Giữ nghề rèn truyền thống
Gần 30 năm nay, lò rèn của gia đình anh Sồng A Di, bản Nà Viền, xã Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn, vẫn sớm tối 'đỏ lửa' giữ nghề truyền thống. Với những bí quyết gia truyền, đồ rèn của gia đình anh làm ra có độ tinh xảo, sắc và bền.
Lò rèn của gia đình anh Di rộng khoảng 40 m², ngoài anh Di, còn 3 người thợ đang miệt mài rèn dao, sửa chữa nông cụ cho bà con. Theo anh Di, để làm ra một sản phẩm đẹp về mẫu mã cũng như sử dụng tốt, người thợ rèn phải trải qua nhiều công đoạn, từ lựa chọn thép, định hình phôi, nung, rèn, tôi, mài, làm cán, vỏ dao... Ngoài ra, độ dài, độ to bản lưỡi dao, chuôi dao, độ dày, mỏng từ cán đến mũi dao... được tính toán tỉ mỉ để tối ưu hóa công năng khi sử dụng.
Anh Di chia sẻ: Khó nhất là việc nung phôi, người thợ có kinh nghiệm nhìn qua độ hồng của phôi sắt khi nung để biết phôi đã đạt hay chưa. Phôi sắt sau khi nung được đem ra quai búa, thao tác này đòi hỏi sự khỏe khoắn, nhanh, dứt khoát trong từng nhịp búa, muốn công cụ sắc bén, không bị nứt lưỡi cần tôi đến độ vừa phải. Tùy vào từng loại sắt mà chọn tôi bằng nước muối, dầu nhớt, thân cây chuối hoặc bùn ao... Vỏ dao thường được làm bằng gỗ pơ mu, nhãn hoặc dâu rừng, bởi những loại gỗ này có vân đẹp, thớ gỗ dai, dễ tạo hình và có độ bền, bóng theo thời gian sử dụng, chuôi dao và vỏ dao đều được gia cố bằng khâu đồng hoặc bện bằng dây mây để tăng độ thẩm mỹ.
Nhờ duy trì nghề rèn truyền thống mà gia đình anh Di có thu nhập ổn định. Sau nhiều năm tích góp tiền từ nghề rèn, năm 2020, gia đình anh mở lò rèn rộng hơn và trang bị thêm quạt điện thổi lò, máy mài, máy dập phôi... Hiện, mỗi tháng, lò rèn của anh sản xuất từ 150 - 200 sản phẩm, chủ yếu là các loại dao đi rừng, với giá từ 200 - 500 nghìn đồng/sản phẩm, tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Nội, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, là người trong bản, với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù các sản phẩm ngoài thị trường ngày một đa dạng, nhưng lò rèn của gia đình anh Sồng A Di vẫn đỏ lửa quanh năm, tiếng búa vẫn vang lên đều đặn mỗi ngày, bởi sản phẩm giữ được uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vừa có thu nhập ổn định, anh Di vừa góp phần gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của dân tộc Mông trên đất Chiềng Kheo.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giu-nghe-ren-truyen-thong-48607