Giữ sự sống của rừng
Thay vì thói quen săn bắt thú rừng để làm kế sinh nhai, nhiều người dân sống quanh Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên đã tham gia vào những nhóm bảo tồn cộng đồng và Đội tuần tra tháo gỡ bẫy thú để giữ sự sống cho muông thú của khu rừng này.
Chung tay bảo vệ rừng và các loài động vật hoang dã
Xã Đắc Lua là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai với địa bàn rộng, trong đó ấp 7 là ấp của người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào làm nương rẫy và canh tác ven rừng.
Trong một cuộc gặp gỡ với chúng tôi tại VQG Cát Tiên, bà Đinh Thị Dâm, người dân tộc Tày ở xã Đắc Lua (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) cho biết, từ ngày tham gia nhóm bảo tồn cộng đồng của xã cũng như Ban quản lý hợp tác đa bên, nhận thức của bà cũng như cộng đồng dân cư địa phương trong việc bảo vệ, phát triển rừng và các loài động vật hoang dã được nâng lên rõ rệt.
"Tham gia nhóm bảo tồn cộng đồng, chúng tôi được tập huấn, tham gia các diễn đàn, đề xuất các kiến nghị để phát triển sản xuất bền vững, từ đó giảm thiểu những tác động tiêu cực của cộng đồng dân cư vùng đệm vào Vườn Quốc gia Cát Tiên, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong cơ chế nhận khoán bảo vệ rừng, trong dịch vụ chi trả môi trường rừng. Đặc biệt, chúng tôi còn tham gia làm du lịch sinh thái, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc mình vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân", bà Dâm nói.
Anh K'Gren, người dân tộc S'tiêng, ở xã Tà Lài, xã Tân Phú cũng cho biết, việc tham gia Ban quản lý hợp tác đa bên, nhóm bảo tồn cộng đồng giúp anh cảm thấy có trách nhiệm hơn trong việc tuyên truyền, vận động bà con chấm dứt các hoạt động xâm hại tài nguyên rừng.
Được biết, tháng 3/2022, thông qua sự hỗ trợ của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tài trợ, nhóm bảo tồn cộng đồng xã Đắc Lua đã được ra mắt với tổng số 18 thành viên. Đây đều là những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và có sự am hiểu nhất định về rừng và tài nguyên rừng tại địa phương.
Nhiệm vụ của nhóm Bảo tồn cộng đồng xã Đắc Lua là tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc bảo vệ tài nguyên rừng, đề xuất đưa ra những giải pháp can thiệp phù hợp, nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các hoạt động bất hợp pháp xâm phạm tài nguyên rừng, truyền thông giảm cầu về sản phẩm động vật hoang dã.
Ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc VQG Cát Tiên nhấn mạnh: "Để bảo vệ các hệ sinh thái độc đáo của VQG Cát Tiên, sự tham gia của cộng đồng sống gần rừng có vai trò rất quan trọng. Các thành viên của đội tuần tra được tập huấn các kỹ năng như: Nguyên tắc ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ, cứu hộ động vật hoang dã, nhận diện một số loại động vật phổ biến sơ cấp cứu… Việc thành lập tổ công tác đa bên không chỉ góp phần tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ di sản thiên nhiên của chúng ta mà còn nâng cao hiệu quả của chiến lược bảo tồn".
Ông Thịnh cũng cho biết thêm, riêng huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đã có khoảng 30 nghìn trẻ em trong độ tuổi đi học, việc giáo dục ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên đến thế hệ trẻ vô cùng quan trọng.
Lâu nay, việc giáo dục môi trường cho các thế hệ học sinh tại đây được lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống, nằm trong chương trình giáo dục địa phương. "Với dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, chúng tôi sẽ thuận lợi hơn trong việc giáo dục môi trường đến các em học sinh", ông Thịnh nói.
Nâng cao nhận thức người dân để bảo vệ rừng
Theo báo cáo của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học - Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học VFBC (Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT), dự án đã hỗ trợ VQG Cát Tiên thành lập bốn nhóm bảo tồn cộng đồng (CCG) tại các xã vùng đệm với 64 thành viên tham gia. Các nhóm bảo tồn cộng đồng này đã được hỗ trợ thông qua các lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao kiến thức pháp luật liên quan đến bảo tồn động vật hoang dã.
Từ đó, các nhóm CCG đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm hoang dã tại vùng đệm của VQG Cát Tiên.
Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ VQG Cát Tiên thành lập Ban quản lý hợp tác đa bên (MSMC) nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng vùng đệm trong quản lý và bảo vệ rừng.
MSMC ở Cát Tiên bao gồm 9 thành viên, trong đó có 2 nhân viên của vườn và 7 đại diện cộng đồng. Trong MSMC, các đại diện cộng đồng cộng tác với đội ngũ quản lý của Vườn quốc gia Cát Tiên để thu thập thông tin và dữ liệu hiện trường, đồng thời tạo điều kiện thiết lập các nền tảng đối thoại để thảo luận về các xung đột tiềm ẩn.
Ban quản lý hợp tác đa bên cũng đã tăng cường quan hệ đối tác với các đơn vị thuộc khu vực tư nhân để thành lập quỹ xóa đói giảm nghèo nhằm hỗ trợ người nghèo ở xã Đắc Lua. Sáng kiến này không chỉ hỗ trợ xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần giảm thiểu tác động bất lợi của các hoạt động của cư dân địa phương đối với rừng và đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên.
Theo ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học của USAID, việc hình thành một cơ chế chính thức có sự tham gia của cộng đồng sẽ góp phần nâng cao tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học cũng như sự hiểu biết và tôn trọng các lợi ích xã hội của Vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái toàn cầu.
Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học triển khai tập trung tại 14 khu rừng đặc dụng và 7 khu rừng phòng hộ với mục tiêu để duy trì độ che phủ rừng và kết nối sinh cảnh nhằm bảo vệ những loài động vật đặc hữu và nguy cấp. Ngoài ra, có một hoạt động rất quan trọng được dự án đưa vào triển khai trong những năm qua là hỗ trợ các vườn quốc gia, khu bảo tồn xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình IUCN công nhận Danh lục Xanh...
VQG Cát Tiên đã tổ chức chiến dịch Ngày Động thực vật hoang dã thế giới, lan tỏa thông điệp bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã tới cộng đồng, thông qua các hoạt động như: Đạp xe, tổ chức cuộc thi tranh ảnh về Động vật hoang dã... Thông qua việc tuyên truyền các phương pháp thay đổi hành vi, chiến dịch đã góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ động thực vật hoang dã.
MSMC cũng đã tăng cường quan hệ đối tác với các đơn vị thuộc khu vực tư nhân để thành lập quỹ xóa đói giảm nghèo nhằm hỗ trợ người nghèo ở xã Đăk Lua. Sáng kiến này góp phần giảm thiểu tác động bất lợi của cư dân địa phương đối với rừng và đa dạng sinh học.
Dự án cũng đã hỗ trợ VQG Cát Tiên nâng cấp trang tin điện tử hiện đại để đẩy mạnh công tác truyền thông bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học đến công chúng.
Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/giu-su-song-cua-rung-102240129085544938.htm