa truyền thống với phần lễ và phần hội. Bên cạnh phần nghi lễ truyền thống, tại lễ hội còn tổ chức nhiều môn thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, đánh pam, đánh yến, kéo co, tung còn, đua mảng... Ngoài phần tranh tài giữa các đội thi của các xã, Ban tổ chức còn bố trí phần thi đấu giao lưu dành cho du khách. Nhiều du khách đã được hướng dẫn và cùng người dân địa phương tham gia thi đấu các môn thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian, qua đó tạo nên sự gần gũi, đồng thời truyền bá những nét đẹp văn hóa đặc sắc của địa phương đến du khách.

Tại các địa phương, các môn thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian thu hút được đông đảo người dân tham gia tập luyện, trong đó môn đẩy gậy không chỉ là hoạt động thường xuyên tại dịp lễ hội đầu xuân, mà còn là môn thể thao khá phổ biến đối với bà con các dân tộc. Đây là môn thể thao, trò chơi dân gian thể hiện sức mạnh, chiến thuật khéo léo linh hoạt cùng ý chí kiên cường, dẻo dai của các vận động viên. Ở môn đẩy gậy không chỉ những người trực tiếp tham gia thi đấu mới thấy hào hứng mà ngay chính khán giả cũng có diễn biến tâm trạng theo từng hiệp đấu làm không khí cuộc thi sôi nổi, cuốn hút... Sau cuộc đấu, các đối thủ lại khoác tay nhau trên tinh thần thượng võ.

Chị Hà Thị Khách, thôn Tân Cường, xã Tân An (Chiêm Hóa) là một VĐV xuất sắc giành được nhiều huy chương các loại tại các giải đấu của huyện, tỉnh và toàn quốc cho biết, tuổi thơ của chị đã gắn liền với những chiếc nỏ. Đến nay chị cũng đã có gần 30 năm chơi môn thể thao này. Chị Khách tâm sự, bản thân chị vẫn luyện tập môn thể thao này hàng ngày. Bên cạnh đó, chị tự tay làm các bộ phận của nỏ theo ý của mình để tham gia thi đấu tại các giải. Hiện nay, cả gia đình chị đều là những VĐV xuất sắc của môn bắn nỏ. Theo chị Khách đối với mỗi VĐV bắn nỏ đòi hỏi phải có thần kinh vững, tâm lý bình tĩnh, mắt sáng và nhất là sức khỏe. Tuy nhiên cũng cần một quá trình rèn luyện, tham gia luyện tập, cọ xát, thi đấu tại nhiều giải khác nhau để nâng cao trình độ chuyên môn.

Để tạo nền tảng phát triển các môn thể thao dân tộc, tỉnh ta luôn quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, các thiết chế thể thao cho cơ sở. Đến nay, hầu hết các thôn bản, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có sân thể thao. Toàn tỉnh hiện có 127 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa, thể thao, trong đó có 51 Trung tâm văn hóa, thể thao xã, phường, thị trấn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới (đạt 40,2%); 1.640 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao, trong đó 1.139 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản đạt chuẩn theo quy định (đạt 65%). Hiện, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì 4.015 số đội thể thao cơ sở; trên 44.176 vận động viên cơ sở; 350 câu lạc bộ thể thao; 409 sân bóng chuyền, 305 sân bóng đá, 686 sân cầu lông; 29 sân quần vợt. Việc quan tâm và phát triển các môn thể thao dân tộc đã góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các bộ môn thể thao dân tộc. Đồng thời, nâng cao sức khỏe, làm phong phú đời sống tinh thần cho quần chúng nhân dân, thúc đẩy phát triển phong trào thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, trong dịp lễ Tết hay qua các kỳ đại hội TDTT các cấp, các địa phương, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tổ chức lồng ghép những môn thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, ném còn… vì những môn này gắn liền với đời sống, lao động và tập quán của bà con nhân dân trên địa bàn, qua đó không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi cũng như luyện tập TDTT của nhân dân và còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/the-thao/trong-tinh!/giu-lua-cho-the-thao-dan-toc-137504.html