Giữ lửa nghề truyền thống

Giữa sắc màu đa dạng, phong phú của các mặt hàng nông sản tại những gian hàng trưng bày ở hội thảo giới thiệu sản phẩm các mô hình kinh tế của phụ nữ, gian hàng của chị Mai Thị Tuyết Sương, ở thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, trở nên đơn giản bởi chỉ có sản phẩm 'độc đinh' là bánh nổ. Tuy vậy, chỉ dừng lại nếm thử vị bánh theo lời mời của chủ gian hàng, nhiều người phải trầm trồ vì hương vị đặc trưng của loại bánh này.

 Sản phẩm Bánh nổ Sương Mai được vinh danh tại Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2019

Sản phẩm Bánh nổ Sương Mai được vinh danh tại Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2019

Chia sẻ về nghề làm bánh của mình, chị Tuyết Sương cho hay, ở quê chị người dân có nghề truyền thống trồng lúa nếp để gói bánh tét, nấu xôi và bánh nổ vào dịp tết. Ngày trước, người dân trong làng thường chọn lọc những hạt nếp chắc, thơm ngon cho vào chảo gang rang trên lửa củi để tạo thành những bỏng nếp trắng tinh. Họ nhanh tay giần, sàng, nhặt vỏ trấu lẫn trong bỏng nếp rồi cho vào bao ủ ấm để giữ hương thơm. Tiếp đến, đập dập gừng tươi, xắt nhuyễn rồi cho vào nồi bắc lên bếp sên với đường đến khi vừa sánh đặc, dậy thơm thì nhấc xuống khỏi bếp, sau đó trộn đều nước sên đường, gừng và bỏng nếp rồi cho vào khuôn gỗ. Có người kì công hơn có thể gia giảm thêm lạc hoặc mè rồi dùng vồ đóng đều tay để bánh đủ độ kết dính khi cắt lát, nhưng cũng không quá cứng khi thưởng thức. Công đoạn cuối cùng là bày bánh lên nia đan bằng tre sấy nhẹ trên than củi rồi cho vào túi nilon hay thùng kín để bảo quản. Mùi thơm của bánh hòa quyện với khói hương làm cho không khí ngày tết thêm ấm cúng. Bánh nổ có hương vị ngọt thơm của nếp, của đường xen lẫn vị cay của gừng, vị phảng phất của hương dầu chuối. Miếng bánh xốp, mềm, tan dần trong miệng nhưng hương vị đặc trưng ấy cứ đọng mãi nơi đầu lưỡi. Bánh nổ trở thành món ẩm thực không thể thiếu trong nhiều gia đình mỗi khi tết đến, xuân về.

Tuy nhiên, đó là chỉ là kí ức nhiều người về hàng chục năm trước. Để sản xuất ra một thanh bánh nổ mất rất nhiều thời gian, từ khâu trồng, thu hoạch nếp đến việc sơ chế như: rang nổ nếp, nhặt nổ nếp, chế biến các nguyên liệu thành phần rồi đóng bánh… là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ của người làm mới cho ra những thanh bánh nổ vừa ý. Trong khi đó, cuộc sống bận rộn cùng với những tiện ích, đa dạng của thị trường hàng hóa bánh kẹo dịp tết khiến người dân không mặn mà với nghề truyền thống làm bánh nổ. Vì vậy, hiện nay rất ít người làm món bánh này vào dịp tết như trước. Với chị Sương, món bánh nổ luôn hiện hữu vì gắn liền với tuổi thơ cơ cực nên thỉnh thoảng thử món bánh truyền thống này để thay đổi khẩu vị cho gia đình trong dịp tết. Một lần tình cờ chia sẻ thành quả là dĩa bánh nổ lên tường facebook cá nhân, chị Sương bất ngờ khi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của gia đình, người thân, bạn bè. “Lần đầu tiên tôi đưa sản phẩm lên facebook, hình ảnh bánh nổ nhận được rất nhiều lượt like và share trên mạng xã hội, rất nhiều người bày tỏ muốn được thưởng thức loại bánh này nên nhờ làm giúp. Tôi nhân lời vì toàn là người thân quen,bạn bè. Như nhiều sản phẩm khác, ban đầu người mua muốn có sản phẩm vì hiếu kì, vì những kí ức tuổi thơ như ùa về khi bắt gặp hình ảnh bánh nổ. Nhưng sau khi dùng sản phẩm, những khách hàng này chính là cầu nối, giới thiệu đến người thân, gia đình bạn bè của họ nên số lượng khách đặt hàng ngày càng nhiều hơn. Nghề làm bánh nổ bén duyên và trở thành công việc chính của tôi hiện nay”.

Từ thực tiễn sản xuất, chị Sương đã tìm tòi nghiên cứu để có thể áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật mang lại lợi nhuận cao hơn. Chị đã chế tạo ra máy đóng bánh nổ bằng cách sử dụng hệ thống máy nén thủy lực. So với việc đóng bánh thủ công thì việc sử dụng hệ thống máy nén thủy lực tiện lợi và hợp vệ sinh hơn nhiều, giúp chị nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Những thanh bánh cũng được đóng với kích thước, mẫu mã rất đồng nhất và thẩm mĩ. Đặc biệt, chị Sương còn điều chỉnh hương vị của bánh tùy yêu cầu khách hàng. Nếu ngày xưa, bánh nổ chỉ xuất hiện mỗi khi tết đến, xuân về thì nay, sản phẩm bánh nổ của chị Sương có quanh năm để phục vụ khách hàng. Hiện sản phẩm bánh nổ của chị Sương đã có mặt ở thị trường nội tỉnh mà còn được rất nhiều người Quảng Trị công tác trên mọi miền đất nước đặt hàng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Sương đang xây dựng sản phẩm của mình trở thành thương hiệu Bánh nổ Sương Mai. Cơ sở sản xuất của chị hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 công nhân và 3 nhân công lao động thời vụ với nguồn thu ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/ người/tháng. Đặc biệt, vừa qua sản phẩm Bánh nổ Sương Mai được Ban Tổ chức Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2019 của Hội LHPN trao tặng giải Nhì. Đó là món quà ý nghĩa cổ vũ chị Sương tiếp tục giữ lửa cho nghề truyền thống.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=142813