Giữ vững ANTT, tạo môi trường thuận lợi để phát triển
Theo Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, trong chặng đường phát triển 50 năm của thành phố, kể từ ngày 30/4/1975 đến nay, công tác giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của lực lượng Công an thành phố đóng vai trò quan trọng, đảm bảo môi trường thuận lợi cho bước chuyển mình toàn diện của thành phố mang tên Bác.
Những năm tháng oai hùng
“Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lên việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Công an thành phố, ngay từ giai đoạn đầu cho đến hiện nay và mai sau. Thông qua công tác bảo vệ ANTT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Công an thành phố cũng từng bước trưởng thành và đạt được nhiều chiến công xuất sắc. 50 năm, chặng đường 1/2 thế kỷ, việc đánh giá các thành tựu mà thành phố đã đạt được cũng là cơ hội để Công an TP Hồ Chí Minh điểm lại những dấu son trong lịch sử hoạt động của mình”, Trung tướng Lê Hồng Nam nhấn mạnh.

Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ trao thưởng cho các cá nhân và tập thể thuộc Công an TP. Hồ Chí Minh vì có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trong giờ phút lịch sử hào hùng 11h30’ ngày 30/4/1975, khi xe tăng Quân giải phóng húc đổ cánh cổng thép của Dinh Độc Lập, nội các chính phủ Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, người dân Sài Gòn - Gia Định đổ ra đón chào Quân Giải phóng, cán bộ chiến sĩ thuộc Lực lượng An ninh khu Sài Gòn - Gia Định (Ban An ninh T4) có nhiệm vụ vô cùng quan trọng là chiếm giữ, bảo toàn tuyệt đối hồ sơ, tài liệu ở 3 cơ quan trọng yếu của địch là Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, Nha Cảnh sát đô thành Sài Gòn và Ty Cảnh sát Gia Định.
Thời điểm đó, lực lượng An ninh T4 chia làm ba cánh: Một cánh do đồng chí Thái Doãn Mẫn (sau này là Đại tá, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh) cùng đồng chí Lê Văn Thiện (sau này là Đại tá, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh) chỉ huy lực lượng, phần lớn là trinh sát vũ trang tiến về Sài Gòn theo hướng Tây Nam với nhiệm vụ chiếm lĩnh Tổng nha Cảnh sát.
Cánh thứ hai do đồng chí Lê Thanh Vân (sau này là Thiếu tướng, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh), người phụ trách điệp báo của An ninh T4 chỉ huy có nhiệm vụ chiếm lĩnh Nha Cảnh sát đô thành. Cánh thứ ba do đồng chí Bùi Quang Hảo (sau này là Đại tá, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh) chỉ huy có nhiệm vụ chiếm lĩnh Ty Cảnh sát Gia Định…
Nhờ sự chủ động theo kế hoạch từ lúc khởi động Chiến dịch Hồ Chí Minh, sự hỗ trợ đắc lực của các cơ sở nội tuyến, ba cánh quân An ninh T4 đã chiếm giữ ba cơ quan quan trọng nhất của Cảnh sát chế độ Việt Nam Cộng hòa gần như không phải đổ máu. Hai ngày sau, tức 2/5/1975, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn từ Hà Nội vào Sài Gòn đã đánh giá: “Ta đã chiếm được một “kho báu” mà địch để lại. Nó là vô giá…”. Chính nhờ “kho báu vô giá” này, lực lượng An ninh T4 hay Ban An ninh nội chính, Sở Công an thành phố (Công an thành phố sau này) đã có “chìa khóa” để “giải mã” nhiều tổ chức phản động, nhiều kế hoạch hậu chiến của địch, nhiều băng cướp rất nguy hiểm…
Từ những năm đầu sau giải phóng là thời gian cực kỳ khó khăn, gian khổ. Tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Công an thành phố tập trung chỉ đạo huy động các lực lượng, liên tục tấn công trấn áp, phá rã hàng trăm tổ chức, nhen nhóm phản động, truy bắt nhiều tên phản động đầu sỏ nguy hiểm, phá tan nhiều âm mưu chuẩn bị gây biến động chính trị, hoạt động vũ trang, phá nhiều tổ chức khi chúng mới hình thành, dần dần ổn định tình hình chính trị, xã hội ở địa bàn thành phố. Nổi bật là nhen nhóm các tổ chức phản động có danh xưng “Phục quốc”, “Hội đồng lãnh đạo quốc gia”, đặc biệt là tổ chức “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam” do Nguyễn Văn Vàng cầm đầu (tháng 8/1977 đến tháng 2/1978)…
Trên lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm hình sự, lực lượng Công an thành phố liên tục mở các đợt tấn công, truy quét, bắt hàng chục ngàn tên, triệt phá hàng trăm băng, ổ, nhóm lưu manh chuyên nghiệp, trong đó có nhiều băng cướp, bắt cóc có vũ trang, điển hình là băng cướp giết người đốt xác của Võ Văn Đắc (từ tháng 7/1976 đến tháng 12/1976), băng cướp có vũ trang của Võ Tùng Hội (tháng 6/1977), băng cướp bắt cóc tống tiền do tên Nguyễn Thanh Tân cầm đầu (từ tháng 11/1977 đến tháng 2/1979)…
Vừa tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, lực lượng Công an cũng vừa xây dựng lực lượng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần đưa thành phố vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Trong buổi làm việc với Ban Giám đốc Sở Công an thành phố vào tháng 11/1979, đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đánh giá: “Công an là lực lượng mũi nhọn đã cùng với các ngành và nhân dân giữ vững ANTT, không để xảy ra bạo loạn, đó là thành tích lớn của Công an”.
