Giữ rừng là giữ ấm no

ĐBP - Mỗi buổi sáng, người dân bản Hua Huổi Luông, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) lại lên rừng. Họ đi gom củi khô về đun nấu, tìm cây thuốc chữa bệnh, phát quang cây cối để phòng chống cháy rừng và hơn hết là thực hiện 'tuần rừng' để không cho ai chặt phá rừng của bản... Nhờ đó mà những cánh rừng của bản Hua Huổi Luông ngày càng tươi tốt, phát triển.

Khu vui chơi của bản Hua Huổi Luông được xây dựng nhờ người dân trích tiền chi trả DVMTR đóng góp.

Một chính sách, nhiều hiệu quả

Trở lại Hua Huổi Luông những ngày đầu năm mới, đón chúng tôi trong ngôi nhà lợp ngói mới khang trang, Trưởng bản Giàng A Chía hồ hởi “khoe”: Ngôi nhà này tôi mới sửa sang lại từ số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tích góp mấy năm qua. Có nhà mới nên năm nay gia đình tôi đón tết phấn khởi hơn. Không riêng gia đình tôi, mà gần 70 hộ dân trong bản đều được chi trả tiền DVMTR. Mức chi trả cũng tăng dần, từ 350.000 đồng/ha những năm đầu đến nay là gần 700.000 đồng/ha. Năm 2020, số tiền dân bản được tạm ứng trong 2 đợt chi trả là hơn 360 triệu đồng để trang trải cuộc sống và mua trang thiết bị đầu tư sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của nhiều hộ dân trong bản đã khấm khá hơn.

Ðể minh chứng cho lời nói của mình, Trưởng bản Giàng A Chía dẫn chúng tôi “mục sở thị” những hiệu quả từ chính sách chi trả DVMTR mang lại cho dân bản Hua Huổi Luông. Cách nhà trưởng bản Chía không xa, ngôi nhà khang trang của anh Giàng A Phía cũng đang dần hoàn thiện trên diện tích rộng hơn 100m. Ðược biết, một phần kinh phí xây dựng nhà cũng là từ số tiền chi trả DVMTR mà anh Phía đã dành dụm những năm qua.

Chưa hết, dân bản đang rất phấn khởi với công trình “sân vận động mini” của bản mới được hoàn thành đưa vào sử dụng với kinh phí đầu tư 80 triệu đồng. Số tiền đầu tư do các hộ dân trong bản tự nguyện đóng góp mỗi hộ hơn 1 triệu đồng từ tiền chi trả DVMTR để mua gần 700m2 đất, thuê máy xúc san ủi mặt bằng làm khu tổ chức các hoạt động vui chơi chung. Gọi là “sân vận động mini” bởi đây không chỉ là nơi người dân trong bản tổ chức các hoạt động vui chơi vào dịp lễ, tết, mà hàng ngày đây còn là nơi để thanh niên, trẻ em trong bản tổ chức các hoạt động thể dục thể thao.

Năm 2020, tròn 7 năm dân bản Hua Huổi Luông được nhận tiền bảo vệ rừng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Ðiện Biên. Bản có gần 70 hộ dân, 100% là dân tộc Mông sinh sống và đều được nhận tiền khoanh nuôi bảo vệ rừng. Ðến nay diện tích rừng giao cho người dân trong bản quản lý đều phát triển tốt; rừng không bị xâm hại, không xảy ra tình trạng phá rừng làm nương. Nhớ lại khoảng thời gian gần 10 năm về trước, ông Giàng Dũng Hầu, người cao tuổi của bản Hua Huổi Luông chia sẻ: Cuộc sống bà con khổ quá do ít đất sản xuất, cả bản chỉ có 4,4ha cấy lúa 1 vụ, còn lại phụ thuộc vào làm nương. Vì thế cứ bắt đầu vào mùa khô cũng là mùa làm nương thì ai cũng muốn tìm cho mình vạt nương, khoảnh đồi để trồng ngô, gieo lúa. Vì không có kỹ thuật dọn, phát, làm đường băng cản lửa nên không ít lần đám cháy từ nương lan vào rừng, gây cháy rừng. Chính quyền địa phương, cán bộ kiểm lâm địa bàn dù đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện bảo vệ và phát triển rừng nhưng vì miếng cơm, manh áo nên chuyển biến chẳng đáng kể. Mọi chuyện chỉ thay đổi cách đây hơn 7 năm, thực hiện chính sách chi trả DVMTR, toàn bộ diện tích rừng trước khi giao cho cộng đồng quản lý được rà soát, xác định trữ lượng, trạng thái. Giữ rừng tốt không chỉ giúp bà con có thêm thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ ẩm cho đất, nguồn nước dồi dào thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Chung tay giữ rừng

Khi người dân nhận thức được rừng là “lá phổi xanh”, họ đã một lòng một dạ chung tay giữ rừng. Với người dân bản Hua Huổi Luông, tập tục sinh hoạt đều gắn với rừng nên việc chăm sóc, bảo vệ rừng như chính cuộc sống, tài sản của họ.

Ðể bảo vệ, chăm sóc hơn 920ha rừng được giao khoán, bản Hua Huổi Luông đã thành lập Ban quản lý rừng cộng đồng gồm 5 thành viên và Tổ Bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng gồm 12 thành viên có nhiệm vụ định kỳ, đột xuất tuần tra, kiểm tra diện tích rừng đã được giao cho cộng đồng bản; tuyên truyền, vận động người thân, dân bản cùng chăm sóc, bảo vệ rừng; tổ chức ký cam kết, xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ phát triển rừng của cộng đồng.

Theo ông Giàng Chờ Thề, người có uy tín của bản Hua Huổi Luông và cũng là thành viên Tổ Bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng của bản thì việc giữ rừng là thiêng liêng, không phải đứng từ xa thấy rừng xanh mà chủ quan, không đến kiểm tra. Bởi những chỗ sâu, chỗ hiểm người dân ít đến lại là địa bàn lâm tặc thường chọn để hoạt động, vậy nên phải canh giữ chặt. Nhờ tinh thần cảnh giác của người dân nên từ nhiều năm nay, trên những diện tích rừng bản được giao khoán không để xảy ra cháy rừng, phá rừng trái pháp luật.

Bên cạnh đó, dưới sự chủ trì của trưởng bản và người có uy tín, dân bản Hua Huổi Luông đã họp bàn, thống nhất chia rừng thành từng khu, sau đó giao cho mỗi nhóm hộ quản lý. Rừng thuộc sự quản lý của nhóm hộ nào thì các gia đình trong nhóm đó được tận dụng củi khô; được hái nấm, chăn thả gia súc nhưng phải bảo đảm gia súc không làm gãy cây, phá rừng. Hộ nào vi phạm quy định của bản thì tùy theo mức độ sẽ bị phạt; nhẹ bị phạt bằng tiền, nặng thì bản không chia rừng để trông coi nữa.

Tháng ba cũng là mùa làm nương, những ngày này người dân bản Hua Huổi Luông lại vào rừng làm những công việc quen thuộc. Họ đi phát cây bụi, chăm sóc cây lớn và tuần tra bảo vệ rừng. Với tinh thần, trách nhiệm cao trong công tác bảo vệ rừng nên nhiều năm nay, cộng đồng bản Hua Huổi Luông luôn là một trong những chủ rừng tiêu biểu của xã Lay Nưa, góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng của xã từ 58,36% (năm 2016) tăng lên 62,82% (năm 2020).

Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/185327/giu-rung-la-giu-am-no