Giữ vững mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất
CPI tháng 2-2021 tăng 1,52%, cộng thêm động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại (NHTM) khiến thị trường lo ngại lãi suất sẽ có biến động trong thời gian tới.
CPI tháng 2-2021 tăng 1,52%, cộng thêm động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại (NHTM) khiến thị trường lo ngại lãi suất sẽ có biến động trong thời gian tới.
Dòng tiền bị chia rẽ?
Trong hiện tượng tăng lãi suất huy động đầu tháng 3-2021, đáng chú ý nhất là Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) khi ngân hàng này tăng tới 0,5-0,9%/năm lãi suất tiết kiệm nhiều kỳ hạn từ sáu tháng trở lên. Tuy nhiên, lãi suất huy động cao nhất tại Techcombank vẫn chỉ ở mức 5,9%/năm, thấp so mức 6,8%/năm của một số NHTMCP khác. Hơn nữa, ngân hàng này cũng vừa có động thái giảm lãi suất huy động trước Tết Nguyên đán. Hiện vẫn có một số NHTM niêm yết lãi suất huy động cao nhất lên đến 8%/năm nhưng chỉ dành cho khách hàng có số dư tiền gửi hàng trăm tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, thị trường cũng ghi nhận một số NHTM lại giảm lãi suất huy động. Trên thị trường liên ngân hàng nguồn vốn khá dồi dào khi lãi suất bình quân duy trì ở mức thấp: kỳ hạn qua đêm, một tuần và một tháng lần lượt là 0,35%/năm, 0,56%/năm và 1,06%/năm.
Có thể nói mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp kỷ lục trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh chưa thể hồi phục. Liệu dòng vốn giá rẻ có chảy sang các kênh đầu tư khác?
Ðầu tiên phải kể đến thị trường chứng khoán (TTCK). Tính đến cuối tháng 2-2021, số tài khoản chứng khoán tại thị trường Việt Nam đạt hơn 2,91 triệu tài khoản. Trong hai tháng đầu năm nay, thị trường ghi nhận số tài khoản mở mới lên tới hơn 144 nghìn tài khoản, bằng 36% số lượng mở mới của năm 2020. Tuy nhiên, số tài khoản mở mới trong tháng 2-2021 là hơn 57,3 nghìn, giảm gần 34% so tháng trước đó. Sức nóng của thị trường bắt đầu giảm. Những phiên gần đây ghi nhận các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng, cộng thêm lỗi nghẽn lệnh liên tục của sàn HOSE, khiến tâm lý nhà đầu tư không vững. Trên thế giới, sàn Nasdaq rơi vào vùng điều chỉnh với mức giảm đến 2% ngày 9-3, khi Mỹ dự kiến thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá 1,9 nghìn tỷ USD.
Trái phiếu DN cũng là kênh được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là trái phiếu DN bất động sản (BÐS) với mức lãi suất huy động bình quân 12% - 14%/năm. Theo số liệu của SSI Research, năm 2020 các DN khối này đã phát hành 128.600 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 40,1% tổng giá trị phát hành. Tuy nhiên, nhà đầu tư đang đối mặt với rủi ro lớn khi trái phiếu BÐS không có tài sản bảo đảm; hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu; không có thông tin về tài sản bảo đảm chiếm đến 65,6% lượng trái phiếu BÐS đã phát hành năm 2020.
Vốn rẻ cũng sẽ khó chảy mạnh vào BÐS khi chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tiếp tục kiểm soát chặt các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, khẳng định: NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chế và kiểm soát chặt mức độ tập trung tín dụng vào BÐS. NHNN sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh BÐS…
Sẽ là thiếu nếu không nhắc đến vàng. Tuy nhiên, với mức chênh lệch rất cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, khoảng 4 đến 5 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc lên đến trên 8 triệu đồng/lượng thì không cần phân tích từ chuyên gia nhà đầu tư cũng nhận thấy độ rủi ro cao khi đưa tiền vào kênh vàng, nhất là trong xu hướng bán ra của các quỹ đầu tư vàng lớn, khiến giá vàng thế giới đã tuột khỏi ngưỡng kháng cự 1.700 USD/oz.
Giữ ổn định thị trường
Lạm phát có mối tương quan tỷ lệ thuận với lãi suất. Do đó, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2021 tăng 1,52% (mức tăng cao nhất của CPI tháng 2 trong tám năm gần đây) so với tháng 1-2021 và tăng 1,58% so tháng 12-2020 đã khiến thị trường quan ngại lãi suất sẽ tăng. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tháng 2-2021 tăng 0,48% so tháng trước và tăng 0,79% so cùng kỳ 2020. Lạm phát cơ bản bình quân hai tháng đầu năm 2021 tăng 0,64% so bình quân năm 2020. Với những bài học xương máu trong quá khứ về kiểm soát lạm phát, NHNN luôn đặt nhiệm vụ kiểm soát lạm phát lên hàng đầu. Trong những năm gần đây, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã và đang thành công trong kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Theo NHNN, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ hồi phục trở lại, tuy nhiên đà hồi phục có thể theo hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất: Nếu dịch bệnh trong nước được tiếp tục kiểm soát, dịch bệnh trên thế giới được đẩy lùi, các hoạt động dịch vụ, thương mại hàng hóa khôi phục trở lại... Với kịch bản này, tăng trưởng GDP năm 2021
dự kiến có thể đạt 6,5 - 7,5%.
Kịch bản thứ hai: Dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế và tiếp tục chịu ảnh hưởng đáng kể trong nửa đầu năm 2021. Sự hồi phục chậm của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước… Với kịch bản này, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt từ 5% - 6%. Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN quyết tâm tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô...
Ngày 5-3, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ban hành Văn bản số 1370/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới... theo thẩm quyền và theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020; Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21-1-2013… Thực tế, từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,3 - 1% so với cuối năm ngoái.
Hiện các tổ chức tín dụng, đi đầu là NHTM nhà nước như BIDV, Vietcombank, Agribank… tiếp tục triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đẩy mạnh dòng vốn ra thị trường. Từ những hành động quyết liệt của ngành NH, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp, vốn tín dụng được đẩy mạnh vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.