Bảo vệ vững chắc những thành quả
Theo Trung tướng Lê Hồng Nam, từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới (1986) đến nay, đất nước ta nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đã có nhiều thay đổi tích cực về kinh tế - xã hội. Dù vậy, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu, ý đồ xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong âm mưu của mình, các thế lực thù địch luôn xác định TP Hồ Chí Minh là một địa bàn trọng điểm, có tác động to lớn đối với tình hình an ninh chính trị, kinh tế xã hội của cả nước.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Thành ủy, UBND thành phố và sự ủng hộ tích cực của quần chúng nhân dân, Công an thành phố đã tập trung huy động các lực lượng, liên tục tấn công trấn áp, phá rã hàng ngàn tổ chức, nhen nhóm phản động, truy bắt nhiều tên phản động đầu sỏ nguy hiểm, phá tan nhiều âm mưu gây biến động chính trị, hoạt động vũ trang, phá nhiều tổ chức khi chúng mới hình thành…
Qua đó, lực lượng Công an thành phố đã ngăn chặn, làm thất bại tất cả các âm mưu của các thế lực thù địch thực hiện trên địa bàn nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tạo điều kiện thuận lợi để TP Hồ Chí Minh phát triển kinh tế - xã hội.
Từ năm 1997 đến nay, TP Hồ Chí Minh cùng với cả nước tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, Công an thành phố tiếp tục chiến đấu để bảo vệ những thành quả trong sự nghiệp đổi mới. Đây là giai đoạn xuất hiện nhiều loại tội phạm “phi truyền thống”, như: Lừa đảo, cờ bạc, văn hóa phẩm độc hại trên không gian mạng; tội phạm ma túy, buôn lậu, rửa tiền quy mô lớn xuyên biên giới; tội phạm trong hoạt động chứng khoán, tiền ảo... Công an thành phố cùng với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã trưởng thành qua đấu tranh trường kỳ, gian khổ, đủ trình độ, bản lĩnh để phát hiện, xử lý các loại tội phạm mới này.
Trong suốt quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự xã hội, lực lượng Công an thành phố luôn quán triệt thực hiện phương châm “Lấy chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở làm địa bàn trọng tâm tập trung các biện pháp phòng, chống tội phạm”. Với khẩu hiệu “Một vụ cướp giật tài sản là một vụ trọng án”, Công an thành phố đã thành lập các Tổ 363 thuộc Công an thành phố và Công an địa phương hoạt động 24/24h để chủ động răn đe, đồng thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm phạm pháp luật.
Công an TP Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong về ngăn ngừa và kéo giảm đi đến triệt tiêu các nguyên nhân điều kiện nảy sinh tội phạm đường phố, đấu tranh triệt để các loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”… Đặc biệt, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, Công an thành phố đã ghi dấu với nhiều chiến công, triệt phá nhiều đường dây lớn, nguy hiểm, các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia có yếu tố nước ngoài và hoạt động điều chế, chiết xuất tiền chất ma túy, sản xuất ma túy trên địa bàn thành phố…
Kết quả đấu tranh với các loại tội phạm đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm cao, sự nhạy bén, linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng Công an thành phố trong những giai đoạn nhất định và cả trong điều kiện khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, mục tiêu cao nhất là kéo giảm các loại tội phạm, góp phần xây dựng xã hội ổn định, người dân sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, bình yên…
Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh, từ năm 1975 đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an tặng nhiều danh hiệu cao quý: 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (2024, 1981); Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Chiến công hạng II (1985); 2 Huân chương Quân công hạng I, III; 2 Huân chương Lao động hạng I, II (1997, 2004); 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng I (2005, 2007), 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng III (2006)…