Giữ vững GPA 4.0 toàn khóa: Bí quyết học tập của sinh viên Sư phạm xuất sắc
Với GPA tuyệt đối 4.0 và điểm rèn luyện 100/100, Nguyễn Phương Anh – sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – là người duy nhất trong toàn khóa đạt thành tích toàn diện năm 2025. Phía sau bảng điểm xuất sắc ấy là hành trình học tập nghiêm túc, hiểu rõ bản thân và không ngừng cải tiến phương pháp học.
Hiểu rõ bản thân để học hiệu quả
Không học ngày học đêm, cũng không sống khép mình trong sách vở, Phương Anh bắt đầu chia sẻ về bí quyết học tập bằng một điều đơn giản: “Phải hiểu rõ cơ thể mình.”
“Buổi sáng mình thường tỉnh táo kém hơn, nhưng thay vì nuông chiều bản thân, mình đăng ký các lớp học buổi sáng để ép mình vào khuôn khổ – có thầy cô, bạn bè cùng học sẽ giúp mình tiếp thu tốt hơn,” Phương Anh nói.

“Hiểu rõ bản thân là bước đầu tiên để học hiệu quả.” - Nguyễn Phương Anh
Khoảng thời gian chiều và tối, khi đầu óc minh mẫn nhất, cô dành cho việc tự học, đọc thêm tài liệu, nghiên cứu chuyên sâu. Quan điểm của Phương Anh là hạn chế học bài khuya: “Nếu thức khuya, mình sẽ rất mệt vào hôm sau. Ngủ đủ, ăn đủ là điều kiện cơ bản để học tốt.”
Việc sắp xếp thời gian không cứng nhắc, nhưng luôn có chiến lược. Phương Anh duy trì lịch học đều đặn và chọn lọc, có giờ nghỉ giữa các phiên học dài để giữ sự tập trung bền vững.
Quản lý thời gian bằng công nghệ, học bằng nhiều cách khác nhau
Khi được hỏi đâu là “chìa khóa vàng” trong việc học, Phương Anh nói ngay: quản lý thời gian. Cô bạn áp dụng phương pháp Pomodoro: học 50 phút, nghỉ 10 phút. Đồng thời, sử dụng ứng dụng YPT để ghi lại thời gian học trong ngày: “Nhìn vào số liệu cụ thể, mình biết mình đã học được bao nhiêu, hiệu suất thế nào, tránh rơi vào cảm giác chủ quan là ‘học nhiều rồi’.”
Bên cạnh việc quản lý thời gian, Phương Anh cũng vận dụng đa dạng các phương pháp học hiện đại:
Spaced repetition (lặp lại ngắt quãng): Đây là phương pháp được chứng minh giúp cải thiện trí nhớ dài hạn bằng cách ôn lại thông tin theo chu kỳ tăng dần. Phương Anh cho biết, cách này giúp cô không bị “học trước – quên sau”, đặc biệt hiệu quả với từ vựng tiếng Anh và khái niệm học thuật.
Mind map (sơ đồ tư duy): Thay vì ghi chép dàn trải, cô sử dụng sơ đồ tư duy để liên kết các ý tưởng theo cấu trúc nhánh, từ đó dễ nhìn, dễ nhớ và hình dung tổng thể nội dung. “Đây là cách mình dùng để ôn tập nhanh trước các bài kiểm tra lớn.”
Cornell notes: Phương pháp ghi chú khoa học này giúp cô phân chia rõ ràng ba vùng: ghi bài – tóm tắt – phản hồi, rất tiện cho việc ôn tập và tự kiểm tra kiến thức. Phương Anh thường dùng kiểu ghi này trong các buổi học trên lớp hoặc học nhóm.
Flashcard: Những thẻ ghi nhớ nhỏ gọn giúp Phương Anh học từ mới, thuật ngữ chuyên ngành và các cấu trúc ngữ pháp nhanh chóng, tiện lợi. Cô thường tận dụng thời gian rảnh (trên xe buýt, lúc chờ đợi) để ôn lại kiến thức qua flashcard.
Dạy lại bài cho bạn bè: Đây là một cách “kiểm tra ngược” giúp Phương Anh phát hiện chỗ mình chưa hiểu. “Nếu mình có thể giải thích được cho người khác thì chắc chắn là mình đã hiểu sâu,” cô nói.
Cô còn sử dụng công cụ AI để tạo thêm bài luyện tập, nâng cao năng lực cá nhân hóa trong học tập. Với môn chuyên ngành là tiếng Anh, Phương Anh không chỉ học qua sách giáo trình mà tiếp cận ngôn ngữ qua phim ảnh, sách báo, và podcast.

