Giữ ổn định thị trường hàng hóa

ĐBP - Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc cung ứng hàng hóa, một số mặt hàng thiết yếu tăng giá khiến người dân áp lực hơn trong việc chi tiêu đòi hỏi ngành chức năng theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa để kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Bộ Công Thương các giải pháp bình ổn giá cả thị trường, cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu trên địa bàn.

Người dân mua hải sản tại cửa hàng anh Nguyễn Anh Tuấn, Chợ trung tâm III, TP. Điện Biên Phủ.

Thắt chặt chi tiêu

Hiện nay, nhiều gia đình trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã thay đổi thói quen tiêu dùng bằng việc lên kế hoạch chi tiêu cụ thể vào những mặt hàng thiết yếu và thắt chặt chi tiêu hơn so với thời điểm trước.

Chị Hà Thị Hiền, ở phường Thanh Trường cho biết: Gia đình có con nhỏ, công việc không ổn định nên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tôi buộc phải phân bổ lại chi tiêu sinh hoạt hàng ngày để tiết kiệm và phòng rủi ro về tài chính trong tương lai. Những tháng gần đây, gia đình tôi chỉ tập trung mua sắm hàng hóa thiết yếu, cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết. Chỉ ưu tiên mua sắm mặt hàng phục vụ cho đời sống hàng ngày như: Lương thực, thực phẩm, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn.

Tác động của dịch Covid-19 khiến người dân tiết chế nhu cầu đi lại vui chơi giải trí, thay đổi hành vi tiêu dùng, cắt giảm chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, tăng chi tiêu vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Đây được coi là xu hướng phù hợp trước thực trạng một số mặt hàng thực phẩm tăng cao trong thời gian qua. Nhất là hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.Tại một số chợ, tuy có một số mặt hàng tăng giá song đa số tiểu thương bán theo giá thị trường, không tự ý tăng giá cao để trục lợi, làm khó người dân.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ cửa hàng hải sản Hiền Cù, Chợ Trung tâm III, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Việc tăng giá hàng hóa là điều không mong muốn song cửa hàng vẫn phải điều chỉnh tăng một số mặt hàng từ 10 - 30 nghìn đồng/kg. Trong đó, tôm tươi loại to hiện có giá 230 nghìn đồng/kg (tăng 30 nghìn đồng/kg); mực ống tươi 170 nghìn đồng/kg (tăng 20 nghìn đồng/kg).Trong tình hình như hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa từ địa phương khác đến Điện Biên không dễ, giá xăng dầu tăng khiến chi phí vận chuyển tăng... nên giá tăng là khó tránh khỏi.

Bình ổn giá để hỗ trợ người dân

Theo thông tin từ Sở Công thương, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả lương thực, thực phẩm, rau củ quả tăng nhẹ nhưng không có dấu hiệu tăng giá đột biến. Hàng hóa tại các chợ, điểm bán, siêu thị... vẫn đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân, không có tình trạng khan hiếm, đầu cơ, tích trữ hàng hóa hoặc tăng giá quá mức. Cụ thể, trong tháng 10 giá lương thực và các mặt hàng lương thực chế biến ít biến động, nguồn cung dồi dào như: Gạo tẻ thường 15 - 16 nghìn đồng/kg; gạo tám thơm 16 - 17 nghìn đồng/kg. Giá rau, củ quả tăng tùy loại, nguồn cung ổn định như rau cải xanh 20 - 25 nghìn đồng/kg (tăng 5 nghìn đồng/kg)... Dự báo thời gian tới, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống ổn định, riêng mặt hàng thịt lợn hơi có thể tăng trong thời gian tới do dịch bệnh đã dần được kiểm soátnhiều địa phương trong nước đã nới lỏng giãn cách khiến nhu cầu thực phẩm tăng có thể đẩy giá lợn hơi tăng. Ngoài ra, giá bán lẻ mặt hàng đường kính trắng tiếp tục ở mức cao từ 22 - 24 nghìn đồng/kg và dự báo giá bán lẻ vẫn duy trì ở mức cao. Nguyên nhân do tác động kép của giá đường trên thị trường quốc tế tăng và khủng hoảng vận tải biển quốc tế đã khiến cho đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng giá và lượng nhập khẩu giảm. Vừa qua, các công ty xăng dầu đầu mối trên địa bàn thông báo điều chỉnh tăng giá xăng, dầu; giá bán lẻ ga cũng tăng theo biến động của thế giới do đó sẽ tiếp tục tăng do giá xăng, dầu thế giới tăng.

Mặc dù người dân thay đổi thói quen mua sắm, thắt chặt chi tiêu hơn song các hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa và các dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thời gian qua vẫn ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 ước đạt 1.270 tỷ đồng (tăng 10% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.185 tỷ đồng; lưu trú, ăn uống ước đạt 47 tỷ đồng; dịch vụ khác ước đạt 38 tỷ đồng. Để tiếp tục bình ổn giá, hỗ trợ người dân, Sở Công thương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Bộ Công thương các giải pháp bình ổn giá cả, cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các loại hình kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước khôi phục hoạt động thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường; vận động doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, từng bước khôi phục lại sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu.

Mai Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/192134/giu-on-dinh-thi-truong-hang-hoa