Giữ rừng giáp ranh
Ngày 1-12, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), UBND 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum phối hợp tổ chức Hội nghị Sơ kết quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) vùng giáp ranh.
Ngày 1-12, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), UBND 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum phối hợp tổ chức Hội nghị Sơ kết quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) vùng giáp ranh.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bà Y Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum và ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Thu - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam có vùng rừng giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum với chiều dài hơn 260km. Hầu hết hệ sinh thái rừng giáp ranh giữa 3 tỉnh là rừng tự nhiên, tính đa dạng sinh học cao, với sự hiện diện của nhiều loài động thực vật quý, hiếm, đặc hữu. Đặc biệt, rừng tại khu vực này là đầu nguồn của các con sông lớn, có tác dụng phòng hộ bảo vệ chống xói mòn, điều hòa nguồn nước. Với đặc điểm đó, khu vực rừng này đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH và phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân 3 tỉnh.
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm 3 địa phương thường xuyên trao đổi thông tin liên lạc để nắm bắt tình hình nhằm kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm ở vùng giáp ranh. Cụ thể, các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh, đội Kiểm lâm cơ động và đội PCCC rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm 3 tỉnh đã tổ chức kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng tại vùng giáp ranh. Trong đó, tổng số đợt tuần tra, truy quét bảo vệ rừng là 2.479 đợt; đẩy đuổi hơn 150 lượt người ra khỏi rừng; phát hiện, lập biên bản vi phạm 277 vụ, trong đó xử lý hành chính 256 vụ, xử lý hình sự 16 vụ, số vụ đang trong giai đoạn xử lý 5 vụ. Tang vật, phương tiện tịch thu gồm 857,742 m3 gỗ quy tròn các loại; 1 cá thể voọc, 11 cá thể rùa; 5 xe ô-tô, 23 xe gắn máy, 5 cưa xăng... Tổng số tiền thu, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 5,6 tỷ đồng.
Kết quả là vậy, song tại hội nghị các đại biểu cũng đã nhìn nhận hạn chế trong quy chế phối hợp BVR thời gian qua. Cụ thể, ngành kiểm lâm của 3 địa phương thẳng thắn cho rằng, hành vi khai thác rừng và xâm lấn rừng trái phép vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại ở vùng giáp ranh, trong khi việc phối hợp truy quét còn thiếu đồng bộ. Thêm vào đó, cơ chế trao đổi thông tin qua lại chưa được thực hiện tới nơi tới chốn. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, vùng giáp ranh giữa Kon Tum và Quảng Ngãi còn xuất hiện "điểm nóng" vi phạm pháp luật lâm nghiệp. Điển hình, ngày 18-8-2020, lực lượng chức năng thuộc 2 tỉnh đã phát hiện 2 vụ khai thác rừng trái phép. Đó là vụ xảy ra tại khoảnh 1,2 tiểu khu 495 (xã Hiếu, H. Kon Plông) thuộc lâm phận rừng do Cty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông quản lý với khối lượng gỗ bị thiệt hại hơn 81,3m3. Một vụ khác xảy ra tại khoảnh 16, 17 tiểu khu 440 thuộc lâm phận rừng do UBND xã Pờ Ê (H. Kon Plông) quản lý với khối lượng hơn 40m3. Các khu vực trên nằm giáp ranh với H. Ba Tơ (Quảng Ngãi)...
"Trong những năm qua, công tác phối hợp QLBVR vùng giáp ranh 3 tỉnh trên đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên các giải pháp bảo vệ phát triển rừng vẫn còn nhiều hạn chế, công tác phối hợp ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả;... Hội nghị lần này là dịp để các ngành, đơn vị liên quan của 3 tỉnh chia sẻ về kinh nghiệm về công tác phối hợp QLBVR giáp ranh. Hướng đến mục tiêu cao nhất trong phát triển bảo vệ rừng là tạo sinh kế cho người dân", ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, với các vụ việc xâm hại đất lâm nghiệp vùng giáp ranh cần phải xử lý dứt điểm. Các hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy 3 địa phương khi xây dựng kế hoạch phối hợp phải phù hợp với quản lý hoạt động lâm nghiệp của địa phương mình; phối hợp kiểm soát tình trạng người dân ở vùng giáp ranh sang địa phương khác khai thác rừng và phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất. Các đại biểu tham dự hội nghị cũng trình bày các tham luận như: Công tác phối hợp giải quyết tranh chấp đất lâm nghiệp vùng giáp ranh giữa xã Sơn Bua (H. Sơn Tây, Quảng Ngãi) với xã Trà Vân (H. Nam Trà My, Quảng Nam); Hiệu quả việc sử dụng dịch vụ môi trường trong công tác QLBVR; Công tác phối hợp trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi trái pháp luật thuộc lâm phận quản lý; Công tác tổ chức phối hợp tuần tra, truy quét lâm, khoáng sản trái phép và công tác PCCC rừng vùng giáp ranh...
Dịp này, UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum ký kết quy chế phối hợp QLBVR giáp ranh. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen cho 1 tập thể, UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen cho 3 tập thể, cá nhân và UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng Bằng khen cho 4 tập thể, cá nhân đã có thành tích trong công tác QLBVR và quản lý lâm sản của 3 tỉnh giai đoạn 2018-2020.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_235377_giu-rung-giap-ranh.aspx