Giữ lửa cho tổ ấm

Tôn trọng, yêu thương, nhường nhịn, chia sẻ, bỏ qua những điều hơn thua nhỏ nhặt để chung tay nuôi dạy con cái nên người, tạo lập mái ấm hạnh phúc... là những bí quyết mà vợ chồng chị Trần Thị Chín ở thôn Tường Quang (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa), cùng nắm tay nhau đi qua những năm tháng khó khăn, kết nối thương yêu, hạnh phúc trong gia đình mình.

Trong ký ức tôi vẫn còn lưu giữ nụ cười rạng ngời hạnh phúc của chị Trần Thị Chín tại Hội nghị “Biểu dương gia đình hạnh phúc” của Hội LHPN tỉnh tổ chức trong dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 mới đây. Ở đó còn có cả hình ảnh của anh Huỳnh Tấn Hạnh - chồng chị Chín chạy tới chạy lui chụp ảnh cho vợ lúc chị bước lên sân khấu nhận bằng khen của Hội LHPN tỉnh trao tặng.

Anh Hạnh cười phân bua: “Mục đích của tôi đến hội nghị là làm “phó nháy” cho vợ mình có những bức ảnh đẹp để kỷ niệm trong dịp đặc biệt này, hơn nữa còn có cái để gửi cho hai con gái đang làm việc ở Nha Trang… ”.

Vợ chồng chị Trần Thị Chín nhận bằng khen Gia đình tiêu biểu trong xây dựng gia đình hạnh phúc của Hội LHPN tỉnh trao tặng - Ảnh: NGỌC DUNG

Vợ chồng chị Trần Thị Chín nhận bằng khen Gia đình tiêu biểu trong xây dựng gia đình hạnh phúc của Hội LHPN tỉnh trao tặng - Ảnh: NGỌC DUNG

Cha mẹ là tấm gương soi

Nhắc đến hai cô con gái yêu Huỳnh Thị Bích Hân, Huỳnh Thị Bảo Hân, đôi mắt vợ chồng chị Chín ánh lên niềm tự hào: “Sau khi tốt nghiệp đại học, tụi nhỏ ra trường làm việc ở Nha Trang. Thấy các con mình trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, vợ chồng tôi mừng lắm!”.

Nhớ lại lúc sinh con một bề, nhiều người “động viên” vợ chồng chị Chín cố gắng “kiếm” thêm con trai để nối dõi tông đường, nhưng cả hai không đặt nặng vấn đề này. Với anh chị, trai hay gái không quan trọng, mà quan trọng là cách giáo dục, nuôi dưỡng con nên người, trở thành người có ích cho xã hội.

Để tạo nền tảng nhân cách tốt cho con ngay từ nhỏ, cả hai rèn ý thức tự lập, dạy con cách sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, hiếu kính ông bà cha mẹ. Đặc biệt với con gái, chị Chín luôn để ý dạy con cung cách ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn, điềm đạm.

Chị thổ lộ: “Để dạy các con nên người, vợ chồng tôi làm gương cho con để con soi rọi vào đó học tập, noi theo. Chúng tôi luôn để ý đến lời ăn tiếng nói hàng ngày, đến cách cư xử sao cho đúng mực. Trong cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng êm thuận, “chén trong sóng còn khua” huống chi là vợ chồng, những lúc như vậy, chúng tôi luôn tránh cãi vã trước mặt con cái. Tôi thường chọn cách “lùi” một bước khi chồng nóng giận, để khi anh ấy bình tĩnh rồi mới góp ý đúng sai. Vợ chồng nếu cứ để ý chấp nhặt những chuyện hơn thua nhỏ nhặt, không tôn trọng, tin tưởng nhau thì không thể tạo dựng được hạnh phúc gia đình ấm êm. Lúc ấy, không thể có một mái ấm vững bền để nuôi dạy các con nên người”.

Kết nối thương yêu

Nhớ lại những năm tháng kinh tế khó khăn trước đây, chị Chín không khỏi ngậm ngùi: Có những lúc đến mức trong nhà không có gạo nấu, nhưng nhờ vợ chồng đồng lòng chịu khó làm ăn mà gia đình chị vượt qua giai đoạn khó khăn.

Anh Hạnh làm thợ hồ, còn chị Chín thì làm đậu hũ bán ở chợ Hòa Kiến. Chị thường thức dậy làm đậu từ lúc 2 giờ sáng đến 5 giờ thì kết thúc, sau đó mang đậu ra chợ bán, còn anh Hạnh ở nhà lo dẹp dọn nhà cửa đâu vào đó rồi mới đi làm. Với nguồn thu nhập khiêm tốn của hai vợ chồng, những năm nuôi hai con học đại học, mỗi tháng phải gửi cho các con từ 5-6 triệu đồng, vợ chồng chị Hạnh còn nhận thêm “chân” thu gom rác trong thôn để kiếm thêm chút tiền trang trải.

Chị Chín lên kế hoạch chi tiêu trong gia đình: “Hàng tháng tiền chồng kiếm được sẽ gửi cho hai con, còn tiền bán đậu mỗi ngày của tôi mua thức ăn cho cả nhà, mua rau cám cho bò. Tôi còn tiết kiệm mỗi ngày vài chục ngàn góp cùng chị em tiểu thương trong chợ đến kỳ hạn nhận lại lo việc sắm sửa trong nhà, phòng khi đau ốm, bệnh tật. Gạo ăn hàng ngày thì dựa vào 4 sào ruộng khoán. Vợ chồng tôi nuôi 1 con bò giống như của để dành, nhìn vào nó để hoạch định việc mua xe máy hay laptop cho con…”.

Ngồi nghe chị Chín quản lý tài chính một cách rành mạch, nhẹ bâng, tôi mới thấu hiểu vì đâu mà vợ chồng chị vượt qua những năm nuôi hai con học đại học lúc kinh tế thắt ngặt đến vậy. Chị chia sẻ: “Quan trọng là mình chi tiêu vén khéo để lo cho tụi nhỏ ăn học. Với vợ chồng tôi, chuyện học của con quan trọng hơn hết thảy. Hồi trước, do gia đình nghèo khó, chúng tôi học hành dở dang, bởi vậy mà bây giờ phải cố sức tạo lập tương lai cho con mình…”. Bù đắp những tháng ngày hy sinh vất vả của ba mẹ, hai cô con gái của họ học hành chăm chỉ, giỏi giang, hiếu thuận, luôn có tấm lòng yêu thương rộng mở với mọi người.

Nhìn lại chặng đường đã qua, anh Hạnh bảo, anh cảm thấy may mắn khi song hành bên anh luôn có người vợ chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng con. Còn chị Chín thì biết ơn chồng mình: “Nhờ có sự yêu thương, chia sẻ, tận tâm của chồng, tôi mới có thể làm tốt vai trò người vợ, người mẹ cũng như đảm đương tốt vai trò Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Tường Quang”. Chính những tình cảm trân quý dành cho nhau đã giúp họ thắp lửa yêu thương, xóa mờ những khó khăn thường ngày, tạo lập tổ ấm an vui hạnh phúc dưới mái nhà mình bao năm nay.

NGỌC DUNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/224313/giu-lua-cho-to-am.html