Giữ mức đóng kinh phí Công đoàn để chăm lo cho người lao động

Kinh phí Công đoàn là đóng góp của người sử dụng lao động nhằm đảm bảo nguồn lực duy trì hoạt động Công đoàn để chăm lo trực tiếp cho người lao động (NLĐ).

Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Cibao (thành phố Long Khánh) tặng quà cho công nhân lao động. Ảnh:L.Mai

Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Cibao (thành phố Long Khánh) tặng quà cho công nhân lao động. Ảnh:L.Mai

Từ nguồn kinh phí này, Công đoàn cơ sở (CĐCS) đã tổ chức đa dạng hoạt động phúc lợi, góp phần nâng cao đời sống NLĐ.

Cần thiết giữ lại kinh phí Công đoàn

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, hiện kinh phí Công đoàn để lại CĐCS 75% nhằm chăm lo cho đoàn viên và NLĐ; 25% phân phối cho 3 cấp còn lại gồm Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, cấp tỉnh và cấp trung ương. Thực chất, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng dùng số tiền này chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Như vậy, về cơ bản, kinh phí Công đoàn là để chăm lo cho NLĐ.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa qua, các đại biểu cho rằng nên giữ nguyên mức đóng 2% kinh phí Công đoàn theo quy định hiện hành để chăm lo tốt hơn đời sống NLĐ.

Trong tờ trình về Dự án Luật Công đoàn sửa đổi, cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án phân phối kinh phí Công đoàn. Phương án 1: giao Chính phủ quy định chi tiết; phương án 2: xác định cụ thể Công đoàn cấp trên sử dụng 25%, CĐCS và tổ chức của NLĐ tại DN sử dụng 75%.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ hoàn toàn ủng hộ quy định duy trì mức đóng kinh phí Công đoàn 2%. Theo đại biểu Thúy, có một số hiệp hội, doanh nghiệp (DN) than thở khó khăn, phải đóng thêm 2% kinh phí Công đoàn là quá tốn kém. Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá trình suốt gần 3 năm đất nước chống chọi với đại dịch Covid-19, có thể thấy số tiền Công đoàn chi ra để cùng với DN, cùng với Nhà nước chăm lo và hỗ trợ cho NLĐ là rất lớn. Kinh phí Công đoàn đã giúp hàng triệu lao động trong cả nước được chăm lo tốt về đời sống tinh thần, vật chất hàng năm.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho rằng, nguồn kinh phí Công đoàn 2% chủ yếu trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Mặt khác, kinh phí Công đoàn được tính vào chi phí của DN, được hạch toán vào giá thành sản phẩm. Do đó, kinh phí Công đoàn duy trì sẽ tạo điều kiện nguồn lực đủ mạnh để Công đoàn chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ.

Một số đại biểu khác cho rằng, kinh phí Công đoàn là đóng góp của đơn vị sử dụng lao động nhằm bảo đảm cho Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Đồng thời, cũng để đảm bảo vai trò của Công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; tuyên truyền, vận động NLĐ thực hiện tốt nhiệm vụ, thi đua trong lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định và phát triển các cơ quan, đơn vị, DN.

Chăm lo tốt hơn cho NLĐ

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay của NLĐ khoảng 5,7 triệu đồng/tháng, trong một năm DN phải đóng kinh phí Công đoàn khoảng 1,4 triệu đồng. Khi đó, 75% số kinh phí Công đoàn đã đóng này (khoảng 1 triệu đồng) sẽ được phân phối cho CĐCS để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ.

Tại Đồng Nai, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tổ chức Công đoàn chăm lo cho NLĐ trên địa bàn với số tiền gần 600 tỷ đồng. Giai đoạn 2018-2023, tổ chức Công đoàn đã xây dựng, sửa chữa 164 mái ấm Công đoàn cho đoàn viên hoàn cảnh khó khăn với số tiền 4,5 tỷ đồng; hỗ trợ 480 lao động bị bệnh hiểm nghèo số tiền 1,3 tỷ đồng. Chính vì vậy, các cán bộ Công đoàn cho rằng, việc duy trì mức đóng kinh phí Công đoàn 2% là hợp lý và đảm bảo đủ điều kiện, tiếp tục cơ chế, chính sách để Công đoàn chăm lo cho NLĐ tại các đơn vị, DN.

Từ kinh phí Công đoàn, CĐCS phối hợp với lãnh đạo DN duy trì các hoạt động như: tặng quà vào các ngày lễ, Tết, thăm hỏi NLĐ ốm đau, bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo và nhiều phúc lợi khác… Thông qua các hoạt động đó, DN ngày càng tin tưởng và sẵn sàng đồng hành cùng tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo cho NLĐ.

Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa Nguyễn Thị Tuyết cho hay, từ nguồn kinh phí Công đoàn, các cấp Công đoàn tỉnh đã triển khai kịp thời các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho NLĐ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị của tỉnh. Trong đó, CĐCS sử dụng hiệu quả 75% kinh phí Công đoàn được trích, duy trì nhiều mô hình, hoạt động hay để nâng cao đời sống NLĐ.

“Việc duy trì 2% kinh phí Công đoàn để tiếp tục chăm lo tốt hơn cho công nhân lao động, tạo động lực để họ yên tâm lao động sản xuất” - bà Tuyết nhấn mạnh.

Thảo My

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202407/giu-muc-dong-kinh-phi-cong-doan-de-cham-lo-cho-nguoi-lao-dong-35730d9/