Giữ văn hóa, đạo đức trong sáng là giữ nhân cách mỗi nhà báo chiến sĩ

Sáng 15-6, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã tổ chức tọa đàm 'Văn hóa nhà báo chiến sĩ'.

Chủ trì buổi tọa đàm gồm các đồng chí: Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo QĐND; Đại tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng biên tập Văn hóa – Thể thao, Phó chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo QĐND; Thượng tá Cát Huy Quang, Trưởng phòng biên tập Quốc phòng-An ninh, Ủy viên Ban chấp hành Liên chi hội Nhà báo Báo QĐND.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tham dự tọa đàm còn có đại diện Hội Nhà báo Việt Nam; các phóng viên, biên tập viên của Báo QĐND.

Thông qua tọa đàm góp phần làm rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa đối với cơ quan báo chí và người làm báo nói chung, Báo QĐND nói riêng; nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về những giá trị cơ bản của văn hóa nhà báo, chiến sĩ Báo QĐND. Qua đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên trong việc xây dựng, bồi đắp, phát triển những giá trị tốt đẹp của văn hóa nhà báo chiến sĩ, góp phần định vị và lan tỏa thương hiệu nhà báo chiến sĩ trong đội ngũ những người làm báo của Báo QĐND.

Buổi tọa đàm nhằm góp phần nhận diện những tiêu chí văn hóa của nhà báo chiến sĩ, khẳng định vị thế, vai trò của nhà báo chiến sĩ Báo QĐND, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu của nhà báo chiến sĩ Báo QĐND trong đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam.

Đại tá Lê Ngọc Long phát biểu đề dẫn tọa đàm.

Đại tá Lê Ngọc Long phát biểu đề dẫn tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo QĐND đề nghị các ý kiến tọa đàm tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ một số vấn đề sau: Sự cần thiết phải phải xây dựng, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của nhà báo chiến sĩ; văn hóa và đạo đức người làm Báo QĐND gồm những tiêu chí nào?; Làm gì, làm như thế nào để góp phần giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp và phát huy tính sáng tạo để nâng tầm văn hóa nhà báo chiến sĩ trong tình hình hiện nay?

Đại tá Lê Ngọc Long đề nghị các ý kiến trao đổi, thảo luận đi sâu vào một số vấn đề cụ thể như: Rèn luyện tác phong sâu sát cơ sở; văn hóa hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi; văn hóa ứng xử trong tiếp xúc với nguồn tin, phỏng vấn nhân vật và trao đổi, đặt bài cộng tác viên; văn hóa tuân thủ pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ; Thực hiện tác phong làm việc khoa học, thực hiện đúng quy trình, kỷ luật làm báo góp phần phòng ngừa sai sót; văn hóa hợp tác, làm việc nhóm trong hoạt động chuyên môn; bảo đảm giá trị văn hóa, giá trị đạo đức trong tác phẩm báo chí...

Nói về vấn đề văn hóa nhà báo chiến sĩ, Trung tá Bùi Thị Thảo, đại diện Chi hội Phòng biên tập Thời sự quốc tế cho biết: Đối với mỗi nhà báo chiến sĩ, văn hóa không chỉ thể hiện ở phạm trù đạo đức, nó còn là bản lĩnh chính trị vững vàng; tầm nhìn chiến lược; kiến thức lý luận, kiến thức nền và kiến thức thực tế sâu rộng; nghiệp vụ tinh thông; trách nhiệm, nhiệt tình, chắc tay nghề, sâu sát thực tế; và trên hết, là nhân cách con người. Trong kỷ nguyên công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, nhà báo chiến sĩ còn cần rèn luyện khả năng học hỏi và áp dụng công nghệ để có thể tác nghiệp trên nhiều nền tảng công nghệ; có bản lĩnh và tri thức, rèn luyện khả năng nhạy bén chính trị để tỉnh táo trước những bẫy “tin giả”, để gạn lọc những thông tin chính xác, kịp thời đưa đến cho độc giả.

Trao đổi về vấn đề “Xây dựng tiêu chí văn hóa và đạo đức người làm báo Báo QĐND", Thượng tá Mè Quang Thắng, đại diện Chi hội Phòng Công tác Đảng, công tác Chính trị nhấn mạnh: Mỗi cán bộ, hội viên phải tự đặt ra câu hỏi và tự trả lời, làm gì, làm thế nào để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, để luôn thấy vinh dự và tự hào được công tác ở Báo QĐND - tờ báo do Bác Hồ đặt tên. Chúng ta phải làm gì để không hổ thẹn với thế hệ đi trước, không hổ thẹn với 9 cán bộ, phóng viên của Báo QĐND đã hy sinh anh dũng khi đang tác nghiệp ngoài mặt trận, cùng nhiều cán bộ, phóng viên bị thương và chịu hậu quả của chất độc hóa học trong chiến tranh. Sự nỗ lực vượt khó, quyết tâm của từng người, chính là yếu tốt quyết định làm sâu sắc hơn tiêu chí văn hóa và đạo đức người làm Báo QĐND.

