Giữ nét đẹp truyền thống, sửa hành vi chưa đẹp
Ứng xử đúng mực nơi cửa thiền từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa. Ngày nay, trước ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa trong đời sống hiện đại, văn hóa ứng xử chốn cửa thiền có sự lệch chuẩn. Chính vì thế, việc khôi phục nếp xưa, duy trì thái độ tôn trọng chuẩn mực ở chốn linh thiêng là rất cần thiết. Hànôịmới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ về vấn đề này.
- Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cùng với các tôn giáo khác, Phật giáo luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân. Không những thế, với truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, cha ông ta còn xây dựng hệ thống đình, đền, miếu để thờ các bậc anh hùng có công với nước, các Thành hoàng làng có công mở mang, xây dựng làng mạc...
Chính vì thế, từ trước đến nay, sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt Nam rất phong phú. Người dân đi chùa với 3 mục đích chính, đó là: Lễ, vãng cảnh chùa, cúng dường và cầu mong. Trong các nghi thức lễ bái, người ta nói đến 4 hành vi lễ bái chính là: Thân, Tâm, Khẩu, Ý. "Thân" là chỉ tư thế khi lễ bái như đi đứng, quỳ lạy, thái độ tôn kính, ăn mặc... Thậm chí người xưa còn đưa ra những quy định rất rõ về thi lễ, ví dụ như khi gặp các bậc sư, tăng, các bậc tôn trưởng, người giám tự chùa thì phải chắp tay vái. Khi nhà sư đang tụng kinh thì không được đứng vái ở bên cạnh, khi mình đứng trên cao mà các bậc tôn trưởng đứng dưới thấp thì không được vái, khi mình ngồi đối diện nhưng với tư thế không lịch sự thì không được vái, hoặc khi các nhà sư hoặc các bậc tôn trưởng quay đi thì không được vái lưng họ... "Tâm" là chỉ tấm lòng thành kính với đức Phật và cái tâm phải an nhiên, thanh thản, cung kính khi lễ Phật. “Khẩu” nghĩa là lời nói ở chốn linh thiêng phải đầy đủ sự thành kính. Thông thường khi lễ bái, câu đầu tiên người ta thường nói là “Nam mô a di đà Phật”. “Nam mô” là kính ngưỡng, kính chúc, “a di đà” là vĩnh hằng, vô lượng. “Nam mô a di đà Phật” được gọi là “lục tự xưng tụng” tương đương nghĩa: Kính lạy đức Phật muôn năm. Đó là những lời cung kính nhất với Phật. Còn “Ý” nghĩa là suy nghĩ hướng về làm điều thiện, điều lành. Ngoài ra, trong quy định về lễ bái người ta kỵ nhất 2 tà lễ, đó là “Ngã mạn kiêu tâm lễ” - tức là lễ với cái tâm kiêu mạn, và “Xướng họa cầu danh lễ” - lễ bái để cầu danh, cầu chức, cầu quyền...
Về vãng cảnh chùa, chùa chiền từ xưa đến nay vẫn được coi là danh lam, thắng cảnh. Người xưa còn có câu: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, ý chỉ đền chùa bao giờ cũng là nơi rộng rãi, cảnh sắc đẹp đẽ... Người Việt xưa luôn một lòng tôn kính với Phật nên đất để xây chùa bao giờ cũng là nơi có địa thế tốt nhất, phong cảnh đẹp nhất. Nếu vùng đó có đồi cao hoặc núi thì đền, chùa sẽ được xây trên núi, kết hợp với kiến trúc của chùa, rồi vẻ đẹp của các bức tượng Phật, cây cối, hoa trái... làm nên cảnh đẹp vừa thanh tịnh vừa tôn nghiêm. Vì thế, người xưa thường đi lễ cùng với vãng cảnh chùa.
Cúng dường cũng thế, ruộng trong chùa người ta gọi là "bờ xôi ruộng mật" ("ruộng mật" ý chỉ ruộng mía, "bờ xôi" là ruộng trồng nếp) và bao giờ cũng là mảnh ruộng đẹp nhất, tốt nhất. Những mảnh ruộng này được người dân thay nhau chăm sóc và đến khi thu hoạch thì mang nếp và mật vào chùa cúng dường.
- Vậy ông có nhận xét gì khi so sánh những quy ước ấy với thực trạng văn hóa ứng xử nơi cửa thiền hiện nay?
