Giữ 'sạch' nguồn cung nông sản

Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ tăng cao. Ngành Nông nghiệp đang tăng cường các giải pháp quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ sản xuất tới tiêu thụ; đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh để bảo đảm nguồn cung 'sạch' ra thị trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Giang Quỳnh

Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Giang Quỳnh

Hạ tầng hạn chế, vi phạm còn nhiều...

Hiện nay, việc kiểm soát an toàn thực phẩm nói chung còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân cơ bản là do sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán; công nghệ chế biến thực phẩm còn thủ công, mang tính cá thể, hộ gia đình, với điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hạn chế, đặc biệt là điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, môi trường.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, thành phố Hà Nội đang có 17.678 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư, sản phẩm nông nghiệp, trong đó 16.256 cơ sở được phân cấp cho xã, phường quản lý. Trong năm 2021, Chi cục đã kiểm tra 197 cơ sở sản xuất, phát hiện 48 cơ sở vi phạm (không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhân viên không đeo khẩu trang…) và xử phạt 823 triệu đồng. Thực tế đáng lo là tại các cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm đã được đánh giá, xếp loại, việc bố trí khu vực sản xuất thực phẩm chín và sống vẫn chưa ngăn nắp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh...

Liên quan vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến thông tin: Năm 2021, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra 76 cơ sở sản xuất nông nghiệp, xử phạt 27 cơ sở (kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm...) với số tiền hơn 500 triệu đồng; tịch thu và tiêu hủy 4.269kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá hơn 83 triệu đồng.

Phân trần về tình trạng này, bà Nguyễn Thị Thảo, quản lý cơ sở kinh doanh nông sản sạch Hai Sương (quận Hà Đông) cho biết: Cơ sở đã chia tách nơi để đồ chín và sống, nhưng do diện tích nhỏ hẹp nên việc sơ chế thực phẩm vẫn phải bố trí cùng khu vực để đồ sống...

Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Số lượng cơ sở sản xuất, chế biến nông sản của Hà Nội rất lớn, nhưng manh mún, thậm chí hoạt động theo thời vụ, lại nằm rải rác ở các xã nên việc kiểm tra định kỳ còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, lực lượng chuyên môn trong lĩnh vực này còn quá ít so với chức năng, nhiệm vụ được giao. Mặt khác, công nghệ sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm còn nhiều hạn chế, hạ tầng phục vụ chưa đáp ứng được yêu cầu… Đáng nói hơn là một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vì lợi nhuận trước mắt mà quên mất đạo đức kinh doanh, có hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm…

Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc sản phẩm

Người dân mua thực phẩm tại một điểm bán hàng của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín). Ảnh: Phương Huyền

Người dân mua thực phẩm tại một điểm bán hàng của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín). Ảnh: Phương Huyền

Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và các tháng đầu năm khi mùa lễ hội diễn ra, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, công ty đã liên kết với hơn 300 trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt và thực hiện giết mổ trên dây chuyền công nghệ châu Âu bảo đảm an toàn thực phẩm. Hơn 134 điểm bán thực phẩm sạch của công ty tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đều được đầu tư trang thiết bị hiện đại, có khu riêng biệt bảo quản đồ sống, đồ chín, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, để siết chặt việc sản xuất, kinh doanh nông sản, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức cho người dân tại địa bàn ký cam kết bảo đảm an toàn và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm nội dung đã cam kết. Đồng thời, Thanh Oai tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, triển khai mã QR để có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất những cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản đã xếp loại A, B, C để loại trừ những sự cố mất an toàn thực phẩm; với các cơ sở nhiều lần xếp loại C, kiên quyết xử lý theo quy định. Cùng với đó, sẽ mở các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho các chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh nông sản; phổ biến chính sách pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác quản lý từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản đến vận chuyển, kinh doanh...

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân rất lớn, đặc biệt là ở thành phố Hà Nội. Do đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cần hỗ trợ các địa phương tập trung sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản từ các tỉnh, thành phố đưa về Thủ đô tiêu thụ - kiểm tra theo quy định, chỉ thanh tra đột xuất khi có bằng chứng, dấu hiệu vi phạm; đồng thời xử lý nghiêm khắc các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/1023001/giu-sach-nguon-cung-nong-san