Giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch của Đảng và Nhà nước ta diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, không ngừng, không nghỉ bởi các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên thực hiện các đòn chống phá tinh vi, thâm độc và liên tục kích động…
Trang Facebook TTV.AC, một trang Facebook ở nước ngoài thường xuyên đăng tải các clip mang tư tưởng chống phá cách mạng Việt Nam, vào giữa tháng 5 vừa qua đã thực hiện livestream với dòng trạng thái: “Đoàn kết dân tộc. CS thành công nhưng nhân dân thất bại”.
* Mưu đồ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân và nền tảng tư tưởng của Đảng
Trong clip dài hơn 2 giờ 20 phút, đối tượng A.C thông tin xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta; phủ nhận, bôi nhọ vai trò của Đảng; đồng thời đưa những thông tin không có thực, không có căn cứ, bôi đen đời sống kinh tế - xã hội - chính trị của nước ta để làm xói mòn, lung lay niềm tin của những người không vững lập trường, quan điểm chính trị.
Nội dung clip tập trung 2 vấn đề chính. Một là, đối tượng ra sức “phân tích” phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng Đảng lãnh đạo toàn diện là Đảng “độc tài toàn trị”. Hai là, theo đối tượng chống phá này, hậu quả của thể chế chính trị trên khiến “nhân dân mất tự do, vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng…”, trong khi “Đảng chỉ lo tham nhũng”.
Sau khi “phân tích” tình hình Việt Nam, thời điểm 1 giờ 35 phút 25 giây của clip, đối tượng lộ rõ mưu mô kích động người nghe: “Đoàn kết dân tộc đã chứng minh vai trò quan trọng của mình trong công cuộc đấu tranh chống độc tài”; kêu gọi hàng ngàn người xem clip nghe theo, tin theo, làm theo ý đồ xấu độc của chúng nhằm gây rối ren trong đời sống xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.
* Cơ chế nhất quán của Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ
Đảng Cộng sản Việt Nam - là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Do dó, không có chuyện Đảng “độc tài toàn trị” như những luận điệu xuyên tạc mà các thế lực thù địch rêu rao với một thái độ hằn học.
Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng năm 1982 nêu rõ: “Nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình chủ yếu bằng Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986 của Đảng, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý đã được xác định là “cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”. Như vậy, có thể thấy, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và từ thực tiễn sinh động của đất nước, phương thức vận hành hệ thống chính trị Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ ngày càng được thấm nhuần, hoàn thiện, thể hiện rõ tính ưu việt trong thực tiễn cách mạng Việt Nam suốt những năm qua.
Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khẳng định rõ quan điểm: “Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội…”.
* Thế lực thù địch không ngừng bịa đặt
Tại Việt Nam, quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội luôn được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.
Minh chứng trong thực tiễn, ở Việt Nam, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, công dân đều có hoàn toàn quyền tự do lựa chọn tôn giáo, tín ngưỡng, các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, đồng hành cùng sự phát triển chung của dân tộc, đất nước, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo nào. Hay như về tự do ngôn luận, người dân thể hiện ý kiến, đóng góp xây dựng phát triển đất nước, thực hiện quyền lực nhà nước của mình thông qua nhiều kênh.
Chiều 26-5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, phát biểu thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) thông tin: “Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó 2.469 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của chính phủ, bộ, ngành trung ương. Kiến nghị của cử tri liên quan hầu hết đến các lĩnh vực của đời sống xã hội; có 2.589 kiến nghị đã được giải quyết trả lời cử tri, đạt 99,8%”. Do đó, không có chuyện “người dân mất tự do” như trong clip nêu.
Về vấn đề các đối tượng thù địch cho rằng “Đảng chỉ lo tham nhũng”, ở trang 104, cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”.
Do đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không được chủ quan, nóng vội, thỏa mãn; không được né tránh, cầm chừng, không “ngừng”, không “nghỉ”, thiếu quyết liệt; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa không để xảy ra tham nhũng, vừa phải luôn cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta”.
Thực tiễn đã chứng minh, mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
* Báo chí chính thống tích cực định hướng dư luận xã hội
Có thể thấy, việc đối tượng A.C lấy đề tài giật gân, tỏ rõ thái độ thù địch, hằn học khi phát livestream này, và đã có hàng trăm lượt view trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Chỉ tính riêng Facebook, sau 5 ngày đăng tải, livestream này đã có 26,8 ngàn lượt xem, hơn 1,2 ngàn lượt thể hiện cảm xúc thích, hơn 280 bình luận cùng 80 lượt chia sẻ. Những con số thống kê cho thấy mức độ lan truyền các thông tin xấu độc rất mạnh mẽ.
Đây chỉ mới là thống kê của 1 livestream của 1 trang Facebook cá nhân, chứ chưa nói đến hàng ngày, cá nhân đối tượng A.C cùng rất nhiều đối tượng phản động, bất mãn chính trị khác thực hiện rất nhiều clip chống phá sự nghiệp cách mạng, sự phát triển của Việt Nam trên nhiều phương diện rồi đăng tải trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh phát biểu tại lễ ký kết giao ước thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí vào tháng 3-2023 đã nhấn mạnh: “Hiện nay, báo chí truyền thông có thuận lợi và khó khăn đan xen. Bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông hiện nay hết sức phong phú và đa dạng, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải nỗ lực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, thông tin trên các phương tiện thông tin không chính thống đặt ra áp lực cho các cơ quan báo chí của chúng ta làm sao phải đảm bảo thông tin nhanh, kịp thời; đồng thời phải đảm bảo chính xác, nhạy bén, đúng định hướng…, đảm bảo các thông tin là những thông tin chính thống, tích cực và định hướng được dư luận xã hội. Bởi lẽ, mỗi thông tin tác động rất lớn, đặc biệt là tác động đến văn hóa, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân...”.