- Nếu đem so sánh những quy ước cũ với sự vận động của cuộc sống bây giờ, ta sẽ thấy rất nhiều hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực trước cửa thiền. Trong bốn hành vi lễ bái Thân - Tâm - Khẩu - Ý, nhiều người đã vượt khỏi quy ước chung. Họ đi lễ đình, đền, chùa với cái “Thân” không nghiêm túc, ăn mặc hở hang, váy ngắn, quần cộc hoặc ăn mặc quá lôi thôi, đi vào chùa thì hò hét, co kéo nhau... Về “Tâm”, một số người đi lễ với cái tâm không trong sáng, kiêu mạn, tranh giành nhau lễ, chen lấn xô đẩy nhau để lễ... Về “Khẩu” thì một bộ phận, nhất là giới trẻ ngày nay, vào chốn linh thiêng vẫn văng tục, nói chuyện ồn ào. Còn về “Ý”, nhiều người đi lễ chùa mà chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi riêng, mong muốn cầu danh, cầu chức...
Tiếp đó, nhiều người vào chùa không những không vãng cảnh chùa mà còn trực tiếp bôi bẩn cảnh chùa, vứt rác bừa bãi. Việc cúng dường cũng vậy, với quan niệm “tốt lễ dễ cầu”, lễ vật càng to sẽ càng tốt nên người ta ganh đua nhau xem ai nhiều lễ hơn mà không nghĩ rằng “lễ bạc lòng thành” mới là nhất. Rồi từ cái tâm không trong sáng, họ đốt vàng mã, đốt hương thật nhiều. Hành động đó vừa phung phí vừa không thành tâm, bởi đó chính là “Xướng họa cầu danh”, sa đà vào tà lễ. Đặc biệt là hành vi đút tiền vào tay Phật, một hành vi vô cùng phản cảm bởi như thế là họ đang “mặc cả” với Phật, “mặc cả” với thế giới tâm linh.
- Để xảy ra sự lệch lạc trong văn hóa ứng xử chốn cửa thiền, theo ông, nguyên nhân là do đâu?
- Theo tôi, đầu tiên là do sự biến đổi cấu trúc dân cư tự nhiên. Càng đông dân sẽ nảy sinh càng nhiều phức tạp. Tiếp đó, do tác động từ mặt trái của đời sống trọng vật chất, cạnh tranh kinh tế khiến con người ít nhiều trở nên tham - sân - si hơn. Kế đó là một thiết chế luật pháp chưa đủ hoàn thiện để mang lại cơ hội công bằng cho từng người một, vì thế có những người bị mất cơ hội, dẫn đến bức xúc, từ bức xúc sẽ nảy sinh hành vi tiêu cực. Cuối cùng, tôi cho rằng hoạt động tuyên truyền khá quan trọng. Nhiều năm qua chúng ta đã tiến hành nhiều chương trình tuyên truyền về văn hóa ứng xử nơi cửa thiền nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Tại các đình, đền, chùa, các quy định về trang phục, thái độ, hành vi được treo rất rõ ngay lối đi, thậm chí ở nhiều nơi còn có người đứng ở lối vào để hướng dẫn nhưng không mấy ai để ý.
- Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để điều chỉnh hành vi chưa đẹp chốn cửa thiền?
- Để nâng tầm văn hóa ứng xử chốn tôn nghiêm, biến những quy tắc ứng xử chốn cửa thiền thành thói quen, nếp sống, vai trò của truyền thông là hết sức quan trọng. Không chỉ đưa tin khách quan, trung thực mà quan trọng là các cơ quan truyền thông phải định hướng và hướng dẫn dư luận. Hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú và gần gũi để người dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hành. Đặc biệt là phải biết hướng về những giá trị tốt đẹp xưa để điều chỉnh những hành vi chưa phù hợp hôm nay. Thêm vào đó, các thiết chế văn hóa, tôn giáo cần có những quy định sát thực hơn nhằm giảm thiểu hành vi mê tín, tiêu cực. Tại các chùa hiện nay có nhiều lớp học về Phật pháp kèm theo những bài học về những điều nên làm và không nên làm của phật tử nơi cửa thiền, tôi cho đó là một hoạt động rất có ý nghĩa. Tôi cho rằng các bài học về ứng xử sẽ được thẩm thấu qua nghệ thuật dễ dàng hơn so với sách vở. Khi người ta được nghe những bài học về ứng xử chốn cửa thiền từ những bài ca, câu thơ, bức tranh giản dị mà sâu sắc, họ sẽ có thiện tâm và dần tự sửa mình.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!