Giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế

5 năm qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa thành phố trở thành một trung tâm kinh tế năng động, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế cả nước. Kết quả này giúp Hà Nội khẳng định vị thế của một đầu tàu kinh tế đất nước, tạo động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.

5 năm qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa thành phố trở thành một trung tâm kinh tế năng động, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế cả nước. Kết quả này giúp Hà Nội khẳng định vị thế của một đầu tàu kinh tế đất nước, tạo động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.

Thu hút nguồn lực đầu tư lớn

Năm 2020, tuy chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hà Nội vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, khi cả dòng vốn trong nước và vốn FDI đều tiếp tục “chảy” về Thủ đô. Hàng loạt dự án lớn được cấp phép hoặc tăng vốn đầu tư như Dự án Nidec Chaun Choung Việt Nam trị giá 174,5 triệu USD; Dự án Công trình văn phòng 29 phố Liễu Giai (Twin Peaks) tăng vốn đầu tư 246 triệu USD; Dự án bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại tại Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai) với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 280 triệu USD của Tập đoàn Aeon (Nhật Bản)... Trao đổi với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Tổng Giám đốc Aeon Mall Việt Nam T.Na-ca-ga-oa đã bày tỏ mong muốn tiếp tục được đầu tư nhiều dự án lớn tại Hà Nội, mặc dù từ năm 2015 đến nay, Tập đoàn này đã xây dựng và đưa vào hoạt động hai trung tâm thương mại lớn là Aeon Mall Long Biên và Aeon Mall Hà Đông.

Theo dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa 16 trình Đại hội khóa 17, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015, bằng 39,2% GRDP, đạt mục tiêu đề ra. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách hơn 2.700 dự án, vốn đăng ký hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Riêng vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đã đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, vốn đầu tư nước ngoài của thành phố đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011 - 2015. Mới đây nhất, tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” tổ chức vào cuối tháng 6-2020, TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 116 dự án với tổng vốn đầu tư gần 15,5 tỷ USD; ký 36 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư với tổng giá trị 26,079 tỷ USD.

Nguồn lực mạnh mẽ này đã thúc đẩy kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%). Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, bằng 1,8 lần cả nước. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch, tăng trưởng mạnh mẽ. Ngành dịch vụ tăng bình quân 7,12%/năm, đóng góp 63,48% trong tổng giá trị tăng thêm. Du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có mức tăng doanh thu bình quân đạt 12,1%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 9,0%/năm, cao hơn 1,7 lần giai đoạn 2011 - 2015 (5,25%).

Tiên phong phục hồi kinh tế

Kinh tế phát triển giúp Hà Nội đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách nhà nước. Thu ngân sách trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 11,1%/năm. Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu nội địa và các khoản thu bền vững từ sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng. Đầu tư công được thực hiện tập trung, cơ bản khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng từ 27% năm 2015 lên 44,9% năm 2020. Chính vì vậy, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số, nhưng đến nay Hà Nội đóng góp gần 16% GDP, 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, xứng đáng vị thế đầu tàu kinh tế trong Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, có khả năng dẫn dắt các địa phương khác cùng phát triển. Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã phối hợp các tỉnh, thành phố tổ chức hơn 100 cuộc giao thương kết nối doanh nghiệp; ký kết hơn 5.000 biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Có được kết quả trên nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy, sự điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thủ đô. Công tác cải cách thủ tục hành chính được triển khai mạnh mẽ, chỉ số cải cách hành chính của thành phố ba năm liên tiếp xếp vị trí thứ hai cả nước. Tất cả các dịch vụ công thực hiện trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đồng thời, đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông; số hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi nhanh sang nền kinh tế số, hướng tới xây dựng Thành phố thông minh. Hà Nội cũng không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, tăng cường phối hợp các ngành với chính quyền địa phương để tập trung giải quyết các vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng và các nội dung liên quan... Nhờ đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hai năm 2018 và 2019 xếp thứ chín trong số 63 tỉnh, thành phố. Số doanh nghiệp mới thành lập tăng cao cả về số lượng và vốn đăng ký. 5 năm qua có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến kinh tế cả nước nói chung, kinh tế Hà Nội nói riêng. Để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015 - 2020, phấn đấu tăng trưởng kinh tế với mức cao hơn 1,3 lần so với mức tăng trưởng chung cả nước, thành phố đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc quyết liệt vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế. Ban Cán sự đảng UBND thành phố thành lập tổ công tác cập nhật thường xuyên tình hình, xây dựng ba kịch bản phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp rà soát đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, với yêu cầu không điều chỉnh kế hoạch, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020. Lãnh đạo thành phố đã gặp gỡ 100 doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe kiến nghị và giải quyết khó khăn. Thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần quyết liệt như phòng, chống dịch bệnh; nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó trọng tâm là hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu và thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết.

Tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” tổ chức vào cuối tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hà Nội đã tích cực đối thoại, tháo gỡ, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Thành phố đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, kinh tế của Hà Nội còn một số hạn chế như chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững. Môi trường đầu tư kinh doanh có cải thiện, nhưng chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư tầm cỡ.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế thành phố có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 8.300 đến 8.500 USD. Để đạt mục tiêu này, thành phố thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của
cả nước cũng như khu vực Đông - Nam Á.

HƯƠNG NHIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/giu-vung-vi-the-dau-tau-kinh-te-616334/