Thượng tá Mè Quang Thắng chia sẻ về vấn đề “Xây dựng tiêu chí văn hóa và đạo đức người làm báo Báo QĐND".

Thượng tá Mè Quang Thắng chia sẻ về vấn đề “Xây dựng tiêu chí văn hóa và đạo đức người làm báo Báo QĐND".

Trung tá Nguyễn Văn Chiển, đại diện Chi hội Phòng Quốc phòng-An ninh trao đổi về vấn đề “Rèn luyện tác phong, nâng cao trình độ hiểu biết quân sự, quốc phòng, xây dựng vị thế, hình ảnh nhà báo chiến sĩ” nhấn mạnh: Việc rèn luyện tư thế, tác phong, trình độ hiểu biết về quân sự đối với phóng viên Phòng Biên tập Quốc phòng-An ninh nói riêng, của toàn tòa soạn chúng ta nói chung là hết sức cần thiết. Chính điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt so với đồng nghiệp các báo bạn, góp phần xây dựng vị thế, hình ảnh nhà báo chiến sĩ.

Trung tá Nguyễn Văn Chiển trao đổi về vấn đề “Rèn luyện tác phong, nâng cao trình độ hiểu biết quân sự, quốc phòng, xây dựng vị thế, hình ảnh nhà báo chiến sĩ”.

Trung tá Nguyễn Văn Chiển trao đổi về vấn đề “Rèn luyện tác phong, nâng cao trình độ hiểu biết quân sự, quốc phòng, xây dựng vị thế, hình ảnh nhà báo chiến sĩ”.

Phát biểu về vấn đề “Thực hiện văn hóa ứng xử trong tiếp xúc với nguồn tin, phỏng vấn nhân vật và trao đổi, đặt bài cộng tác viên”, Trung tá Đặng Thu Hà, phóng viên, Phòng Biên tập Văn hóa-Thể thao nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa ứng xử cần được chúng ta quan tâm hơn lúc nào hết bởi ranh giới rất mong manh giữa ảo và thật, giữa cuộc sống bên ngoài và trên mạng có nhiều thay đổi cả tích cực lẫn tiêu cực. Với người làm trong lĩnh vực báo chí, văn hóa ứng xử là chìa khóa của thành công. Nó giúp kết nối các mối quan hệ và tạo nền tảng tin cậy lẫn nhau, trong đó có nguồn tin. Tôi nghĩ rằng nguồn tin tốt thì bài viết của phóng viên sẽ tốt.

 Trung tá Đặng Thu Hà nêu ý kiến tại tọa đàm.

Trung tá Đặng Thu Hà nêu ý kiến tại tọa đàm.

Trung tá Nguyễn Bá Hiên, Trưởng ban đại diện Báo QĐND tại TP Cần Thơ cho rằng: Ban đại diện tọa đàm có nhiều ý kiến hay. Mỗi nhà báo chiến sĩ phải nắm bắt các nội dung của văn hóa vùng, miền bởi mỗi vùng, miền đều có những đặc thù hoàn toàn khác nhau. Trung tá Nguyễn Bá Hiên cho rằng, các phóng viên phải đi đến nhiều hơn nữa các vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc để các bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống.

Trung tá Nguyễn Bá Hiên, Trưởng ban đại diện Báo QĐND tại TP Cần Thơ phát biểu ý kiến

Trung tá Nguyễn Bá Hiên, Trưởng ban đại diện Báo QĐND tại TP Cần Thơ phát biểu ý kiến

Đại diện Chi hội Phòng Thư ký tòa soạn trao đổi về vấn đề “Xây dựng tác phong làm việc khoa học, thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật làm báo góp phần phòng ngừa sai sót”, Đại úy Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh: Trong quá trình biên tập, trình bày báo có rất nhiều tình huống xảy ra, chẳng hạn sai sót về tên, chức vụ, địa danh, ảnh, chú thích ảnh, hay việc cộng tác viên gửi đăng bài đã đăng trên báo khác; thư ký tòa soạn, trong đó có người biên tập hiệu đính khi phát hiện được phải trao đổi với tác giả, phòng biên tập để sửa hoặc báo cáo với lãnh đạo tòa soạn để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định của cơ quan và Luật Báo chí… Khi xử lý công việc, chúng tôi phải linh hoạt mà vẫn phải bảo đảm thực hiện đúng quy trình, kỷ luật làm báo, đặc biệt là công tác trao đổi, báo cáo về chuyên môn. Không những thế, chúng tôi cũng chịu áp lực lớn về thời gian, vì đặc thù công việc liên quan chặt chẽ đến các khâu khác trong quy trình, đặc biệt là khi đảm nhiệm trực trong những ngày diễn ra các sự kiện quan trọng, tin, bài muộn; hay khi phải thực hiện nhiều ấn phẩm trong cùng một thời điểm, nhất là trong dịp làm báo Tết … Do đó, nếu không có tác phong, phương pháp làm việc khoa học, phù hợp, chúng tôi sẽ rất khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.

