Giữ nếp nhà trong nhịp sống đương đại - Bài 2: Câu chuyện của người trẻ
Giữa hối hả cuộc sống, không ít người trẻ chịu tác động bởi nhiều yếu tố, dần xa rời những giá trị gia đình truyền thống. Tuy nhiên, họ cũng có những suy nghĩ, cách sống rất đáng suy ngẫm. Thay đổi để phù hợp chứ không phải thay đổi để từ bỏ...
Tạo lập không gian riêng
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, là con trai lớn trong gia đình, nhưng anh Nguyễn Mạnh Hiếu (quận Ba Đình, Hà Nội) sau khi kết hôn đã quyết định xin ra ở riêng. Ở riêng theo anh Hiếu là cách “làm mới” bản thân, tạo lập cho mình một cách sống độc lập, tự chịu trách nhiệm và không phụ thuộc vào bố mẹ.
Anh Hiếu chia sẻ: “Tuổi thơ gắn liền với cuộc sống trong cùng một mái nhà 3 thế hệ nên tôi rất hiểu việc xa rời vòng tay của gia đình là một thách thức không hề nhỏ. Việc ra ở riêng khiến vợ chồng phải đối mặt với hàng trăm khoản chi tiêu và vô số những công việc không tên hàng ngày. Rồi khi sinh con là những khó khăn, bỡ ngỡ trong việc chăm sóc và dạy dỗ con. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định như vậy vì thấy mình cần tạo lập một không gian sống riêng cho gia đình nhỏ của mình”.
“Nhiều người cho rằng, ra ở riêng là không hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, không biết gìn giữ nếp nhà truyền thống. Tôi không đồng tình với quan điểm này. Với gia đình tôi, không ở chung nhưng con cháu vẫn có cách quan tâm, chăm sóc ông bà, bố mẹ. Ở đâu không quan trọng, chỉ cần có sự hiếu thảo, biết kính trên nhường, dưới, lấy chữ hiếu làm gốc tự khắc có cách thu vén cuộc sống phù hợp” - anh Hiếu cho biết thêm.
Cũng lựa chọn ra ở riêng, chị Trịnh Thị Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, khi các thế hệ ở chung một nhà, cách sống khác nhau, suy nghĩ khác nhau sẽ dễ nảy sinh những mâu thuẫn, những bức bối khó dung hòa. Cũng không phủ nhận, khi ở chung một gia đình, cái lợi lớn nhất là con cái dễ bề chăm sóc ông bà, bố mẹ. Tuy nhiên, mặt khác ông bà cũng sẽ có thêm nhiều phần gánh nặng khác như trông cháu, dọn dẹp, đồ ăn không phù hợp với người cao tuổi… Vô hình chung đến tuổi về hưu mà vẫn bận rộn, không có thời gian, không gian riêng. Ngoài ra, những quan điểm nuôi dạy con cháu không thống nhất giữa các thế hệ cũng dễ khiến cuộc sống chung nảy sinh nhiều căng thẳng, mà sự bất hiếu đôi khi cũng bắt nguồn từ chính căng thẳng đó.
“Bố mẹ tôi vẫn thường nói rằng, dù cuộc sống thế nào cũng phải giữ được truyền thống của gia đình, bởi nó không chỉ giúp cho mái nhà luôn đầm ấm, yên vui mà còn gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. Tôi không phủ nhận điều này, nhưng những người trẻ và người già có cách gìn giữ truyền thống khác nhau, miễn sao là chân thành và hướng đến những giá trị nhân văn, tốt đẹp nhất là được” - chị Mai chia sẻ.
Có thể nói, với sự thay đổi của cuộc sống, từ cách nghĩ đến cách làm trong việc gìn giữ những giá trị tốt đẹp về đạo đức, lễ nghĩa, văn hóa trong nếp nhà truyền thống đang có dịch chuyển. Tuy nhiên, không thể phủ nhận mối quan hệ gia đình hiện đại đã trở nên dân chủ hơn. Con cái có thể chủ động bày tỏ ý kiến của mình, tự lựa chọn nghề nghiệp, bạn đời, cởi mở hơn trong việc trao đổi suy nghĩ với cha mẹ.
Anh Nguyễn Hà Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ quan niệm mỗi người về nếp sống truyền thống khác nhau, nhưng cũng có thể tìm được mẫu số chung chính là tinh thần yêu thương của những người ruột thịt. Nhiều người trẻ hôm nay có suy nghĩ rất khác, họ không còn bị phụ thuộc bởi những giá trị truyền thống gia đình theo đúng tôn ti, trật tự, thay vào đó họ hướng con cái mình tiệm cận đến sự văn minh qua các giá trị nhân văn, nhân bản và trau dồi tri thức nhân loại. Tuy nhiên, dù có suy nghĩ, có thay đổi cuộc sống thế nào thì với họ gia đình vẫn chính là thành trì kết nối, là nơi mỗi người luôn tìm thấy cho mình sự đầm ấm, bình yên và hạnh phúc.
