Giữ vững mạch sản xuất

Trước bối cảnh kinh tế - xã hội gặp không ít khó khăn thách thức mang tính khách quan, sản xuất công nghiệp tiếp tục là 'đầu tàu' dẫn dắt tăng trưởng của tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực đều cho thấy dấu hiệu tích cực.

Sản xuất thiết bị cơ khí tại Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công (phường Bá Xuyên).

Sản xuất thiết bị cơ khí tại Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công (phường Bá Xuyên).

Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên hiện nay, khu vực công nghiệp - xây dựng hiện chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 50,5%; tiếp theo là khu vực dịch vụ (chiếm 33,3%); nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 11,5%) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (4,3%).

Theo báo cáo của Cục Thống kê, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm tăng 6,47% so với cùng kỳ; riêng khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn khách quan từ căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự lan rộng trên thế giới, cùng với những chính sách thuế quan khó đoán từ các nền kinh tế lớn, sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên duy trì nhịp sản xuất ổn định.

Điều đáng ghi nhận là tốc độ tăng trưởng của ngành có sự khởi sắc qua từng tháng. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong quý II ước tăng 11,68%; tính chung 6 tháng đầu năm 2025, IIP ước tăng 8,86% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nội bộ sản xuất công nghiệp, những “điểm sáng” là ngành khai khoáng (tăng 12,96%); chế biến, chế tạo (tăng 9,07%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (tăng 15,49%).

Một số ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ là: Khai thác quặng kim loại tăng 19,82%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 16,54%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,04%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 21,58%; sản xuất kim loại tăng 16,95%; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và thiết bị quang học tăng 10,68%; sản xuất xe có động cơ tăng 49,17%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 17,89%...

Một điểm nhấn đáng chú ý là thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 24 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 256 triệu USD (trong đó, có 8 dự án FDI được cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 121,09 triệu USD). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 228 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đạt 11,19 tỷ USD.

Các chuyên gia nhận định, việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, giảm bớt tầng nấc trung gian, giảm bớt thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái được thực hiện quyết liệt trong thời gian qua sẽ kích thích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất.

Cùng với đó, các ngành sản xuất phục vụ nhu cầu xuất khẩu như: điện tử, dệt may, khai khoáng vẫn đang có lợi thế tương đối do nước ta đã đạt được thỏa thuận khung với Mỹ về thuế xuất khẩu thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Đây là những động lực cho sản xuất công nghiệp nói chung, trong đó có tỉnh Thái Nguyên.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình đầu tư công, nhất là các tuyến giao thông kết nối; phát triển đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cùng việc giữ vững mạch sản xuất trong những tháng đầu năm sẽ là tiền đề, động lực để khu vực công nghiệp tăng tốc, tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Hồng Tâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/giu-vung-mach-san-xuat-88d2239/