 Đại úy Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

Đại úy Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

"Để có phương pháp, tác phong công tác khoa học, nghiêm túc, theo tôi, trước hết phải thực hiện nghiêm quy trình làm báo, có kế hoạch khoa học, cụ thể, tỉ mỉ, cẩn trọng, đặt yếu tố an toàn, phòng ngừa sai sót lên hàng đầu, bởi đây là yếu tố góp phần giữ vững vị thế, uy tín của tờ báo. Biên tập viên Ban Biên tập-Hiệu đính chúng tôi cũng như toàn thể Phòng Thư ký tòa soạn luôn xác định, việc xây dựng tác phong làm việc khoa học, thực hiện đúng quy trình làm báo là yếu tố quan trọng tạo ra sự chính quy, thống nhất, đem lại hiệu quả cao trong công việc, hình thành nét đẹp văn hóa nhà báo chiến sĩ", Đại úy Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.

Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, Phòng biên tập Báo QĐND Cuối tuần nói về niềm đam mê, dấn thân, tận hiến với nghề nghiệp chia sẻ: “Dấn thân” trở thành động lực vượt qua khó khăn. Trong cuộc sống, hoạn nạn là điều không ai đoán trước được. Nó có thể đến bất cứ lúc nào và trong một lần đi công tác, tôi đã rơi vào hoàn cảnh như vậy. Khi điều trị, tôi luôn nghĩ đến những vùng đất đã đi qua. Dù bị khá nặng, nhưng thật lòng là tôi luôn khát khao được đi, được bay nhảy. Ý nghĩa đó thôi thúc tôi cố gắng trong từng bài tập phục hồi. Có những lúc mệt, buồn nhưng mơ ước được đi những chuyến công tác trở lại là động lực lớn nhất để tôi vượt qua.

 Thiếu tá Phạm Văn Tuấn tại tọa đàm.

Thiếu tá Phạm Văn Tuấn tại tọa đàm.

Trung tá Nguyễn Chiến Thắng, đại diện Chi hội Phòng biên tập Kinh tế, Xã hội, Nội chính chia sẻ về vấn đề “Nhà báo chiến sĩ trên mặt trận thông tin nội chính”: Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần của nhà báo, chiến sĩ. Cũng như bao phóng viên nội chính của Báo Quân đội nhân dân, các phóng viên theo dõi mảng nội chính của Phòng Biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính vẫn luôn nêu cao tinh thần nhà báo, chiến sĩ, sẵn sàng chịu khó, chịu khổ, để những dòng thời sự nội chính nóng hổi luôn đến được bạn đọc một cách nhanh nhất, chính xác nhất.

 Trung tá Nguyễn Chiến Thắng, đại diện Chi hội Phòng biên tập Kinh tế, Xã hội, Nội chính chia sẻ về vấn đề “Nhà báo chiến sĩ trên mặt trận thông tin nội chính”.

Trung tá Nguyễn Chiến Thắng, đại diện Chi hội Phòng biên tập Kinh tế, Xã hội, Nội chính chia sẻ về vấn đề “Nhà báo chiến sĩ trên mặt trận thông tin nội chính”.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Đại tá Lê Ngọc Long nhấn mạnh: 10 tham luận là 10 cách nhìn, là 10 sự tham chiếu giữa lý luận và thực tiễn hoạt động làm báo và xây dựng tòa soạn văn hóa ở Báo QĐND. Đó là những suy nghĩ, tình cảm và sự thể hiện trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Đó cũng chính là sự thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị của mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, họa sĩ ở từng phòng, ban, cơ quan đại diện và toàn tòa soạn trong việc rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất, đạo đức, lối sống trong hoạt động nghiệp vụ và cuộc sống đời thường để giữ gìn uy tín, vị thế và hình ảnh của Báo QĐND.

Đại tá Lê Ngọc Long chia sẻ: Văn hóa là cái còn lại cuối cùng khi tất cả những cái khác đã mất đi. Giữ gìn văn hóa, tu dưỡng đạo đức nhà báo chiến sĩ là giữ gìn và nuôi dưỡng sức mạnh nội sinh để Báo QĐND ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, xứng đáng với vị thế là một trong những tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước, là một trong 6 cơ quan báo chí phát triển theo mô hình đa phương tiện, định hướng dư luận theo quy hoạch hệ thống báo chí của Chính phủ.

“Thông qua buổi tọa đàm này, Ban chấp hành Liên chi hội kêu gọi mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, họa sĩ, nhân viên, chiến sĩ của Báo QĐND với trách nhiệm và tình cảm của mình ra sức học tập, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của Báo QĐND đã hun đúc, chắt lọc bằng máu, nước mắt và công sức của nhiều thế hệ người làm báo Báo QĐND trong suốt gần 80 năm qua”, Đại tá Lê Ngọc Long khẳng định.

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/giu-van-hoa-dao-duc-trong-sang-la-giu-nhan-cach-moi-nha-bao-chien-si-731233