Giữ trọn lời hứa 'đưa anh về đất mẹ'

Như một lời hẹn ước, vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022), bà Nguyễn Thị Mừng (vợ liệt sĩ Trần Văn Tuấn, chiến sỹ Trung đoàn 149, Đại đội 17, Sư đoàn 356), phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai lại cùng các đồng đội của ông Tuấn tìm về vùng đất lửa Vị Xuyên. Bên cạnh những kỷ niệm thời bom đạn khốc liệt, những người lính năm xưa vẫn nhắc lại câu chuyện tình yêu đầy cảm động của hai người.

Hạnh phúc ngắn ngủi

Ngày ấy, Trần Văn Tuấn vừa đẹp trai, vừa thông minh, phải lòng cô gái trẻ Nguyễn Thị Mừng ở làng bên cạnh, hai nhà cách nhau một xóm nhỏ. Thời gian ấy, nhiều người theo đuổi Mừng vì chị đảm đang, hiền lành và nết na, nhưng chị chỉ yêu và chọn anh Tuấn. Năm 1983, chị Mừng và anh Tuấn được 2 bên nội ngoại vun vén, rồi tổ chức đám cưới giản dị, đơn sơ, nhưng ngập tràn hạnh phúc. Về làm dâu, chị Mừng luôn cố gắng làm việc, chu toàn bổn phận dâu hiền, con thảo. Cuộc sống dù thiếu thốn về vật chất, nhưng tình cảm không lúc nào vơi. Hạnh phúc chưa được bao lâu, tháng 3/1984, chàng thanh niên Trần Văn Tuấn theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chấp nhận xa bố mẹ, xa người vợ trẻ để tình nguyện nhập ngũ, tham gia chiến trường Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. “Ngày tiễn anh, tôi không có gì ngoài những lời dặn dò, tâm sự để anh vững tâm lên đường chiến đấu. Dù không hẹn ngày tái ngộ, nhưng tôi vẫn luôn tin rằng anh sẽ nhanh chiến thắng trở về” - bà Mừng lặng lẽ giấu giọt nước mắt lăn dài.

Suốt thời gian chồng tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, thứ duy nhất kết nối họ là những lá thư viết vội. Trong những bức thư mộc mạc gửi về từ chiến trường, bao giờ cũng có một phần gửi bố mẹ, một phần viết riêng cho chị với tất cả tình cảm yêu thương. Anh còn kể về những chiến công cùng đồng đội với đầy tự hào và kiêu hãnh. “Giặc vừa ngừng bắn, anh phải nép vào hang đá, viết thư về cho em…”, “Thôi anh phải dừng bút để hạ chốt và nói cho em biết là anh sẽ về với em…”. Rồi có cả lá thư nhắn nhủ khi biết chị vừa sinh con gái đầu lòng “em nhớ đặt tên con là Thanh Thủy - tên mảnh đất mà anh và đồng đội đã anh dũng chiến đấu”. Anh Tuấn hẹn sau trận đấu thứ 10 sẽ trở về để đón Tết cùng gia đình. Đáp lại chồng, chị Mừng đã gửi đi hàng trăm bức thư theo địa chỉ cũ nhưng đều “bặt vô âm tín”. Vẫn biết chiến tranh không có gì là không thể xảy ra, nhưng chị vẫn mong đợi một tia hy vọng từ chiến trường.

Bà Mừng và con gái xúc động khi đọc lại những dòng thư từ chiến trường năm xưa.

Bà Mừng và con gái xúc động khi đọc lại những dòng thư từ chiến trường năm xưa.

Thế rồi, như một dự cảm chẳng lành, trong bức thư cuối cùng được gửi về quê nhà trước khi người lính trẻ Trần Văn Tuấn hy sinh không còn những hứa hẹn trở về nữa. Người lính ấy quyết tâm “cùng đồng đội chiến đấu tới hơi thở cuối cùng” và nhắn nhủ “tạm biệt em lần cuối”… Ngày 14/1/1985 (tức ngày 24 Tết), anh Tuấn mãi mãi nằm lại tại mảnh đất Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, khi ấy anh mới tròn 20 tuổi.