“Mình thường ghi lại những cụm từ hay, cấu trúc tốt rồi đưa vào flashcard. Mỗi ngày mình ôn lại và tìm cách dùng trong viết học thuật hoặc giao tiếp.” – Phương Anh chia sẻ.
Một phương pháp quan trọng không kém mà Phương Anh luôn thực hiện là “Học từ thất bại”. Không phải lúc nào mọi nỗ lực cũng được đền đáp ngay. Có những lúc dù cố gắng rất nhiều, Phương Anh vẫn không đạt kết quả như kỳ vọng. Nhưng thay vì bỏ cuộc, cô học cách đánh giá lại một cách khách quan và tiếp tục phấn đấu.
“Mình tin rằng ước mơ vẫn luôn đợi mình ở phía trước. Việc để hụt mất một danh hiệu hay một kết quả nào đó không quyết định mình là ai.”
Cô chọn cách chia nhỏ mục tiêu, tập trung vào 1-2 việc quan trọng nhất trong ngày. Bằng cách duy trì được nhịp độ ổn định, kiên định với mục tiêu và không quá khắt khe với chính mình, Phương Anh bước qua từng giai đoạn với sự bình tĩnh và bản lĩnh.
Vừa học, vừa hoạt động Đoàn - Hội
Không chọn cách “cắm đầu học” để lấy điểm, Phương Anh dành nhiều thời gian cho hoạt động ngoại khóa. Cô từng là Ủy viên BCH Hội Sinh viên Trường, Liên chi Hội Trưởng Khoa Tiếng Anh, Trưởng ban truyền thông Khoa, và phụ trách các chương trình thiện nguyện lớn như “Gieo hạt nắng”, “Sứ giả xanh – Trao điều lành”.
“Hoạt động Đoàn - Hội mang đến cho mình rất nhiều cơ hội: từ rèn kỹ năng tổ chức, lãnh đạo, truyền thông, đến học cách làm việc nhóm, xử lý khủng hoảng… Nhưng cũng đòi hỏi khả năng sắp xếp thời gian cực kỳ chặt chẽ.”

Nhờ hoạt động Đoàn - Hội đã giúp Phương Anh trưởng thành, biết sắp xếp thời gian, làm việc nhóm và quản lý công việc hiệu quả
Thay vì làm việc “rải rác suốt cả ngày”, Phương Anh dậy sớm, giải quyết phần việc của hoạt động ngoại khóa vào buổi sáng, dành thời gian còn lại cho học tập. Với vai trò quản lý, cô cũng chú trọng vào việc đào tạo nhân sự, giao nhiệm vụ phù hợp, tránh ôm đồm quá nhiều.
“Mình học cách phân bổ đầu việc cho từng người, theo dõi tiến độ theo khung giờ nhất định trong ngày thay vì xử lý ngẫu hứng. Nhờ thế mình không bị căng thẳng mà mọi việc vẫn trôi chảy.”
Gửi tới những sinh viên còn đang loay hoay
Kết thúc buổi trò chuyện, Phương Anh không chia sẻ những lời “đao to búa lớn” về bí quyết thành công. Phương Anh chia sẻ: “Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, những phương pháp học tập hiệu quả được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Các bạn sinh viên có thể chủ động tìm hiểu, áp dụng đa dạng để tìm ra phương pháp phù hợp với bản thân.”

Nguyễn Phương Anh – sinh viên duy nhất đạt điểm số tuyệt đối toàn khóa tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2025
“Và nếu có thể, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè, đầu tư vào những khóa học và học liệu chất lượng. Chúng mình có thể đi được xa và nhanh hơn rất nhiều khi có người đồng hành và dẫn dắt.”