Giữ thiên chức làm mẹ cho người ung thư cổ tử cung

Nhiều phụ nữ trước đây bị ung thư cổ tử cung khỏi bệnh sẽ không còn khả năng sinh con nhưng nay cơ hội mới đem đến cho họ nhiều niềm vui

Nữ bệnh nhân 37 tuổi nhập viện vì xuất huyết âm đạo kéo dài. Bệnh nhân đi khám tại một bệnh viện, được chẩn đoán tân sinh trong biểu mô cổ tử cung độ 3 (CIN 3) và được khoét chóp. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy Carcinom (ung thư biểu mô) tế bào gai biệt hóa tốt, xâm lấn màng đáy 0,2 mm, diện cắt khoét chóp dương tính với CIN 2,3.

Sự sống hình thành trên nỗi đau

Tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, các bác sĩ ghi nhận cổ tử cung còn lại viêm đỏ, không thấy sang thương, chu cung 2 bên mềm, vùng chậu trống. Chẩn đoán trước mổ ung thư cổ tử cung đã khoét chóp. Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định điều trị tận gốc bằng cắt tử cung tận gốc hoặc cắt cổ tử cung tận gốc bảo tồn chức năng sinh sản và nạo hạch chậu 2 bên.

TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, cho biết vì lý do cá nhân, bệnh nhân muốn bảo tồn chức năng sinh sản nên đã lựa chọn cắt cổ tử cung tận gốc và được phẫu thuật vào đầu năm 2020. Cổ tử cung được cắt cách cổ trong khoảng 1 cm và nạo hạch chậu 2 bên. Cắt lạnh diện cắt cổ tử cung và hạch chậu 2 bên đều không ghi nhận tế bào ung thư. Kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật cho thấy tất cả hạch đều là hạch viêm và không còn tổn thương.

Công trình của Bệnh viện Ung Bướu TP HCM được vinh danh Giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam

Công trình của Bệnh viện Ung Bướu TP HCM được vinh danh Giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam

Bệnh nhân có kinh lại sau phẫu thuật 2 tháng và mang thai tự nhiên khoảng 6 tháng sau đó, được theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM). Trong quá trình mang thai, bệnh nhân có 2 lần dọa sinh non, được đặt thuốc và nằm nghỉ ngơi hoàn toàn. Để phòng ngừa sinh non, bệnh nhân được đặt vòng nâng tử cung với vòng Hodge 2. "Điều hạnh phúc hơn, khi thai được 35 tuần, có dấu hiệu vỡ ối nên thai phụ được sinh mổ chủ động. Thiên thần chào đời là một bé trai nặng 2,1 kg, đến nay đã 14 tháng tuổi và phát triển bình thường" - bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Một trường hợp khác là chị L.N.N.P (34 tuổi), bị ung thư cổ tử cung và được phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung. Cũng nhờ phẫu thuật bảo tồn chức năng sinh sản nên hiện chị P. mang thai được hơn 32 tuần, dự sinh vào ngày 30-4. Kết quả theo dõi cho thấy chiều dài cổ tử cung 20 mm, được may vòng Cerclage, không phát hiện bất thường của thai nhi và mẹ.

Hai phụ nữ nói trên là điển hình trong số các ca được các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu TP HCM giữ được thiên chức làm mẹ trên nỗi đau mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Với công trình "Phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung" này cũng đã đưa Bệnh viện Ung Bướu TP HCM vào tốp những đơn vị được vinh danh Giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam năm 2023 do ngành y tế TP HCM tổ chức.

Giải tỏa khát khao làm mẹ

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại phụ khoa - Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, cho biết ung thư cổ tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Việc điều trị tiêu chuẩn bệnh này hiện nay bao gồm phẫu thuật cắt tử cung, hóa - xạ trị triệt để đều dẫn đến hậu quả cuối cùng là người bệnh sau khi khỏi bệnh sẽ không còn khả năng sinh con. Rất nhiều bệnh nhân ung thư trẻ tuổi có mong muốn được một lần làm mẹ. Do đó, việc xem xét điều trị bảo tồn chức năng sinh sản là một vấn đề quan trọng. Những nghiên cứu được công bố trong một thập kỷ qua cho thấy dự hậu tốt về ung thư và sản khoa sau khi cắt cổ tử cung tận gốc.

