Giữ vững thị trường, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao
4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương đạt hơn 10,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,6% so cùng kỳ năm 2023. Các ngành chức năng, doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực để nắm bắt cơ hội tăng trưởng, đồng thời đổi mới sản xuất, quản trị hướng tới mục tiêu giữ vững thị trường, phát triển bền vững.
Gần chạm mốc 11 tỷ đô la Mỹ
Theo số liệu thống kê sơ bộ về hoạt động xuất khẩu của Bộ Công thương, hết tháng 4, có 4 tỉnh, thành đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ đô la Mỹ trở lên (TP.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Bình Dương). So với cùng kỳ năm 2023, số lượng tỉnh, thành xuất khẩu 10 tỷ đô la Mỹ tăng thêm 2 là Thái Nguyên và Bình Dương. Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm kim ngạch của Bình Dương đạt hơn 10,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,6% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước 2,062 tỷ đô la Mỹ, tăng 16,8%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 8,891 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,3%.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP.Thuận An). Ảnh: TIỂU MY
Trong các ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh, sản phẩm gỗ đang hồi phục mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 1,954 tỷ đô la Mỹ, tăng 28,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 17,8% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường chính với kim ngạch chiếm tới 82,6%.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da túi xách tỉnh: Hiện các nhà nhập khẩu châu Âu (EU) đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới về an toàn sinh thái, bền vững. Theo yêu cầu của thị trường này, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về vòng đời sản phẩm, phải tái chế sản phẩm, thẩm định chuỗi cung ứng bền vững với các DN có doanh số 450 triệu euro và trên 1.000 lao động. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, các DN sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Minh Phát 2 (phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An), hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ trong 4 tháng đầu năm 2024 có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tích cực, dự báo rất khả quan trong cả năm 2024. Hiện tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên. Thời gian qua, nhiều DN ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao. Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành gỗ Bình Dương trên thị trường quốc tế.
“Ngành gỗ Bình Dương có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế. Các DN đang đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng hiệu quả và năng suất. Với nhiều thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ DN và các hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trên thị trường quốc tế”, ông Điền Quang Hiệp cho biết thêm.
Tuy vậy, theo ông Điền Quang Hiệp, các DN cũng đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ bảo đảm hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính… Khi đơn hàng tăng, nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng, cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với các DN xuất khẩu đồ gỗ.
Ở góc độ thị trường, ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Hiệp Long (TP.Thuận An) cho rằng, các nhà nhập khẩu của Mỹ đánh giá cao và xác định Việt Nam là thị trường cung ứng gỗ và sản phẩm nội thất quan trọng. Mỹ hiện đang là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, dư địa ở thị trường Mỹ vẫn còn lớn. Đây sẽ là nền tảng để xuất khẩu bứt phá tại thị trường này nếu DN biết tận dụng cơ hội. Tuy nhiên, các DN ngành gỗ cũng xác định việc tập trung quá nhiều vào một thị trường chính sẽ đem đến rủi ro cao. Chính vì thế các DN ngành gỗ rất nỗ lực để đa dạng hóa và nâng dần tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác để giảm thiểu rủi ro.
Chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu
Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu của nhóm hàng dệt may, da giày cũng có lợi thế để đạt các mục tiêu tăng trưởng đề ra. Tuy nhiên, hiện các DN ngành dệt may, da giày vẫn còn nhiều khó khăn khi buộc phải đáp ứng các yêu cầu xanh hóa chuỗi cung ứng.
Các DN tại Bình Dương chú trọng đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ sản xuất để đáp ứng thị trường xuất khẩu. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất sản phẩm gỗ tại Công ty Danh Tùng, phường An Thạnh, TP.Thuận An
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn có được nguồn quỹ hỗ trợ liên quan đến đầu tư thay đổi công nghệ, phát triển xanh. Tuy nhiên, các thủ tục cần đơn giản hơn để DN có thể tiếp cận được. Cần tránh trường hợp thiết lập nhiều quỹ, nhưng thủ tục quá rườm rà, quá chặt chẽ khiến cho việc tiếp cận của DN gặp rất nhiều khó khăn”.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da túi xách tỉnh, cho rằng thách thức lớn nhất mà các DN đang gặp phải là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu. Với việc có 15 hiệp định thương mại tự do được ký kết, Việt Nam tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 thị trường, chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ tác động mạnh mẽ tới các DN trong ngành da giày.
“Da giày là ngành được đánh giá trong quá trình sản xuất gây ra phát thải lớn, EU lại là thị trường xuất khẩu rất lớn. Do vậy, trong giai đoạn tới, DN trong lĩnh vực phải thay đổi để đáp ứng các quy định mới của EU. Để ngành da giày phát triển bền vững, các DN đề xuất cần hình thành khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành da giày, tập trung sản xuất da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế… Từ đó thuận tiện cho bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất tập trung”, ông Nguyễn Quang Vũ đề xuất.