Giữ nghề làm hoa cỏ khô cùng nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu
Mặc dù đã ngoài 80 tuổi nhưng nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Bá Mưu chưa nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Với ông, còn bao sức lực sẽ cố gắng truyền, dạy để ngày càng có nhiều người Việt Nam làm tranh nghệ thuật bằng lá, hoa cỏ khô.
Khát vọng của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu, trong tương lai tranh ghép lá, hoa khô trở thành ngành nghề của Việt Nam.
Người đưa hoa tươi Việt ra thế giới
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Bá Mưu hiện sống ở ngõ Gốc Đề, phường Minh Khai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp) ngành Trồng trọt năm 1969, Nguyễn Bá Mưu về làm việc tại Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công Thương). Năm 1972, ông công tác tại Tổng Công ty Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Artexport của Bộ Ngoại thương. Biết khả năng của ông, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương thời đó là Lý Ban giao cho ông nhiệm vụ nghiên cứu xuất khẩu hoa tươi từ Việt Nam sang Nga.
Ông Nguyễn Bá Mưu cho biết, hoa là mặt hàng khó bảo quản: Sáng tươi, chiều héo, tối có khi phải bỏ đi. Trong khi đó, từ Việt Nam sang Nga chuyển bằng máy bay hết 14 giờ. Phải làm sao khi hoa giao cho bạn hàng và vẫn tươi thêm ít nhất một tuần lễ là bài toán khó. Nhưng bài toán này dưới bàn tay Nguyễn Bá Mưu đã được dễ dàng khắc phục.
Để tìm được những loài hoa xuất khẩu, ngoài Quảng Bá, Quảng An (Hà Nội) ông Mưu đã lặn lội xuống vùng Nam Định, Thái Bình và tìm ra được mấy loại hoa: Cúc đại đóa, lay ơn, loa kèn để xuất khẩu ra nước ngoài. Thời điểm đó, cán bộ Bộ Ngoại thương rất phấn khởi vì mỗi tuần lễ có hai chuyến hoa từ Việt Nam xuất khẩu sang Liên Xô, Tiệp Khắc đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể.
Nhớ lại chuyện cách đây hơn 50 năm, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu cười vui, bày tỏ: "Ba bông hoa của ta đổi được một cái bàn là Liên Xô giá 7 rúp". Vậy mà 18 năm liền hoa của ta xuất khẩu thành công, được các nước bạn trời Âu mong đợi. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu lại được giao nhiệm vụ vào Đà Lạt nghiên cứu hoa địa lan để xuất khẩu có giá trị cao.
Duyên nghề làm hoa khô
Trong thời gian xuất khẩu hoa tươi, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu được thấy hoa khô của Nhật Bản có nhiều ưu điểm. Nhìn ra cơ hội mới, thế là ông bắt tay vào công việc nghiên cứu làm hoa khô. Khoảng năm 1976, hoa khô Nguyễn Bá Mưu được đem đi triển lãm tại các nước Liên Xô, Pháp, Nhật Bản.
Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đang giữ gìn một nghề độc đáo là hoa thật làm khô đi vẫn giữ nguyên màu và hình dáng. Hoa khô được trang trí trong những lọ, bình hoặc trong lẵng để bày trong phòng làm viêc hay phòng khách, làm không gian tăng phần vui tươi, sang trọng. Có nhiều người mua hoa khô làm quà sinh nhật tặng người thân. Ở cái tuổi ngoài 80 nhưng hàng ngày nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu tỉ mỉ ghép, dán các loại lá cây rụng, cánh hoa được sưu tập.
Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu chia sẻ, như hoa hồng có màu đỏ hoặc vàng đang tươi hái về, phải làm cho hoa "chết" đột ngột. Sau khi dùng hóa chất làm cho cánh hoa không rụng và vẫn giữ được hình dáng nguyên bản của bông hoa rồi phơi khô trong không gian có ánh sáng và nhiệt độ nhất định thì bông hoa trông vẫn đẹp như hoa tươi.
Hoa đã đẹp nhưng phối hợp với loại hoa, loại cỏ nào và đặt trong cốc hoặc lọ thủy tinh hay sứ có hình dáng nào lại là một nghệ thuật tạo hình rất tinh tế. Hoa khô và tranh lá khô của ông đã được xuất khẩu nhiều năm liền, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Từ năm 2016 ông lại được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân xứng với lời truyền tụng là ông tổ của nghề làm hoa khô và tranh ghép bằng lá khô.
Nhiều thanh niên đến xin học nghề, ông sẵn sàng đón nhận nhưng khi biết nghề, chưa có học trò nào làm được như thầy. Bởi hiểu biết chuyên môn kỹ thuật là một chuyện nhưng óc sáng tạo cũng như năng khiếu bẩm sinh về con mắt mỹ thuật lại là những chuyện khác nhau.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giu-nghe-lam-hoa-co-kho-cung-nghe-nhan-nguyen-ba-muu.html