Giữ mục tiêu tăng trưởng GDP 7%: Vẫn trông chờ vào những 'đầu tàu' kinh tế?

Vượt qua ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, tính chung 9 tháng, GDP ước tăng 6,82%. Tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng cuối năm kỳ vọng vào sự đóng góp từ các 'đầu tàu' kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, TPHCM bên cạnh đầu tư công bứt tốc.

Quý III vừa qua, GDP đạt 7,4%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết 01 (6,7%). Bù đắp cho những thiệt hại của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nằm ở công nghiệp, đạt mức tăng 9,59%, cao nhất trong 3 quý kể từ đầu năm. Qua khảo sát tại một số địa phương nằm trong tâm bão số 3 (Hải Phòng, Quảng Ninh), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ đã nhanh chóng quay lại sản xuất.

Tăng trưởng GDP cuối năm chủ yếu phụ thuộc vào các đầu tàu kinh tế, vai trò của những thủ phủ công nghiệp Ảnh: Như Ý

Tăng trưởng GDP cuối năm chủ yếu phụ thuộc vào các đầu tàu kinh tế, vai trò của những thủ phủ công nghiệp Ảnh: Như Ý

Ngành nông nghiệp và du lịch chịu tác động nặng nề. Bộ KH&ĐT đề nghị Chính phủ quan tâm hơn với 2 ngành này, do thời gian hồi phục kéo dài. Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị tăng thêm của nông, lâm nghiệp, thủy sản của 26 tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 không tác động quá lớn đến tăng trưởng chung. Một số ngành dịch vụ (du lịch, lưu trú, ăn uống…) chịu tác động trực tiếp của thiên tai, nhưng thời điểm bão đổ bộ đã qua mùa cao điểm nên ảnh hưởng không quá lớn.

Nếu không có bão số 3, Bộ KH&ĐT tính toán, tăng trưởng quý III có thể cao hơn 7,4%. Bộ này tiếp tục báo cáo Thủ tướng, Chính phủ giữ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 7% cho cả năm; có thể phấn đấu mức cao hơn. Về giải pháp, những địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão lũ, có tiềm năng tăng trưởng cao thì cần chia sẻ, nỗ lực hơn để bù đắp lại thiệt hại của các địa phương bị ảnh hưởng. Theo đó, “ngôi sao hy vọng” được đặt cho Hà Nội, TPHCM, bởi theo Bộ KH&ĐT, đây là hai địa bàn trọng điểm, đầu tàu, động lực chính của cả nước. Hai thành phố lớn đạt mức tăng trưởng cao hơn sẽ tác động rất tốt đến kinh tế của cả nước.

Cần thời gian

Hà Nội, TPHCM và các thành phố trực thuộc Trung ương khác được coi là “đầu tàu” kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của nhóm này không cao, phần lớn xếp ở nửa sau trong danh sách 63 địa phương (ngoại trừ Hải Phòng đứng thứ 8 cả nước). Tính chung 9 tháng, GRDP của Hà Nội tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 48 cả nước, ở vị trí cuối cùng trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. TPHCM phục hồi với GRDP tăng 6,8%, bứt tốc đáng kể so với kết quả 4,57% của cùng kỳ năm 2023. Thứ hạng cũng được cải thiện lên mức 36/63 địa phương, tuy nhiên, để trở lại vị trí đầu tàu kinh tế, chuyên gia cho rằng, TPHCM cần thêm thời gian.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,1% trong năm nay. Đây cũng là mức mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra cho Việt Nam. Bất chấp thiệt hại từ cơn bão số 3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6%. Tổ chức xếp hạng Fitch Ratings (Mỹ) dự báo Việt Nam tăng trưởng từ 6 - 7% trong trung hạn, mặc dù đánh giá tình hình thế giới, khu vực còn nhiều khó khăn.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nhận định, việc đẩy mạnh tăng trưởng của các thành phố lớn là cần thiết để tạo động lực cho cả nước. Dù vậy, quá trình này cần thời gian, không thể đạt kết quả ngay trong 3 tháng cuối năm. Nhìn vào cấu trúc tăng trưởng hiện nay, ông Ánh chỉ ra, động lực của nền kinh tế vẫn tập trung vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là lý do vì sao Bắc Giang dẫn đầu tăng trưởng cả nước với 13,8%.

“Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%, Tổng cục Thống kê tính toán, GDP quý IV cần tăng 7,5%. Như vậy, mức này chỉ cao hơn quý vừa qua 0,1%. Kịch bản 7% có thể đạt được nếu chúng ta duy trì cấu trúc tăng trưởng hiện tại, không cần thiết phải thay đổi cấu trúc sang các khu vực khác. Thay vào đó, giải ngân đầu tư công cần được đẩy nhanh hơn, tạo động lực lan tỏa. Điều này không phụ thuộc các đầu tàu kinh tế”, ông Ánh phân tích.

Theo vị chuyên gia này, giải ngân đầu tư công hiện còn chậm, 9 tháng mới đạt 47% kế hoạch (hơn 320 nghìn tỷ đồng). TS Vũ Đình Ánh nhận định: “Kết quả giải ngân quý cuối năm chỉ cần cao hơn giai đoạn trước đã đủ đóng góp vào tăng trưởng. Tuy nhiên, đạt được mục tiêu giải ngân là một thách thức”.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, trong 3 “ngựa kéo” cỗ xe kinh tế (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), các nhà quản lý chỉ có thể chủ động cao nhất trong điều khiển “ngựa” đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng. Giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. “Chính phủ cần trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án đầu tư công có quy mô lớn, liên quan tới nhiều ngành, nhiều địa phương như cách triển khai thực hiện dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối; định kỳ kiểm điểm tiến độ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm những trường hợp không thực hiện hết trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao”, ông Lâm đề nghị.

Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giu-muc-tieu-tang-truong-gdp-7-van-trong-cho-vao-nhung-dau-tau-kinh-te-post1681614.tpo