Giữ vai trò huyết mạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Công tác bảo trì đường bộ được thực hiện thường xuyên và kịp thời để đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người dân. Ảnh: NHƯ THANH
Được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của cấp ủy và chính quyền tỉnh, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, tạo điều kiện đi lại an toàn, thuận lợi cho người dân cũng như thúc đẩy hoạt động kinh tế, văn hóa, an ninh - quốc phòng; tạo nên mối giao lưu kinh tế giữa các vùng miền.
Có thể khẳng định sau 45 năm giải phóng tỉnh, ngành GT-VT Phú Yên đã có sự phát triển toàn diện trên các mặt, với đầy đủ các loại hình vận tải: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh.
Tập trung nâng cấp, mở rộng
Khi mới tái lập tỉnh (năm 1989), hệ thống GT-VT trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khó khăn. Mạng lưới giao thông đường bộ toàn tỉnh có khoảng 1.582km. Ngoài quốc lộ 1 qua tỉnh đã xuống cấp nặng nề, hệ thống đường tỉnh chủ yếu các tuyến: Phú Lâm - Sông Hinh, liên tỉnh lộ 7 từ Tuy Hòa - Gia Lai, Hòa Đa - Tân Lương, Chí Thạnh - La Hai - Xuân Lãnh, Triều Sơn - La Hai, Sông Cầu - Đa Lộc, La Hai - Xuân Phước - Kỳ Lộ… phần lớn là đường đất (chiếm 65%). Hệ thống đường huyện, xã hầu như 100% là đường đất, ô tô chỉ mới đến được khoảng 70% số xã trong mùa nắng và đi lại rất khó khăn. Kết nối giao thông giữa tỉnh Phú Yên với các tỉnh trong khu vực và cả nước chỉ mới theo trục Bắc - Nam qua quốc lộ 1, đến Tây Nguyên qua đường liên tỉnh lộ 7 (nay là quốc lộ 25). Hạ tầng (bến xe, bãi đỗ xe...) thiếu và xuống cấp; năng lực vận tải, chất lượng dịch vụ vận tải còn nhiều hạn chế.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền tỉnh; đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2020 mạng lưới giao thông không ngừng được nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại; nhiều công trình, dự án đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra. Hàng loạt công trình cũng được đưa vào sử dụng, như: dự án Nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai, đoạn qua địa bàn Phú Yên; cầu Dinh Ông (nối hai huyện Phú Hòa và Tây Hòa, thuộc dự án Tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn nối các huyện, thành phố: Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy Hòa và Tuy An); đường nối quốc lộ 1 đi KCN Hòa Hiệp (giai đoạn 1); hầm đường bộ đèo Cù Mông. Bên cạnh đó, nhiều dự án mới được khởi công đáp ứng sự kỳ vọng của người dân như nút giao thông khác mức Tuyến đường số 2 khu đô thị Nam Tuy Hòa - đường Nguyễn Văn Linh, xây dựng cầu Sông Chùa…
Các tuyến đường tỉnh cũng được chú trọng đầu tư, cải tạo nâng cấp với quy mô và tiêu chuẩn cao, đáp ứng yêu cầu giao thông thuận lợi và an toàn, trong đó nổi bật như ĐT645, ĐT642... Các bến xe tại các địa phương được xây dựng mới theo quy hoạch. Công tác phát triển giao thông ở các huyện, thị, thành phố được đặc biệt quan tâm và đãtrởthành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh. Cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển với 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tăng cường giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội của nhân dân.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng mới các tuyến đường, công tác bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên cũng luôn được quan tâm chú trọng, đã thực hiện tốt đề án đổi mới toàn diện công tác bảo trìđường bộ của Bộ GT-VT.
Điểm sáng giao thông miền núi
Thực hiện các chủ trương của Chính phủ, của tỉnh, ngành GT-VT luôn tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống giao thông phù hợp với quy hoạch phát triển GT-VT của tỉnh.
