Giữ vững động lực tăng trưởng

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng qua đã vượt 511,11 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu hơn 19 tỷ USD đã cho thấy, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục giữ vững vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Theo Ngân hàng Thế giới, trong nửa đầu năm, động lực từ xuất khẩu công nghiệp chế biến chế tạo đã góp phần nâng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam lên cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chỉ 5% của nửa đầu năm ngoái. Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu trong nửa đầu năm nay để tăng đơn hàng, nhất là ở các thị trường đối tác thương mại lớn. Sản lượng sản xuất công nghiệp Việt Nam tăng mạnh, đóng góp đến ¼ tăng trưởng GDP.

Không chỉ có công nghiệp chế biến chế tạo, ngành gỗ đang về đích xuất khẩu 14,2 tỷ USD, dệt may cũng đang tiến dần tới mục tiêu 44 tỷ USD. Nhiều ngành hàng khác như phần cứng, điện tử, máy móc cũng đều tăng trưởng ấn tượng...

Nhiều chuyên gia đánh giá, xuất khẩu các tháng đầu năm khả quan là nhờ hiệu quả của các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tận dụng tốt những ưu đãi trong các FTA. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt, bão số 3 gây thiệt hại cho đất nước khoảng 40.000 tỷ đồng, ước giảm khoảng 0,15% GDP năm 2024. Song trong bối cảnh khởi sắc của thị trường quốc tế, xuất nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP trong những tháng cuối năm.

Thực tiễn đã chứng minh, sau gần 40 năm đổi mới, giao thương quốc tế đã dần đưa nước ta trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 35 thế giới với GDP đạt 435 tỷ USD, có độ mở lớn với tỷ trọng thương mại quốc tế gần gấp hai lần GDP.

Nhờ chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nên chỉ trong một thời gian rất ngắn, chúng ta đã ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương với các nền kinh tế lớn; cũng như các hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần và nhiều hiệp định, điều ước quốc tế khác liên quan đến thương mại, đầu tư, thuế quan, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa... để phát triển thương mại cũng như thu hút đầu tư cả trực tiếp lẫn gián tiếp từ nước ngoài.

Năm 2023, Việt Nam thu hút 468,9 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 39.140 dự án từ 144 quốc gia và vùng lãnh thổ. 8 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8%.

Giao thương quốc tế cũng đem lại cơ hội lớn cho nông nghiệp Việt Nam với hàng chục mặt hàng xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, cà-phê, cao-su, hồ tiêu, điều, chè, rau quả, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Trong đó, nhiều mặt hàng vươn lên nhóm dẫn đầu thế giới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý, những cạnh tranh gay gắt về địa chính trị, xung đột khu vực đang ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế-xã hội, việc làm và thu nhập của người dân ở phạm vi toàn cầu, thông qua các biện pháp cấm vận, trừng phạt kinh tế, bảo hộ mậu dịch, tăng giá cước vận tải, nguyên-nhiên vật liệu đầu vào...

Ngoài ra, việc kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào xuất khẩu và FDI cũng có thể xem là một thách thức lớn, nhất là khi phần lớn khu vực kinh tế tư nhân trong nước hay khối doanh nghiệp nhà nước còn đang trong quá trình cơ cấu lại sản xuất, sản phẩm và thị trường.

Thế nên, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư các hệ thống cảng biển, đường thủy nội địa, cảng hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, internet tốc độ cao, năng lượng quốc gia... cũng cần sớm hình thành các trung tâm tài chính quốc tế, các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu - chuyển giao công nghệ..., làm nền tảng vững chắc để tăng cường nội lực, chủ động kết nối giao thương với cả thế giới, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-vung-dong-luc-tang-truong-post481061.html