Giữ Tết Nguyên đán an toàn

Tính đến 6 giờ ngày 27-12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 80.640.724 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.763.912 ca tử vong. Trong thời điểm cộng đồng quốc tế khép lại năm 2020 đầy thử thách và khó khăn do đại dịch Covid-19, Đại hội đồng LHQ đã thông qua sáng kiến của Việt Nam với Nghị quyết về việc lấy ngày 27-12 hằng năm là Ngày quốc tế Phòng, chống dịch bệnh.

Giữ Tết Nguyên đán an toàn

THẾ PHONG

Thứ Ba, 29-12-2020, 17:14

+ | Print

Công tác phòng, chống dịch cần phải được triển khai nghiêm túc ở khu vực công cộng. Ảnh: NAM ANH

Công tác phòng, chống dịch cần phải được triển khai nghiêm túc ở khu vực công cộng. Ảnh: NAM ANH

Tính đến 6 giờ ngày 27-12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 80.640.724 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.763.912 ca tử vong. Trong thời điểm cộng đồng quốc tế khép lại năm 2020 đầy thử thách và khó khăn do đại dịch Covid-19, Đại hội đồng LHQ đã thông qua sáng kiến của Việt Nam với Nghị quyết về việc lấy ngày 27-12 hằng năm là Ngày quốc tế Phòng, chống dịch bệnh.

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 làm tăng tốc độ lây lan

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Nhận định tình hình dịch, ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng cho biết, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, gia tăng mạnh tại Mỹ, một số quốc gia châu Á và các quốc gia khu vực châu Âu.

Hiện, Việt Nam đã có 24 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.439 ca mắc Covid-19. Ông Đức nhấn mạnh, Việt Nam cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, các trường hợp nhập cảnh vẫn ghi nhận từ các chuyến bay đưa công dân về nước và các chuyên gia sang Việt Nam làm việc, do đó, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, việc đi lại, nhu cầu về nước của công dân rất lớn.

Phó Thủ tướng yêu cầu: “Chúng ta phải quyết tâm giữ được thành quả chống dịch càng lâu càng tốt để có một cái Tết an toàn, ấm cúng, tươi vui. Năm nay, tiêu chí an toàn càng quan trọng”. Phó Thủ tướng đề nghị, nâng lên một mức tất cả các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai, quán triệt và thực hiện trong thời gian qua; tổ chức đợt cao điểm mới; tăng cường công tác kiểm tra đường bộ. Các lực lượng Biên phòng, Công an cửa khẩu, chính quyền cơ sở và nhân dân vùng biên phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh. Nhân dân chủ động báo với cơ quan chính quyền để kiên quyết xử lý các đối tượng, tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép...

Liên quan đến việc chấn chỉnh công tác cách ly với tất cả người nhập cảnh hợp pháp, Phó Thủ tướng đề nghị, tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam phải có phương án cách ly trước khi vào Việt Nam; thực hiện nghiêm theo phương án này và chỉ thay đổi địa điểm, phương án theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Phó Thủ tướng yêu cầu, bên cạnh công tác phòng, chống dịch đã được triển khai nghiêm túc ở các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú..., trong dịp cuối năm, cần tăng cường các biện pháp sẵn sàng phòng dịch ở các địa điểm như: Chợ, trung tâm thương mại, cơ sở hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, đặc biệt các phương tiện giao thông công cộng, từ taxi, xe bus, xe vận tải hành khách đường dài, tàu hỏa, máy bay...

Thông điệp của Thủ tướng về Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh

Đúng thời điểm cộng đồng quốc tế có sự quan tâm cao về phòng, chống đại dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác hiện nay và trong tương lai. Việt Nam đã có sáng kiến về việc lấy ngày 27-12 hằng năm là Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Thật tự hào khi sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi của cộng đồng quốc tế, thể hiện qua việc có 112 quốc gia đồng bảo trợ Nghị quyết.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Thông điệp về Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27-12. Theo đó, Thứ nhất, tăng cường phối hợp chính sách, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác quốc tế cũng như nỗ lực của các thể chế đa phương trong quản trị toàn cầu, với LHQ giữ vai trò trung tâm, nhằm đẩy lùi Covid-19, phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh. Thứ hai, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm cho mọi chính sách và hành động, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người. Trước mắt cần bảo đảm người dân ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có thể tiếp cận vaccine và thuốc điều trị Covid-19 với giá cả hợp lý. Thứ ba, chủ động thích ứng trong giai đoạn “bình thường mới”, triển khai đồng bộ và hài hòa các giải pháp bảo đảm phòng, chống dịch đi đôi với phục hồi kinh tế, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư xuyên biên giới, duy trì các chuỗi cung ứng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, trang thiết bị y tế...

Hệ thống chính trị và ngành y tế cùng đông đảo người dân Việt Nam đang truyền đi niềm tin lạc quan, rằng cộng đồng quốc tế sẽ phát huy ý chí và sức mạnh của người dân mỗi dân tộc, cũng như tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế mạnh mẽ để cùng nhau vượt qua thách thức và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi quốc gia và mọi người dân. Và Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp vào hành trình cao cả đó.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi-vande/giu-tet-nguyen-dan-an-toan-629968/