Những năm qua, tỉnh Phú Yên dành nhiều nguồn lực, tập trung vốn đầu tư xây dựng giao thông nông thôn cho khu vực miền núi. Đến nay, hệ thống giao thông khu vực này đã cơ bản hoàn thiện. Qua đó thúc đẩy giao thương, nâng cao đời sống cho người dân.
Chương trình bê tông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là các Nghị quyết 75, 60 của HĐND tỉnh về ưu tiên xây dựng đường bê tông cho vùng miền núi, đã giúp thay đổi đáng kể bộ mặt vùng này. Có đường kéo theo đó là điện, nhà rông văn hóa và các công trình khác được xây dựng, khai thác hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần, dân trí của người dân cũng dần nâng lên.
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, giao thông ở miền núi Phú Yên đã thuận lợi hơn rất nhiều. Trong vòng 5 năm (2014-2019), Phú Yên đã dành hơn 4.170 tỉ đồng đầu tư phát triển cho miền núi. Trong đó có một phần vốn không nhỏ dành cho đầu tư, xây dựng đường giao thông, góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng miền núi và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Đơn cử như tại huyện Đồng Xuân, những khó khăn, trắc trở trên con đường đến xã Phú Mỡ giờ đã lùi xa khi dự án Nâng cấp đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai (đoạn qua Phú Yên) được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện nay, các loại xe có thể lưu thông đến bất cứ nơi nào của xã Phú Mỡ mà không sợ tắc đường như trước đây. Mùa mưa vừa qua, người dân không còn phải chịu cảnh nguy hiểm lội suối qua đường mà được đi lại trên những cây cầu bê tông vững chắc bắc qua 8 suối lớn. Khi cầu Bá Ngoe (một trong 8 cây cầu trên tuyến) được hoàn thành, người dân Phú Mỡ vui mừng khôn xiết. Mọi người đã cùng nhau tổ chức ăn mừng ngay tại đầu cầu. Công trình đã góp phần rút ngắn thời gian di chuyển, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân. Bộ mặt của Phú Mỡ đổi thay từng ngày khi những tuyến đường dẫn về các buôn nằm sâu trong núi tiếp tục được mở, kéo buôn làng về với trung tâm xã và Phú Mỡ đã “gần” với trung tâm huyện Đồng Xuân hơn. Đường đến Phú Mỡ nay không còn cách trở như xưa.
Tiếp tục hoàn thiện
Những kết quả, thành tựu đạt được đã khẳng định vị thế, vai trò của GT-VT đi trước mở đường, tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Trong thời gian tới, ngành GT-VT tiếp tục hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, bao gồm: đường quốc lộ, đường tỉnh, hệ thống đường giao thông nông thôn và các đầu mối giao thông (bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ…). Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh được ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng.
Trên nền tảng những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành GT-VT tiếp tục tạo bước đột phá mạnh mẽ trong lĩnh vực GT-VT. Một nhiệm vụ lớn mà ngành sẽ triển khai trong năm 2020 là dự án Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên tuyến quốc lộ 25 đi qua địa phận 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên với tổng mức đầu tư 850 tỉ đồng. Tại Phú Yên, dự án sẽ được đầu tư mở rộng đoạn qua TP Tuy Hòa, thị trấn Phú Hòa và đoạn qua xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa. Dự án sẽ được khởi công trong quý II năm nay.
Sở GT-VT cũng sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương siết chặt quản lý hành lang an toàn đường bộ, hệ thống hạtầng giao thông để đảm bảo việc đi lại thuận lợi, an toàn cho người dân. Đơn vị tích cực làm việc với Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không để nâng tần suất bay trên các đường bay nội địa và quốc tế đến Phú Yên; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo khai thác hiệu quả cảng Vũng Rô. Bên cạnh đó, Sở GT-VT cũng sẽthường xuyên kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện…