Giữ nếp nhà trong nhịp sống đương đại - Bài cuối: Cần thẩm thấu những giá trị truyền thống

Những gia đình có nếp nhà tốt thường có mối quan hệ tốt với hàng xóm, bạn bè và cộng đồng. Họ tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Những người có nếp nhà tốt cũng thường có tinh thần trách nhiệm với xã hội, thể hiện qua việc tham gia các hoạt động đóng góp cho cộng đồng…

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương đã nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề: Làm thế nào để gìn giữ nếp nhà trong nhịp sống đương đại?

Bà Ninh Thị Thu Hương.

Bà Ninh Thị Thu Hương.

PV: Thưa bà, nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng con người văn hóa, xã hội văn hóa cần bắt nguồn từ gia đình. Đó là nếp nhà, là gia phong. Vậy trong bối cảnh hiện nay với rất nhiều tác động, nếp nhà của người Việt Nam thay đổi thế nào?

Bà Ninh Thị Thu Hương: Truyền thống gia đình là cơ sở vững chắc cho sự phát triển của dòng họ. Nếu gia đình không giữ gìn được nếp nhà thì dòng họ sẽ bị đứt gãy, mất đi sự đoàn kết và quan tâm đến nhau. Những gia đình có nếp nhà tốt thường có mối quan hệ tốt với hàng xóm, bạn bè và cộng đồng. Họ tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Những người có nếp nhà tốt cũng thường có tinh thần trách nhiệm với xã hội và thể hiện điều này qua việc tham gia các hoạt động đóng góp cho cộng đồng.

Với sự phát triển của xã hội đương đại, nếp nhà truyền thống đang chịu nhiều tác động, theo cả 2 chiều: Tiêu cực và tích cực. Mặt tiêu cực ảnh hưởng đến nếp nhà là sự thay đổi giá trị và lối sống của con người, sự khác biệt thế hệ và quan điểm về giáo dục, sự phân hóa giàu nghèo và sự thay đổi giá trị đạo đức. Xã hội hiện đại coi trọng sự độc lập và cá nhân hóa, giảm bớt giá trị của gia đình và truyền thống, ít quan tâm đến nếp nhà.

Tuy nhiên, ở mặt tác động tích cực thì kinh tế phát triển hơn nên các gia đình có thể đầu tư nhiều vào việc giữ gìn và phát triển nếp nhà của mình; sự phát triển của công nghệ thông tin giúp cho việc truyền tải và lưu giữ thông tin về nếp nhà truyền thống dễ dàng hơn. Tình cảm gia đình cũng là yếu tố tác động tích cực vào nếp nhà, mọi người dễ dàng tôn trọng và tuân thủ các quy tắc và truyền thống gia đình hơn. Thêm vào đó, các hoạt động thăm hỏi, vui chơi, đoàn tụ gia đình cũng góp phần tạo nên không khí hòa thuận và yêu thương, giúp mọi người cảm thấy gắn kết với nhau hơn.

Lợi ích lớn nhất của mô hình đa thế hệ sống trong cùng một mái nhà chính là sự gắn kết tình cảm. Ảnh minh họa: Minh Ánh.

Lợi ích lớn nhất của mô hình đa thế hệ sống trong cùng một mái nhà chính là sự gắn kết tình cảm. Ảnh minh họa: Minh Ánh.

Mô hình “tam, tứ đại đồng đường” - gia đình nhiều thế hệ sống trong cùng một nhà tới nay ít duy trì, nhất là ở thành thị. Vậy theo bà, điều đó có ảnh hưởng gì tới sự phát triển nhân cách, định hình văn hóa của một con người?

- Gia đình truyền thống Việt Nam gắn liền với mô hình gia đình “tam, tứ đại đồng đường”, nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, sinh hoạt, ứng xử theo nền nếp, tôn ti trật tự “gia đạo, gia phong”. Vì vậy, việc giáo dục con, cháu trong gia đình không chỉ là sự tham gia và trách nhiệm của cha mẹ mà còn có sự tham gia của ông bà và thậm chí cả những thành viên khác như cô, dì, chú, bác (những người sống cùng nhà).

Lợi ích lớn nhất của mô hình đa thế hệ sống trong cùng một mái nhà chính là sự gắn kết tình cảm. Khi ông bà đến tuổi về hưu, ở nhà giúp con cháu một số công việc sẽ thấy mình là người có ích hơn. Mặt khác, việc ở cạnh con cháu cũng giúp người già yêu đời và an tâm hơn. Còn với những người trẻ, việc sống chung với ông bà sẽ giúp mỗi người phát triển hoàn thiện, sống tình cảm hơn, biết yêu thương, quan tâm chăm sóc người lớn tuổi khi họ ốm đau. Một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nhiều thế hệ sẽ được kế thừa và thẩm thấu những giá trị truyền thống. Khi ra ngoài xã hội, trẻ biết cách ứng xử với người trên, người dưới.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của kinh tế và ảnh hưởng của cuộc di dân từ nông thôn ra thành thị, mô hình gia đình hạt nhân 2 hế hệ: Bố mẹ và các con đang ngày càng phổ biến. Lớn lên trong một gia đình thiếu vắng ông bà, họ hàng, con trẻ sẽ thiếu nhiều tri thức sống. Các con sẽ chỉ học cách ứng xử, tiếp thu kinh nghiệm sống và kiến thức chủ yếu từ cha mẹ mình. Rất nhiều trẻ em coi cha mẹ mình là mẫu hình lý tưởng hoặc cũng có khi lại là “hình ảnh méo mó” của môi trường xã hội.