Mùng 7 Tết năm đó, nhận được giấy báo tử của chồng, chị Mừng như chết lặng. “Vì thương con dâu, thương cháu nhỏ, mẹ chồng tôi đã nén đau thương xây một ngôi mộ gió để tưởng nhớ con trai, dù biết rằng thân xác anh vẫn còn nằm lại chiến trường. Gia đình tôi vẫn đau đáu ước nguyện đưa anh về an táng nơi đất mẹ” - bà Mừng rưng rưng kể lại.

Hành trình tìm hài cốt chồng

Đã nhiều lần bà Mừng một mình vượt hơn 300 km để đến Hà Giang. Bao nhiêu nghĩa trang bà đều có mặt, không bỏ sót dù chỉ một ngôi mộ, nhưng vẫn không thấy ngôi mộ nào có tên chồng mình. Năm 2008, bà Mừng may mắn tìm được những người đồng đội cũ trực tiếp tham gia trận đánh năm ấy cùng anh Tuấn. “Ngày 14/1/1985, bộ đội được lệnh tấn công điểm cao 300 - 400. Bộ binh lên trước, đồng chí Tuấn là bộ đội công binh ở lại làm nhiệm vụ gài mìn. Bất ngờ, giặc bắn pháo thẳng vào cửa hang, vùi lấp 9 chiến sỹ, trong đó có đồng chí Tuấn. Tôi bị thương được các đồng đội đưa đi trong đêm. Sau chiến tranh, cả vùng rừng núi bị tàn phá, tôi không còn nhớ đường dẫn tới hang đá khi ấy nữa” - cựu chiến binh Lưu Hồ Điệp kể lại.

Lá thư chất chứa yêu thương của chiến sỹ Trần Văn Tuấn gửi về cho vợ.

Lá thư chất chứa yêu thương của chiến sỹ Trần Văn Tuấn gửi về cho vợ.

Sau khi kết nối những ký ức của đồng đội xưa, bà Mừng đã xác định được nơi chồng cùng đồng đội nằm xuống là hang Làng Lò, tận chốn rừng xanh của mảnh đất Vị Xuyên. “Thế nhưng, Vị Xuyên ngày ấy vẫn còn sót lại rất nhiều mìn, đạn khiến đơn vị tìm kiếm hài cốt liệt sỹ vô cùng khó khăn. Đội tìm kiếm hài cốt phải dò từng mét rừng trong suốt một tháng ròng, rồi dùng mìn phá cửa hang mới có thể tiếp cận được vị trí anh Tuấn và đồng đội hy sinh. Nhìn thấy các anh nằm đó gối đầu lên nhau, cả đoàn chúng tôi vỡ òa. Chiếc đồng hồ kỷ niệm của hai vợ chồng vẫn nằm bên anh như lời thề vẹn nguyên của tôi sẽ đón anh về đất mẹ” - bà Mừng kể lại.

Đã hơn 10 năm liệt sỹ Trần Văn Tuấn được trở về với đất mẹ, nhưng mỗi khi nhắc lại, nỗi đau chiến tranh lại hiện hữu, day dứt. Những kỷ vật còn sót lại của liệt sỹ Trần Văn Tuấn vẫn được giữ gìn cẩn thận, trong đó có hơn chục bức thư nhuốm màu thời gian. Thỉnh thoảng, bà Mừng vẫn đem những bức thư của chồng ra đọc và những ký ức năm tháng chiến tranh chợt ùa về, thổn thức, lay động. Những lời căn dặn động viên của chồng đã trở thành sức mạnh giúp hai mẹ con bà Mừng vượt qua mất mát, đau thương và những khó khăn của cuộc sống đời thường.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358838-giu-tron-loi-hua-dua-anh-ve-dat-me