Giữ rừng ở Kon Tum, chủ động ứng phó với mùa khô hạn

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H'Drai là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do UBND tỉnh Kon Tum làm chủ sở hữu; thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ công ích và quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện biên giới Ia H'Drai (Kon Tum).

Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H’Drai ông Ngô Văn Hải đi kiểm tra rừng trồng.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H’Drai ông Ngô Văn Hải đi kiểm tra rừng trồng.

Trong bối cảnh hiện nay, trước áp lực về nhu cầu sử dụng lâm sản và đất để sản xuất nông nghiệp của người dân nên công tác quản lý, bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, vượt khó khăn của tập thể Chi bộ, Ban Lãnh đạo Công ty cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động đã từng bước đưa Công ty hoạt động một cách hiệu quả. Diện tích rừng tự nhiên do Công ty quản lý được bảo toàn, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong khu vực đã được kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xâm hại tài nguyên rừng.

Hiện nay, Công ty đang quản lý diện tích rừng và đất rừng do 30.354,32ha. Trong đó, Diện tích đất có rừng tự nhiên là hơn 29.314ha; Diện tích đất lâm nghiệp (chưa có rừng) trên 1.039 ha. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương đặc biệt quan tâm, thường xuyên ban hành nhiều văn bản pháp quy cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (BVR&PCCCR), tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành chức năng làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Đặc điểm lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H’Drai quản lý tương đối rộng, nằm ở khu vực giáp ranh với tỉnh Gia Lai có chiều dài hơn 60km (đường sông, hồ) và tiếp giáp với huyện Sa Thầy hơn 45km. Các đối tượng lao động tự do, người dân từ phía Gia Lai thường lợi dụng đường sông, hồ để độ chế các loại phương tiện như thuyền sắt, phà sắt lén lút vào ban đêm, ngày nghỉ đưa người và phương tiện xâm nhập vào rừng trái phép thực hiện hành vi xâm hại tài nguyên rừng nên rất khó kiểm soát. Đây là yếu tố rất phức tạp trong triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác tuyên truyền, nắm bắt thông tin, tổ chức chốt chặn...

Các cán bộ, nhân viên của đơn vị đi tuần tra, kiểm soát rừng.

Các cán bộ, nhân viên của đơn vị đi tuần tra, kiểm soát rừng.

Ngoài ra, các dự án chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su để lại hệ thống đường mòn vào rừng tương đối nhiều đan xen trong lâm phần rất phức tạp gây nhiều khó khăn cho công tác chốt chặn, kiểm soát. Người dân sinh sống gần rừng đa phần là công nhân của các Công ty cao su, họ ít tiếp cận các thông tin tuyên truyền bảo vệ rừng nên ý thức bảo vệ rừng chưa cao, đồng thời đa phần chưa được bố trí đất sản xuất nên họ cũng lén lút phá rừng lấy đất sản xuất, lấy gỗ làm nhà, một số người tận dụng lúc nông nhàn vào rừng khai thác gỗ bán cho đầu nậu để tăng thêm thu nhập nên rất khó khăn cho công tác kiểm soát, bảo vệ rừng.

Vất vả càng chồng chất, khi điều kiện tài chính của đơn vị còn nhiều khó khăn nên đa số các trạm, chốt được làm bằng các vật liệu tạm thời nên sinh hoạt của người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Ở một số trạm bảo vệ rừng khi vào mùa khô không có nước để sinh hoạt, về mùa mưa nước suối dâng cao, đường xá bị sạt lở, lầy lội chia cắt không ra vào được khu dân cư để mua sắm lương thực phục vụ sinh hoạt hàng ngày; không có sóng điện thoại để liên lạc kịp thời báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ...

Công ty đã chủ động tổ chức ký kết quy chế, kế hoạch bảo vệ rừng với các chủ rừng giáp ranh và các đơn vị chức năng trên địa bàn để làm cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, đã ký kết với các đồn Biên phòng Sa Thầy, Suối Cát, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy, Công ty Cao su Sa Thầy, Công ty Cao su Duy Tân, UBND các xã Ia Tơi, Ia Dom.

Đặc biệt, Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng đang bước vào mùa khô, vậy nên Công ty đã chủ động lên kế hoạch khảo sát lâm phần và xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng cho phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, kiện toàn ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng; tu sửa các công trình phòng cháy; mua sắm bổ sung các dụng cụ chữa cháy để thực hiện chữa cháy tốt khi có cháy rừng xẩy ra.

Chính vì vậy, các Trạm bảo vệ rừng thường trực 24/24 giờ để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, PCCCR. Đối với ban lãnh đạo Công ty, luân phiên theo định kỳ hàng tuần trực tiếp xuống địa bàn để chỉ đạo công tác bảo vệ rừng, PCCCR; phân công lịch trực cụ thể đến từng thành viên trong Ban lãnh đạo Công ty trực chỉ huy vào các ngày thứ 7, Chủ nhật.

Thực hiện các bản tin dự báo cháy rừng: Công ty thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo cháy rừng của tỉnh và triển khai đến các Lâm trường, Trạm QLBVR nghiêm túc thực hiện, đồng thời niêm yết tại văn phòng Công ty. Thực hiện nghiêm quy định công tác PCCCR tại trụ sở Công ty, Lâm trường, Trạm bảo vệ rừng. Việc chủ động được nguồn nhân lực, vật lực theo phương châm 4 tại chỗ góp phần hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra. Nhận thức của nhân dân về tác hại do cháy rừng là một động lực quan trọng giúp giảm thiểu được số vụ cháy rừng cũng như thiệt hại về rừng do cháy rừng gây ra.

Về phương hướng nhiệm vụ trong công tác PCCCR trong mùa khô 2020-2021, đơn vị đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR. Kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ huy. Tiếp tục, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho nhân dân. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác, mua, bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn. Ngoài ra, tổ chức ký cam kết BVR&PCCCR đối với các hộ gia đình, cá nhân sinh sống, sản xuất nương rẫy gần rừng và ven rừng. Cập nhật kịp thời cấp dự báo cháy rừng và tổ chức thực hiện các biện pháp PCCCR theo cấp dự báo.

Chủ động triển khai thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ rừng; trú trọng đầu tư xây dựng mới, tu sữa các công trình phòng cháy và mua sắm, bảo dưỡng các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng, nhằm phát huy hiệu quả trong việc PCCCR trong mùa khô. Phân công, bố trí lực lượng trực BVR&PCCCR đảm bảo 24 giờ trong ngày vào thời gian cao điểm dễ xảy ra cháy rừng, để nắm bắt kịp thời mọi thông tin về công tác BVR&PCCCR, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Tổ chức xử lý làm giảm vật liệu cháy tại những khu vực có nguy cơ cháy cao trước khi mùa khô đến.

T.N

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/giu-rung-o-kon-tum-chu-dong-ung-pho-voi-mua-kho-han-66408.html