Giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô

Thủ đô Hà Nội là địa bàn chiến lược quan trọng, để bảo đảm tình hình an ninh trật tự (ANTT), thời gian qua, lực lượng Công an TP Hà Nội đã không ngừng nỗ lực đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm tội phạm, sáng tạo các mô hình đấu tranh mới nhằm tăng hiệu quả trong bảo đảm ANTT bảo vệ bình yên cho nhân dân.

Thủ đô Hà Nội là địa bàn chiến lược quan trọng, để bảo đảm tình hình an ninh trật tự (ANTT), thời gian qua, lực lượng Công an TP Hà Nội đã không ngừng nỗ lực đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm tội phạm, sáng tạo các mô hình đấu tranh mới nhằm tăng hiệu quả trong bảo đảm ANTT bảo vệ bình yên cho nhân dân.

Năm 2019, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, sự cạnh tranh giữa các nước lớn tác động nhiều mặt đến hợp tác quốc tế và bảo đảm ANTT. Trong nước, áp lực gia tăng tội phạm ngày càng lớn, nguy cơ tai nạn giao thông, cháy nổ vẫn còn nghiêm trọng… đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ bảo đảm ANTT trên địa bàn Thủ đô. Do đó, Công an TP Hà Nội đã thực hiện nhiều phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT, giữ vững thế chủ động, không để bất ngờ đột xuất.

Năm 2019, Công an thành phố tập trung phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả đối với tội phạm liên quan hoạt động kinh doanh tài chính trái phép, tín dụng đen. Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, từ năm 2016, Công an TP Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch 231, với lộ trình cụ thể theo từng năm, từ các bước nhận diện, đánh giá đúng hoạt động tội phạm liên quan tín dụng đen, đến tổ chức điều tra cơ bản và tiến công, triệt phá, đến nay đã đạt hiệu quả tích cực. Đây cũng là cơ sở thực tiễn quan trọng phục vụ lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo nhân rộng trong phạm vi cả nước, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 ngày 25-4-2019 về tăng cường đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen. Trước những diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, Công an TP Hà Nội đã tổng kết ba năm thực hiện Kế hoạch 231 và nâng tầm kế hoạch lên thành Chuyên đề 231. Qua đó, đạt được những kết quả tích cực, góp phần đấu tranh làm giảm loại tội phạm liên quan tín dụng đen. Trong năm 2019, xảy ra 254 vụ việc (giảm 179 vụ tương đương 41,3% so năm 2018), triệt phá và làm tan rã 47 ổ, nhóm tội phạm có tổ chức, trong đó triệt phá 39 ổ nhóm, bắt 191 đối tượng. Điển hình như vụ việc bắt giữ Quang Rambo cùng đồng bọn, có hành vi cho vay nặng lãi và dùng hung khí đi đòi nợ thuê. Đây là một nhân vật giang hồ “đình đám” trên mạng xã hội, được nhiều người quan tâm; vụ triệt phá ổ nhóm cho vay nặng lãi của đối tượng Triệu Đình Hoan cùng hàng chục đồng phạm… Cùng với đó, Công an TP Hà Nội đã ký quy chế phối hợp công an 10 tỉnh, thành phố để phòng ngừa, đấu tranh, trao đổi thông tin, quản lý các đối tượng hoạt động tín dụng đen là người tỉnh ngoài, hoạt động lưu động; phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để đấu tranh với tội phạm tín dụng đen cấu kết, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng.

Trước tình trạng “bóng cười” ồ ạt xuất hiện ở nhiều địa bàn, nhất là các đô thị lớn làm ảnh hưởng tới đời sống xã hội, nhất là một bộ phận người trẻ, Công an TP Hà Nội đã kịp thời ngăn chặn, triệt phá. Theo đó, xác định hoạt động kinh doanh khí N20 (bóng cười), shisha tiềm ẩn phức tạp về ANTT, có trường hợp kết hợp với sử dụng ma túy gây ra chết người, nhưng chế tài xử lý chưa được quy định cụ thể. Với tinh thần chủ động, quyết liệt, Công an thành phố đã báo cáo, xin ý kiến Bộ Công an. Đồng thời, phối hợp Cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức 10 ngày ra quân đồng loạt kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn liên quan hoạt động tàng trữ, kinh doanh, sử dụng khí N2O, shisha vì mục đích vui chơi, giải trí đã đạt nhiều kết quả (thu giữ hàng trăm bình khí N20, gần 30 nghìn quả bóng, 1.100 hộp thuốc shisha)... Qua đó, Công an thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố kiến nghị Chính phủ có biện pháp quản lý các chất nêu trên.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường tính tương tác với người dân, Công an TP Hà Nội đã nâng cấp trang thông tin điện tử thành phố thành Cổng thông tin điện tử, với chuyên mục giải đáp trực tuyến những kiến nghị, phản ánh của người dân. Công an thành phố đang nghiên cứu để đưa các dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng thông tin điện tử; trước mắt là triển khai dịch vụ kê khai trực tuyến mức độ 3 “cấp thẻ căn cước công dân”. Tháng 6-2019, Công an thành phố đã thử nghiệm thành công và triển khai Fanpage trên mạng xã hội Facebook, nhằm tiếp cận, giải đáp kịp thời những kiến nghị, phản ánh của người dân và tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Đến nay, trang Fanpage đã có hơn 114 nghìn lượt thích, 119.500 lượt người theo dõi; 14,1 triệu lượt người tiếp cận bài viết. Đây chính là cơ sở để Công an TP Hà Nội thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và định hướng dư luận. Trong năm 2019, thông qua hoạt động của Fanpage đã tiếp nhận, phân loại, giải quyết tin báo từ hơn 10.300 tài khoản Facebook phản ánh các nội dung liên quan ANTT; chuyển các đơn vị giải quyết 261 tin báo của người dân. Trước những hiệu quả tích cực Fanpage đem lại, một số Công an địa phương đã đến trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng Trung tâm thông tin chỉ huy và triển khai trang Fanpage trên mạng xã hội.

Cũng trong năm qua, Công an thành phố đã tham mưu Thành ủy Hà Nội triển khai hiệu quả Đề án 08 về phòng ngừa, ngăn chặn, giải quyết hoạt động tập trung đông người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn trong tình hình mới, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, cơ sở quan trọng để huy động cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ lực lượng vũ trang thành phố đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình, tập trung đông người, biểu tình, bạo loạn lật đổ, giải quyết phức tạp không để phát sinh thành điểm nóng về ANTT.

LÊ TÚ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/43063402-giu-vung-an-ninh-trat-tu-tren-dia-ban-thu-do.html