Hài hòa thế nào?
TS Nguyễn Thị Phượng - nguyên Trưởng ban Nghiên cứu văn hóa gia đình (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, nếu như gia đình nhiều thế hệ là hình mẫu lý tưởng của thời xưa, thì ở Việt Nam hiện nay, gia đình hạt nhân (2 thế hệ) lại đang là xu thế, và là loại hình gia đình chiếm số lượng lớn nhất. Gia đình nhiều thế hệ ngày càng giảm trong bối cảnh hiện đại bởi những mặt hạn chế, đặc biệt là yếu tố dễ nảy sinh va chạm, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình do khác biệt suy nghĩ, cách sống. Hơn nữa, trong không gian nhỏ của nhà phố nơi đô thị, sự khác biệt trong sinh hoạt càng dễ làm phát sinh vấn đề, gây khó xử cho các thành viên.
“Việc gia đình nhiều thế hệ ngày càng giảm có tác động không nhỏ đến việc hình thành nhân cách và lối sống của con người, bởi trẻ em sinh ra và lớn lên trong gia đình hạt nhân đã không có nhiều cơ hội trải nghiệm những giá trị tinh thần và giáo dục mà gia đình nhiều thế hệ mang lại” - TS Phượng chia sẻ.
Để hài hòa giữa nếp xưa và nhịp sống hôm nay, theo bà Phượng, có thể thay đổi nhưng vẫn cần tiếp tục kế thừa và phát huy là những giá trị đạo đức, chuẩn mực ứng xử trong gia đình, đó là sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ giữa các thành viên. Dù ở thời đại nào thì gia đình cũng vẫn là một tổ ấm, với sự gắn bó, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, là chỗ dựa tinh thần cho mỗi thành viên, giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống.
Để giữ được hạnh phúc, yên ấm trong gia đình thì giữa các thành viên cần hướng về nhau để có thể thấu hiểu và chia sẻ, đồng thời phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với gia đình. Bên cạnh đó, sự gắn kết trong mối quan hệ giữa các thành viên gia đình cũng luôn cần được coi trọng.
“Đặc biệt, cần thay đổi không gian sống, đảm bảo sự riêng tư nhưng vẫn gần gũi. Gia đình nhiều thế hệ là sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại nên không gian sống cần đáp ứng tiêu chí vừa riêng tư, nhưng vẫn gần gũi của các thành viên gia đình. Điều này giúp cho các thành viên trong gia đình có cuộc sống riêng tiện lợi nhưng vẫn có thể duy trì gắn kết một cách nhanh chóng, thường xuyên. Hàng ngày ông bà có thể qua thăm con cháu, đồng thời con cháu có thể chăm sóc sức khỏe bố mẹ một cách dễ dàng, liên tục mà vẫn đảm bảo không gian riêng” - bà Phượng chia sẻ.
Những năm gần đây, ra ở riêng đang là xu thế của nhiều gia đình trẻ. Có người tách hẳn ra, dọn đến một nơi khác sống. Cũng có nhiều gia đình vì nhiều lý do cá nhân mà có thể sống cùng nhà nhưng khác tầng. Con cái sẽ nấu nướng, ăn uống, không gian sinh hoạt riêng… Dù việc lựa chọn ở riêng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng không hẳn đó là những quyết định làm lệch lạc đi những giá trị của văn hóa truyền thống của gia đình.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ:
Cuộc sống hiện đại, có nhiều cách để hiếu thảo với ông bà, cha mẹ
Thế hệ trẻ hiện nay đang phấn đấu cho điều kiện gia đình 2 thế hệ (cha mẹ và con cái) ngày càng ổn định và giàu có hơn. Họ dễ dàng thực hiện nghĩa vụ với ông bà, cha mẹ bằng nhiều cách khác nhau, miễn là họ có tấm lòng, sự hiếu thảo. Mà những điều đó được bồi đắp chính là từ gia đình, ông bà, cha mẹ làm gương cho con cháu noi theo. Ông bà, bố mẹ nào cũng mong con cháu mình giỏi giang, thành đạt, bởi vậy nhiều người chấp nhận cho con ra ở riêng, chấp nhận cho con đi xa. Và với họ, không hạnh phúc nào bằng con cái trưởng thành về mọi mặt, sống tử tế, có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Hiện nay, gia đình “tứ đại đồng đường” còn rất ít. Điều đó cũng cho thấy các giá trị truyền thống cần phải có một số thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hôm nay. Đó cũng là xu thế chung trên thế giới, khi chủ yếu là gia đình 2 thế hệ. Một gia đình mà ở đó có sự chia sẻ, thấu hiểu và hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, khi mọi thành viên thấy cuộc sống của mình thật vui, thoải mái, thì đó là hạnh phúc.
(Còn nữa)