Giữ vững thị trường xuất khẩu
Giữa tin vui xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng mạnh, có khả năng mang về khoảng 1,25 tỷ USD trong quý I năm nay, và đặc biệt là có bước tiến 'thần tốc' tại thị trường Trung Quốc, thì một mối lo lại dấy lên. Đó là Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới đây cảnh báo và yêu cầu điều tra nguyên nhân 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của nước này.
Ngay lập tức, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp liên quan truy xuất các lô hàng bị cảnh báo; rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu; thực hiện các hành động khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm. Cục cũng yêu cầu các địa phương giám sát doanh nghiệp truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, thẩm tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp, đồng thời rà soát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại đơn vị có lô hàng bị cảnh báo.
Đây không phải lần đầu tiên trái cây Việt Nam bị phía Trung Quốc đưa ra cảnh báo. Năm ngoái, một số lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng… cũng không tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch của Trung Quốc. Những diễn biến như vậy hết sức đáng lo ngại trong bối cảnh Trung Quốc là thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông sản.
Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, năm 2023, quốc gia tỷ dân đã chi hơn 24 tỷ USD để nhập khẩu rau quả và sản phẩm chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Đáng chú ý, năm 2023, Việt Nam đã vượt Chile, giành vị trí thứ hai về xuất khẩu rau, củ, quả và sản phẩm chế biến sang nước này với kim ngạch 3,4 tỷ USD. Thị phần của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc tăng gần gấp đôi từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023. Trong khi đó Thái Lan vẫn giữ được vị trí dẫn đầu với kim ngạch 8,6 tỷ USD, chiếm 36% thị phần - giảm gần 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu rau quả có bước tiến “thần tốc” ở thị trường Trung Quốc như vậy là nhờ thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực mở cửa thị trường thông qua việc thúc đẩy ký kết các Nghị định thư kiểm dịch thực vật với Trung Quốc. Ví dụ, sầu riêng tươi của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc từ tháng 7.2022. Trong năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 493.000 tấn sầu riêng Việt Nam, với trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 1.107% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá so với năm 2022.
Rõ ràng, thị trường Trung Quốc có ý nghĩa rất lớn trong tiêu thụ sản phẩm nông sản của Việt Nam. Đưa nông sản sang đây qua đường chính ngạch là giải pháp căn cơ để tiêu thụ nông sản nước ta. Và nếu buông lỏng trong khâu quản lý, kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói, dẫn đến gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định kiểm dịch thực vật thì có thể phải đối diện với nguy cơ mất thị trường truyền thống rất quan trọng này.
Ở đây, vai trò của địa phương rất quan trọng. Bởi lẽ, hiện nay, công tác quản lý và cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đã được chuẩn hóa và phân cấp mạnh cho địa phương. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương là nơi thực hiện và chịu trách nhiệm toàn bộ việc thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp.
Chính vì vậy, các địa phương phải bố trí đủ nguồn lực để thực hiện việc kiểm tra và giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định và tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ phía Trung Quốc. Mở cửa thị trường đã khó, giữ được thị trường còn khó hơn nhưng là việc nhất định phải làm để có đầu ra bền vững cho nông sản nói chung và rau quả nói riêng.