Giữ lửa yêu thương để gia đình hạnh phúc
Dù ở thời kỳ nào thì gia đình cũng cần có yếu tố yêu thương - sẻ chia giữa các thành viên, lúc ấy hạnh phúc mới vững bền. Trong xã hội hiện đại, giữa nền kinh tế thị trường có nhiều thay đổi, để giữ gìn hạnh phúc gia đình là một thách thức đối với mỗi thành viên, gia đình và xã hội.
Một bữa cơm vội vàng, một lời hỏi han qua quýt… nhiều gia đình đã rơi vào tình trạng đó khi cuộc sống có quá nhiều thứ phải lo toan - cơm áo, gạo tiền, áp lực công việc, quan hệ xã hội… Thậm chí, các thành viên trong gia đình luôn có khoảng cách xa rời, không tạo được sợi dây gắn kết để chia sẻ, cảm thông và yêu thương nhau.
Tôi có một cô bạn là bác sĩ, đặc thù công việc ca kíp liên tục, có khi cả tuần chỉ ăn được một vài bữa cơm với gia đình. Có khi đang ngồi ăn cơm lại phải đứng dậy vì có bệnh nhân... thế là chồng và 2 cô con gái lại rơi vào cảnh vắng vợ, vắng mẹ trong những phút giây sum vầy. Suốt hơn 20 năm nay, gia đình người bạn tôi chưa có một chuyến du lịch, một cuộc liên hoan đầy đủ các thành viên...
Bạn tôi tâm sự: “Chồng làm bộ đội, mình làm bác sĩ - cả hai cùng bận bịu, con gái lớn học đại học ở Hà Nội, đứa bé thì vẫn còn nhỏ. Đặc thù công việc cũng như việc học hành của các cháu khiến gia đình mình luôn phải xa nhau. Nhưng, công tác trong cơ quan nhà nước, vợ chồng mình hiểu và chia sẻ công việc của nhau. Khi có thời gian rảnh, hai vợ chồng lại tâm sự, hỏi han và cùng nhau định hướng, chia sẻ với nhau, với các con.
Con gái lớn của vợ chồng mình tuy học xa nhà, nhưng các buổi tối đều gọi điện về thăm hỏi, xin ý kiến bố mẹ, vì vậy, tuy xa mà gần... Chúng mình luôn cố gắng dành cho nhau những khoảnh khắc quý giá nhất có thể để hiểu, cảm thông cho nhau hơn, như vậy mới có thể giữ được lửa yêu thương”.
Hiện nay, cũng có nhiều gia đình 3-4 thế hệ sống cùng nhau; mỗi thế hệ một tính cách, tâm lý và suy nghĩ khác nhau, nhưng họ vẫn coi trọng truyền thống, giữ gìn gia phong và tìm được tiếng nói chung để "giữ lửa" hạnh phúc.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên là một điển hình. Anh Tùng chia sẻ: “Gia đình tôi 3 thế hệ sống cùng nhau, nhưng các thành viên luôn hòa đồng, chia sẻ với nhau mọi việc; con cháu luôn kính trọng ông bà, cha mẹ; ngược lại ông bà cũng luôn mẫu mực với con cháu. Chúng tôi luôn quan niệm phải hiểu được tâm lý của từng độ tuổi, tính cách của từng thành viên… thì mới đem lại sự hài hòa và cảm thông”.
Trong gia đình anh Tùng, các thế hệ cách nhau khá xa về độ tuổi, bố mẹ anh đã ngoài 70 tuổi, vợ chồng anh hơn 40 tuổi, các con chỉ mới 12 - 15 tuổi, nên vợ chồng anh Tùng luôn đưa ra nhiều tình huống cùng tháo gỡ để các thành viên xích lại gần nhau hơn. Những bữa cơm tối đầy đủ thành viên, sau bữa ăn là thói quen uống trà, con cháu sum vầy tâm sự một ngày bộn bề… Bao nhiêu năm giữ nếp như vậy, gia đình anh luôn hạnh phúc vững bền.
Trong sự bộn bề của cuộc sống ngày nay thì “giữ lửa” trong mỗi gia đình là yếu tố quan trọng để tạo dựng một hạnh phúc vững bền. Nền móng vững chắc sẽ giúp con cái có “điểm tựa” để học tập, phát triển. Dành thời gian, sự nhận biết, quan tâm tới người thân của mình trong mọi hoàn cảnh thì mới có thể chia sẻ, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách, sóng gió của cuộc sống cũng như trong gia đình.
Thời gian bận rộn, song việc dành một lời nói yêu thương, một cử chỉ thân mật đã tạo ra “nguyên tắc” yêu thương để giữ lửa ấm cho gia đình. Với mỗi thành viên khi biết quan tâm, yêu thương sẽ giữ được “lửa yêu thương”, gia đình sẽ hạnh phúc dài lâu...
Bài, ảnh: Thu Thủy