Theo bác sĩ Tiến, kỹ thuật cắt cổ tử cung tận gốc đã được Dargent mô tả lần đầu tiên vào năm 1994. Hiện nay, các hướng dẫn điều trị trên thế giới đều xem đây là phương pháp phẫu thuật bảo tồn chức năng tiêu chuẩn cho bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung có bướu dưới 2 cm (bao gồm giai đoạn IA2 đến IB2 và có thể áp dụng cho IIA).

Phân tích thêm về tính ưu việt của kỹ thuật mới, bác sĩ Tiến cho hay khác với kỹ thuật cắt tử cung tận gốc kinh điển, kỹ thuật này chỉ cắt cổ tử cung và một phần âm đạo. Sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn giữ lại được thân tử cung, 2 buồng trứng và phần âm đạo còn lại. Do đó, người bệnh hoàn toàn có khả năng mang thai và sinh con thành công. Kỹ thuật này thật sự mở ra cơ hội cho phụ nữ không may mắc bệnh ung thư cổ tử cung và khát khao làm mẹ.

"Tuy vậy, tại Việt Nam từ trước đến nay vẫn chưa có trung tâm ung bướu nào khác áp dụng kỹ thuật này. Do đó, với quyết tâm bảo vệ thiên chức làm mẹ cho những phụ nữ trẻ không may mắc bệnh ung thư cổ tử cung, chúng tôi quyết định tiên phong nghiên cứu thực hiện. Để bảo đảm an toàn tối đa cho bệnh nhân, trong giai đoạn đầu, chúng tôi lựa chọn thực hiện trên những bệnh nhân có bướu nhỏ hơn 1 cm. Sau này khi đã làm chủ được kỹ thuật, chúng tôi dần mở rộng ra thực hiện cho những bệnh nhân có bướu lớn hơn, từ 1 - 2 cm" - bác sĩ Tiến thông tin.

Thời gian ca phẫu thuật trung bình khoảng 2 giờ rưỡi. Bệnh nhân được rút sonde tiểu sau 2 - 4 ngày, xuất viện sau 7 ngày và đều có kinh trở lại sau 4 - 8 tuần phẫu thuật. Không có biến chứng trong và sau phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi giống với các trường hợp ung thư cổ tử cung được phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn: Tái khám mỗi 3 tháng trong 2 năm đầu tiên; sau đó mỗi 6 tháng từ năm thứ 3 đến năm thứ 5; sau 5 năm thì tái khám mỗi năm một lần. Đến nay, thời gian theo dõi trung bình của các ca bệnh đã được hơn 3 năm. Kết quả, 100% bệnh nhân vẫn không bị tái phát vào thời điểm hiện tại.

Theo các bác sĩ, một điều cần lưu ý thêm là bệnh nhân chỉ được phép mang thai sau phẫu thuật 6 - 12 tháng. Tất cả bệnh nhân đều phải sinh mổ chứ không được sinh qua ngả âm đạo. Về mặt sản khoa, cắt cổ tử cung sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ và sinh non trong 3 tháng giữa và cuối thai kỳ. Nhìn chung, tỉ lệ sinh con thành công sau khi cắt cổ tử cung tận gốc khoảng 25% - 50%.

"Một số phụ nữ sinh con thành công và có người đang mang song thai được theo dõi sát sao sau phẫu thuật. Điều này cho thấy chúng tôi đã đạt được yêu cầu đặt ra là vừa điều trị khỏi bệnh ung thư cổ tử cung vừa bảo tồn được chức năng sinh sản cho phụ nữ" - bác sĩ Tiến nhấn mạnh.

Hơn 300.000 ca mới mỗi năm

Theo TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là ung thư phụ khoa thường gặp nhất với mỗi năm có 319.523 trường hợp mới mắc và 170.831 ca tử vong.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giu-thien-chuc-lam-me-cho-nguoi-ung-thu-co-tu-cung-196240318205958048.htm