Giữ nghề dệt thổ cẩm Jrai

Mùa thu hoạch cà phê vừa kết thúc, đến làng Kép 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) những ngày này du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các cô, các chị say mê với khung cửi để dệt ra những tấm vải thổ cẩm hoa văn bắt mắt. Họ đều là thành viên của Câu lạc bộ dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng Ia Mơ Nông.

Gìn giữ nét văn hóa đặc sắc

Bà Rơ Châm Mir (69 tuổi) kể rằng bà không biết nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Jrai có từ khi nào. Chỉ biết, từ khi còn ẵm ngửa đến khi biết bò, biết nhận thức về hình ảnh thì bà đã thấy các bà, các mẹ, các dì dệt vải ở mọi lúc, mọi nơi… “Mùa thu hoạch xong rồi thì dệt vải là một niềm vui khi ở nhà trông con, trông cháu” - bà Rơ Châm Mir chia sẻ.

Khung cửi dệt của người Jrai không phải là khung cố định mà là những bộ phận rời đơn giản, vì vậy, phụ nữ Jrai có thể dệt ở mọi nơi, mọi lúc rảnh rỗi. Vì khung dệt có thể di động nên người này có thể sang nhà người khác để cùng dệt và khi về sẽ mang khung dệt và sản phẩm dệt của mình.

“Nghề dệt vải thổ cẩm của người Jrai đã có từ xa xưa, được truyền từ đời này sang đời khác và là một nét văn hóa đặc sắc của người Jrai”, bà H’uyên Niê – Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ia Mơ Nông chia sẻ. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, nhiều ngành nghề mới ra đời, nhiều sản phẩm dệt may công nghiệp phổ biến với mọi người dân, trong đó có đồng bào Jrai, thì hình ảnh những người phụ nữ dệt vải thổ cẩm cũng vắng dần. Nhìn thấy nguy cơ mai một nghề truyền thống, nét văn hóa của dân tộc, cuối năm 2018, bà H’uyên Niê và một số phụ nữ trong xã Ia Mơ Nông đã cùng nhau thành lập Câu lạc bộ dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng Ia Mơ Nông. Câu lạc bộ đã đến từng nhà vận động bà con tham gia để cùng nhau khôi phục và giữ nghề truyền thống của dân tộc. Xã Ia Mơ Nông đồng bào Jrai chiếm phần lớn và hàng trăm người biết dệt. Chỉ 2 làng thôi cũng đã có hơn 30 người đăng ký tham gia câu lạc bộ. Bà H’uyên Niê vui vẻ cho biết: “Chúng tôi muốn lưu giữ văn hóa dân tộc Jrai thông qua việc nhờ các cụ bà truyền nghề và vận động giới trẻ học nghề, cùng với đó, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế của xã Ia Mơ Nông thông qua việc kết hợp giữa giữ nghề dệt và phát triển du lịch”.

Sau ngày mùa thu hoạch cà phê, thành viên Câu lạc bộ sẽ cùng nhau dệt thổ cẩm và tính chuyện giữ nghề, truyền nghề

Sau ngày mùa thu hoạch cà phê, thành viên Câu lạc bộ sẽ cùng nhau dệt thổ cẩm và tính chuyện giữ nghề, truyền nghề

Đưa thổ cẩm thành sản phẩm du lịch cộng đồng

Theo bà H’uyên Niê, hạn chế của sản phẩm thổ cẩm truyền thống đó là khâu thương mại hóa – tiêu thụ sản phẩm đã dệt. Một phần là vì giá thành sản phẩm khá cao do dệt thủ công hoàn toàn, mỗi tấm vải khổ lớn với hoa văn phức tạp có thể mất tới 1 tháng để hoàn thành, có giá bán ra 1,5 triệu đồng/tấm.

Trước những khó khăn, Câu lạc bộ đã đưa ra ý tưởng khôi phục nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng. “Khi du khách đến đây, chúng tôi sẽ giúp du khách trải nghiệm việc dệt thổ cẩm để biết thêm về truyền thống của phụ nữ Jrai. Bên cạnh đó, chúng tôi làm ra những sản phẩm lưu niệm du lịch nhỏ gọn bằng thổ cẩm như túi, mũ, ví cầm tay, giỏ, đồ trang sức…” - bà H’uyên Niê cho biết.

Trong năm 2021, câu lạc bộ ấp ủ nhiều dự định đó là sẽ vận động các thành viên, người dân trồng bông lấy sợi, để sợi tơ mềm mại có độ đàn hồi chịu nhiệt tốt, xây dựng một không gian trưng bày sản phẩm, dệt những sản phẩm lưu niệm để đưa đi giới thiệu tại các trung tâm thương mại, các kênh xúc tiến thương mại và tạo ra sản phẩm du lịch mới. Ðồng thời, kết hợp du lịch trải nghiệm trồng, chăm sóc và thu hái cà phê với trải nghiệm dệt thổ cẩm… “Gắn việc giữ nghề với làm kinh tế hiệu quả thì những thế hệ trẻ của người Jrai sẽ quay lại và cùng chung tay để giữ gìn văn hóa truyền thống” - bà H’uyên Niê bộc bạch.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giu-nghe-det-tho-cam-jrai-151903.html