Bên cạnh đó, xã hội hiện đại cùng với nhịp sống gấp gáp, năng động kéo mọi cá nhân theo dòng chảy của mình; thời gian cha mẹ đi làm cũng là thời gian con đi học; khi cha mẹ đi làm về thì con phải đi học thêm hoặc làm bài tập ở nhà (việc này không là ngoại lệ ngay cả với ngày nghỉ). Bữa cơm tối nhiều khi không thể đủ mặt các thành viên và thời gian dành cho việc trò chuyện, chia sẻ, nắm bắt thông tin cũng không phải lúc nào cũng đáp ứng được.

Trong khi đó, việc giáo dục giống như việc “mài sắt thành kim”, đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và đầu tư công sức đáng kể. Nếu như trước đây, các gia đình cùng sống chung với ông bà thì việc thực hiện chức năng giáo dục có thể được chia sẻ giữa ông bà và cha mẹ, nhưng với mô hình của gia đình hiện đại, các bậc cha mẹ phải tự mình làm công việc này. Sự lơi lỏng, chủ quan của nhiều bậc cha mẹ đã dẫn tới những hậu quả đáng tiếc cho trẻ, như sự gia tăng của tỷ lệ trẻ em phạm tội, trẻ em hư, trẻ em bỏ học...

Vậy theo bà, làm thế nào để hài hòa giữa nếp xưa và nhịp sống hôm nay. Thay đổi nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống, nền nếp gia phong?

- Có thể thấy rõ là trong khi gia đình hiện đại đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn thì chúng ta lại có sự chuẩn bị ít hơn về giáo dục gia đình cho thế hệ trẻ. Vai trò giáo dục của gia đình nhiều nơi, nhiều lúc bị bỏ quên, “khoán trắng” cho nhà trường và xã hội. Do vậy, cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ vào việc thực hiện tốt chức năng giáo dục gia đình, nhằm đảm bảo cho gia đình những nguồn lực cần thiết để làm tốt việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các thành viên trong gia đình.

Tôi cho rằng, cần tăng cường giáo dục và tạo ý thức cho các thế hệ trẻ về giá trị của gia đình; tạo cơ hội cho thế hệ trẻ được tiếp cận và hiểu về những giá trị truyền thống tốt đẹp thông qua giáo dục gia đình, giáo dục trong nhà trường, giáo dục qua các phương tiện thông tin và truyền thông. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, cập nhật và phát triển các giá trị gia đình Việt Nam, vừa tiếp nối, kế thừa giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa tiếp thu hài hòa, chọn lọc những giá trị mới phù hợp với tình hình xã hội đương đại; đồng thời tiếp tục xây dựng các chính sách, quy định pháp luật để bảo vệ và khuyến khích sự phát triển của gia đình Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn bà!

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Cần lắm những bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương

Gia đình luôn được coi là tế bào của xã hội, vì thế, chúng ta luôn mong muốn xây dựng văn hóa gia đình để từ đó hình thành nên nền tảng đạo đức cho xã hội từ chính gia đình. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta cũng đang phải chứng kiến nhiều sự việc đau lòng từ gia đình như bạo lực hay các vấn đề về đạo đức khác. Vì thế, giáo dục đạo đức trong gia đình nhận được nhiều sự quan tâm.

Giáo dục gia đình là giáo dục làm gương. Bố mẹ, ông bà làm gương cho con cháu. Khi bố mẹ dành quá nhiều thời gian cho công việc, ông bà được xem như một sự lựa chọn quan trọng. Sự truyền dạy văn hóa trong gia đình từ ông bà, cha mẹ sẽ khắc phục được những vấn đề như quá phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, vốn phức tạp và thiếu tình cảm, nhiều vấn đề không phù hợp trong xã hội.

Mô hình “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phát động vừa qua cũng là một cách làm phù hợp, rất đáng tham khảo. Không chỉ có gia đình, xã hội cũng nên tạo điều kiện để các gia đình có thêm thời gian cho nhau, những sự kiện, cơ hội để các gia đình có thể chia sẻ, gắn kết... nhất là trong Ngày Gia đình tổ chức hàng năm. Nhiều giải pháp như vậy sẽ giúp chúng ta có được những gia đình hạnh phúc, tốt đẹp.

Nhóm PV(thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giu-nep-nha-trong-nhip-song-duong-dai-bai-cuoi-can-tham-thau-nhung-gia-tri-truyen-thong-10283245.html