Giữ vững trận địa tư tưởng thông qua giáo dục chính trị
12 năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh An Giang, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh quán triệt sâu sắc Chỉ thị 124-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương, gắn với thực hiện đề án 'Đổi mới công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới'. Từ đó, góp phần giúp cán bộ, chiến sĩ (CBCS) có bản lĩnh chính trị vững vàng, có động cơ phấn đấu đúng đắn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chú trọng hàng đầu
12 năm trước, từ Chỉ thị 124, Đề án của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Quân sự tỉnh An Giang ban hành Nghị quyết 07-NQ/ĐUQS về lãnh đạo đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trên cơ sở đó, công tác đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị được cơ quan chính trị các cấp cụ thể hóa sát điều kiện thực tiễn. Tất cả đảm bảo nội dung về quán triệt học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống...
Đối với hạ sĩ quan - binh sĩ, dân quân tự vệ, dự bị động viên, cơ quan chính trị tự xác định nội dung học tập cho đơn vị. Đối với lực lượng dự bị động viên, ngoài nội dung giáo dục theo chương trình kế hoạch, các cơ quan, đơn vị còn tổ chức thông tin, tuyên truyền về tình hình thời sự nổi bật, quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương và các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.
Trung tá Lê Văn Sáng, Chính ủy Trung đoàn 892 chia sẻ: “Đặc thù đơn vị là được giao nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới hàng năm. Do đó, chúng tôi luôn đặt công tác giáo dục chính trị lên hàng đầu. Trong huấn luyện, kết hợp chặt chẽ giáo dục cơ bản với giáo dục truyền thống, gắn giáo dục chung với giáo dục riêng; tiến hành giáo dục với thuyết phục, nêu gương và phổ biến pháp luật; tăng cường quản lý tư tưởng, kịp thời giải quyết nảy sinh và dư luận trong đơn vị. Qua đó, góp phần xây dựng cho CBCS bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm, nhận thức cao”.
Đối với huyện miền núi Tri Tôn, hơn 24% CBCS trong lực lượng dân quân là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, trình độ học vấn không đồng đều nên việc tiếp thu vấn đề mang tính lý luận còn hạn chế.
Thượng tá Đỗ Văn Cẩm, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tri Tôn thông tin: “Nội dung cốt lõi phải mang tính định hướng cao. Do đó, cán bộ giảng dạy chính trị của huyện chủ yếu sử dụng phương pháp nêu vấn đề, lấy ví dụ hoặc liên hệ thực tiễn, định hướng hành động cho chiến sĩ ở từng nội dung, đồng thời tạo tương tác bằng các câu hỏi, trao đổi… tạo môi trường sư phạm thân thiện, tích cực. Chính vì thế, đa số chiến sĩ nhiệt tình, gắn bó với đơn vị, thực hiện nhiệm vụ bằng tinh thần trách nhiệm rất cao”.
Trách nhiệm không của riêng ai
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Thịnh nhận định, công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong quân đội không phải là nhiệm vụ riêng của cơ quan chính trị. Đây là trách nhiệm chung của cấp ủy, chính quyền và của các đoàn thể liên quan; cần sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các tổ chức, lực lượng liên quan, góp phần nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Đảng ủy Quân sự tỉnh đã có đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, là định hướng quan trọng để toàn Đảng ủy tiếp tục nâng cao công tác chính trị tư tưởng trong thời gian tới. Cần tìm ra phương thức đổi mới mạnh mẽ hơn, kết hợp công nghệ thông tin để tăng hiệu quả, hiệu ứng cho công tác giáo dục chính trị; tăng cường nâng cao kiến thức, kỹ năng của người đứng lớp giảng dạy chính trị. Trong giảng dạy, cần tăng tính thực tiễn, thảo luận, trao đổi, gợi mở vấn đề. Đơn vị cần quan tâm triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xem đây là nền tảng, tư tưởng chính trị, nhiệm vụ trọng tâm của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong thời gian tới” - ông Nguyễn Hữu Thịnh đề nghị.
Đại tá Nguyễn Thúc Linh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh lưu ý, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng (nhất là đối với cán bộ mới ra trường, cán bộ mới được bổ nhiệm, được giao nhiệm vụ đảm nhiệm công tác giáo dục chính trị); tổ chức hội thi cán bộ giảng dạy chính trị theo quy định; duy trì thường xuyên nền nếp chế độ, quy định về quản lý và kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục chính trị, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị đúng quy chế...
“Từ yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, xây dựng LLVT “tinh, gọn, mạnh” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác giáo dục chính trị cần phải được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, lãnh, chỉ đạo chặt chẽ. Qua đó, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”. Đó là tiền đề để cấp ủy, chỉ huy các cấp trong LLVT tỉnh tiếp tục nỗ lực, phấn đấu triển khai Chỉ thị 124 và Đề án của Bộ Quốc phòng, tạo ra những thành tích mới, mang hiệu quả thiết thực, bền vững” - đại tá Nguyễn Thúc Linh nhấn mạnh.