Giữ nét đẹp ăn uống của người Hà thành

Ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng tôi có dịp đi mua sắm và ăn tối. Sau khi nhẩn nha dạo phố, tôi vòng xe về khu vực đầu đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội).

Những quán hàng nằm san sát, đèn điện sáng choang, biển hiệu lớn ghi rõ những đặc sản hấp dẫn thực khách. Xe đi chậm lại thì bỗng có một cậu thanh niên chạy ra chặn ngay đầu. Tôi hơi giật mình không biết có chuyện gì xảy ra thì cậu thanh niên đã sốt sắng, đon đả: “Anh chị vào quán em ăn lẩu nướng đi, hôm nay cửa hàng có khuyến mại đấy!”. Không phải món sở trường nên tôi vòng xe đi luôn. Xe chạy độ vài mét lại có nhân viên ở quán khác ra vẫy vẫy mời vào. Trên quãng đường khoảng trăm mét có bao nhiêu hàng quán là hầu như có bấy nhiêu người chèo kéo mời mọc. Đến cuối đường, tôi đỗ xe lại trước cửa một quán ăn. Ngay trên vỉa hè, bàn ghế bày la liệt. Tiếng chạm cốc lách cách cùng lời hò hét ầm ĩ. Rồi khói mù mịt bay dọc con phố. Người ăn, kẻ uống hết sức ồn ào. Trông cảnh ấy, vợ chồng tôi nhìn nhau rồi lặng lẽ tìm một nơi yên tĩnh hơn.

Hiện nay đời sống của người dân Thủ đô đã được nâng cao. Nhu cầu ăn uống cũng phong phú hơn. Ngoài các bữa cơm tại gia đình, nhiều người lựa chọn ăn uống ở các hàng quán nhằm thay đổi khẩu vị. Hà Nội có nhiều cửa hàng phục vụ món ăn theo vùng miền. Một số món ăn mới được du nhập từ nước ngoài cũng được ưa chuộng. Ẩm thực Hà Nội phong phú đáp ứng nhu cầu thưởng thức của thực khách là điều rất đáng mừng.

Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa ăn uống của người Hà thành ít nhiều bị mai một khiến chúng ta phải suy nghĩ. Ở một số nơi trên địa bàn thành phố, những cảnh tượng ăn uống xô bồ, nhậu nhẹt gây mất trật tự khu phố vẫn còn diễn ra. Trong cách ăn uống, một số người không chú ý đến sự tinh tế mang tính thưởng thức mà chỉ thích túm năm tụm ba nhậu nhẹt lu bù. Nhiều hàng quán thì chèo kéo khách, bát đĩa chưa gọn sạch, thức ăn đường phố chưa bảo đảm vệ sinh, chỗ ngồi lộn xộn ngay trên vỉa hè trông rất phản cảm. Đôi khi có nơi “miếng ngon Hà Nội” bị thô tục hóa lại thêm thái độ phục vụ bất nhã trở thành “phở mắng”, “cháo chửi”. Người xưa đã dạy “ăn lấy thơm lấy tho, không ai ăn lấy no lấy chán”. Ăn uống không chỉ là sự thưởng thức mùi vị mà còn thể hiện phong thái, cốt cách văn hóa của mỗi người. Miếng ăn là miếng quý nhưng cũng rất dễ trở thành “miếng tồi tàn” nếu ăn không đúng nơi, đúng cách. Người ăn đúng cách được coi là thực khách sành ăn, còn lại xô bồ ô tạp trở thành kẻ “phàm phu tục tử”.

Với phương châm “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, từ xưa người Hà Nội luôn chú trọng đến sự thanh lịch trong ăn uống như “Thịt thái không vuông vắn thì không ăn/ Chiếu trải không ngay ngắn thì không ngồi”. Những món ăn từ cầu kỳ sang trọng đến dân dã bình dị đều được người Hà Nội chuẩn bị cẩn thận, không pha tạp, dung tục. Ăn uống của người Hà Nội phản ánh đúng nét văn hóa của đất kinh kỳ hào hoa tao nhã, không xô bồ, vội vã. Khi ẩm thực đã được nâng lên trở thành nét đặc trưng văn hóa của một vùng đất thì đó là “căn cước” để nhận ra con người ở vùng đó. Ẩm thực chứa đựng lối sống, phong tục tập quán, tính cách con người sáng tạo ra và thụ hưởng nó. Thế nên ăn uống cái gì, cách ăn uống như thế nào là điều chúng ta nên cẩn trọng để việc thưởng thức ẩm thực trở thành nét đẹp văn hóa của người Hà thành.

ĐỨC NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/giu-net-dep-an-uong-cua-nguoi-ha-thanh-656053