Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
Ngày 3-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ.
Kinh tế phục hồi nhanh
Nhìn lại năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực như áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, các thị trường lớn, truyền thống suy giảm, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nhưng với kịch bản điều hành chủ động, linh hoạt, nỗ lực vượt qua khó khăn, kinh tế phục hồi nhanh chóng, tình hình KT-XH đất nước phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Theo Thủ tướng, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bản lề thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương với tinh thần "đã nói là làm", "đã cam kết là phải thực hiện", "đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả".
Về các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ xác định chủ đề điều hành là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", với 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Trong đó, Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, tập trung phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch chồng dịch.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, năm 2023, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên kết vùng và hạ tầng đô thị lớn. Xác định phát triển nguồn nhân lực là yêu tố quan trọng, Chính phủ cho biết sẽ chú trọng công tác này, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đã báo cáo khái quát về kết quả của ngành, địa phương trong năm 2022 và đề ra nhiều giải pháp, kiến nghị để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2023.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, với tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2023, NHNN sẽ tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng. Theo đó, NHNN tiếp tục điều hành tín dụng phù hợp, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Lãnh đạo NHNN đề nghị cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản... để tháo gỡ ách tắc thanh khoản trong nền kinh tế, khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế.
Tại điểm cầu TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết năm 2022, KT-XH của thành phố phục hồi mạnh mẽ, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,03%, thu ngân sách đóng góp 26,5% trong tổng thu ngân sách của cả nước. Đối với năm 2023, ông Phan Văn Mãi khẳng định trong tháng 1, thành phố sẽ tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết này. Ngoài ra, thành phố sẽ phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển TP HCM để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ở các lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử. Đồng thời, kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các dự án đầu tư, các dự án kinh doanh để khơi thông nguồn vốn, tăng niềm tin cho thị trường, xã hội.
Phát triển mạnh kinh tế số, quyết liệt chống tham nhũng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh với quyết tâm cao và nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, năm 2022 đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Về các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, Tổng Bí thư nêu rõ cần chủ động với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được. Tổng Bí thư lưu ý cần củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hóa; giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cần ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; nâng cao đời sống của nhân dân, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn; chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch, khẩn trương xử lý, khai thông việc cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc chữa bệnh, vật tư, thiết bị y tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người vướng vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.
"Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng"" - Tổng Bí thư yêu cầu.
Quyết liệt tháo gỡ điểm nghẽn về phát triển nhà ở xã hội
Tại cuộc họp báo Chính phủ cùng ngày, trả lời báo chí về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết vừa qua, bộ đã tham mưu Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch. Cũng theo ông Sinh, Chính phủ đã có những giải pháp chính sách và yêu cầu cụ thể đối với các địa phương, nhất là các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Do đó, trường hợp địa phương nào chậm trễ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và không quyết liệt làm nhà ở xã hội như quy định của pháp luật về nhà ở và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/giu-vung-on-dinh-kinh-te-vi-mo-2023010321474147.htm