Giữ màu xanh cho rừng

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong những năm qua tỉnh đã triển khai và thực hiện tốt công tác giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Với tinh thần, trách nhiệm của mình, đồng bào cùng với lực lượng chức năng không quản khó khăn, vất vả để giữ cho 'lá phổi' ngày càng xanh tươi, trong lành.

Giữ màu xanh cho rừng

Chi cục Kiểm lâm trong lần kiểm tra rừng ở Tuy Phong.

Chi cục Kiểm lâm trong lần kiểm tra rừng ở Tuy Phong.

Thay đổi nhận thức của đồng bào

Những năm 2000 trở về trước, đời sống người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Bình Thuận gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh khi chỉ sống dựa vào nương rẫy; việc canh tác sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Tình trạng du canh du cư khá phổ biến. Để có đất làm rẫy, bà con không ngại chặt hạ những cây rừng lớn để trỉa bắp, trỉa mì, coi rừng giống như là rẫy của họ. Sau vài ba mùa, khi đất không còn màu mỡ như trước họ lại chuyển đến chỗ khác, rồi cũng hạ cây, phá rừng để canh tác trái phép. Điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại, năm này qua năm khác. Đó là do nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế… Thế nhưng, kể từ khi thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết 04 năm 2002 của Tỉnh ủy Bình Thuận, nhận thức của người dân đã thay đổi hẳn. Lối canh tác du canh du cư của đồng bào dần từ bỏ, họ không lấn chiếm đất lâm nghiệp, không đốt nương, làm rẫy, không tiếp tay cho lâm tặc chặt cây, phá rừng.

Trong số những hộ nhận khoán có ông Hoàng Văn Điền - một hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc. Từ năm 2003 đến nay, năm nào ông Điền cũng nhận nhiệm vụ bảo vệ rừng với diện tích 40 ha. Hàng ngày, ông cùng với các hộ đồng bào khác phân công, chia ca cùng với đơn vị chủ rừng tham gia tuần tra trên các diện tích giao khoán, nếu phát hiện vi phạm sẽ báo với lực lượng chức năng để có hướng xử lý. “Nhìn những cánh rừng phục hồi, xanh tươi trở lại, bà con thấy vui cái bụng lắm” – người đàn ông này chia sẻ.

Không sợ nguy hiểm để bảo vệ “lá phổi”

Không giống những ngành nghề khác, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng là công việc khó khăn, vất vả và cả sự nguy hiểm. Bởi họ phải đối mặt với các đối tượng lâm tặc manh động, sẵn sàng chống đối, hành hung, đe dọa những người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Thế nhưng vì tình yêu với thiên nhiên nên đồng bào vẫn quyết tâm giữ rừng đến cùng. Bởi họ đã nhận thức được rằng, rừng chính là “lá phổi”, “lá phổi” có xanh đồng bào và mọi người mới được hít thở bầu không khí trong lành, mới sống được lâu hơn. Anh Mang Kinh - một hộ nhận khoán rừng ở xã Phan Dũng (Tuy Phong) cho biết thêm: “Những đợt đi tuần tra vào trong rừng sâu, phải ở lại 3 - 4 ngày, thậm chí cả tuần mới về nhà. Vất vả, nhưng không bỏ cuộc vì đó là trách nhiệm của mình”.

Màu xanh của cây rừng.

Màu xanh của cây rừng.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 336.405 ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên gần 288.676 ha, diện tích rừng trồng gần 47.730 ha. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, kể từ khi thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số năm 2002 theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến rõ nét. Nhận thức, trách nhiệm của đồng bào với rừng, với thiên nhiên ngày càng được nâng lên. Ngoài tuần tra, kiểm soát ở các khu vực nhận khoán, đồng bào cùng với lực lượng chức năng tham gia các đợt truy quét, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm.

Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.280 hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng với diện tích hơn 132.700 ha, được thực hiện từ 4 chương trình gồm Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, chi trả từ nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng, vốn sự nghiệp lâm nghiệp và dự án Jica 2. “Phải nói rằng trong tình hình lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hiện nay còn mỏng, thì các hộ nhận khoán có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn các vụ việc vi phạm tài nguyên rừng” - ông Huỳnh Hiếu - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhận định.

Xuân Huy

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/giu-mau-xanh-cho-rung-137025.html