Giữ xuân an lành
Chữ 'Xuân', theo lối chiết tự gồm ba chữ 'Tam', 'Nhân', 'Nhật' ghép lại được hiểu theo nghĩa ba người đi chơi bên nhau trong ngày nắng đẹp.
Hiểu rộng ra là mùa xuân đến thì trời đẹp, người vui. Cái khát vọng nhân văn của người xưa đã ký gửi vào con chữ biểu hiện cả một mã văn hóa. Mùa xuân là hy vọng, là may mắn, là hạnh phúc. Thế nên các chữ nào có chữ “Xuân” đều biểu hiện những nét nghĩa rất đẹp, tích cực. Như chữ “Thái” là sự ghép lại của chữ “Xuân” (ở trên) và bộ “Thủy” (ở dưới), nghĩa đen là nước mùa xuân, tươi sáng, mát mẻ. Chữ “Thái” này còn là tên một quẻ trong Kinh Dịch chỉ vận tốt. “Thái vận” tức vận hội hanh thông. Thành ngữ Hán Việt “Quốc thái dân an” có nghĩa nước yên ấm, hưng thịnh, dân an lành, hạnh phúc. Chữ “Xuân” ghép với bộ “Mộc” đứng bên trái đọc là “Xoan”, cũng nghĩa là xuân (Trai ba mươi tuổi đang xoan), là cây xoan (Lấy vợ đàn bà, làm nhà gỗ xoan). Lấy vợ “đàn bà” tức là người có đủ công, dung, ngôn, hạnh là tốt. Làm nhà bằng gỗ xoan thì bền chắc... Hát Xoan (Phú Thọ) có nghĩa gốc là hội hát xuân.
Chữ “Xuân” còn chỉ người, những người tuổi trẻ phơi phới xuân tình được gọi là “thanh xuân”. Người có tuổi nhưng khỏe mạnh tràn trề sức lực (trở lại) gọi là “hồi xuân”...
Như vậy, xét về chữ nghĩa, mùa xuân đều gợi lên những gì tươi vui, an lành, hạnh phúc, thiên về chỉ những giá trị tinh thần. Thế nên, không có lý gì mùa xuân lại mê man, sa đà chè rượu bê tha, sát phạt cờ đen bạc đỏ, đàn đúm đánh bài rủi may hoặc vi vu tốc độ cao để gặp công an hoặc vào bệnh viện...
Các cụ ta ngày trước vui xuân với câu châm ngôn “Nhất niên chi kế thủy ư xuân”, tức là sắp đặt kế hoạch một năm bắt đầu từ mùa xuân. Lễ hội Tịch điền được tổ chức vào dịp đầu xuân mang ý nghĩa sâu sắc về sự quý trọng lao động, đề cao nghề nông, biết ơn tiền nhân tiên tổ, biết ơn người cấy cày làm ra hạt gạo củ khoai... vừa giáo dục đạo đức, đạo lý, vừa nhắc mọi người phải biết lao động chăm chỉ. Nét đặc biệt của lễ hội này là vua trực tiếp cầm cày (tương truyền vua Lê Đại Hành là người khởi xướng năm 987 ở vùng núi Đọi sông Châu, nay thuộc thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) nên nó còn mang ý nghĩa về một tinh thần dân chủ, bình đẳng, gần dân. Nhà nước và dân gắn bó cùng lao động đã có từ rất sớm của người Việt. Ngày nay lễ hội này được kế thừa, nhân rộng là bắt đúng vào cái mạch nguồn hồn dân tộc xưa để đi lên, phát triển.
Xuân là hy vọng nên xuân về người ta vào chùa cầu tài cầu lộc. Đấy là nét đẹp nhân văn rất đáng khuyến khích. Nhưng rất nên nhớ, sâu thẳm trong mỹ tục này là khát vọng tinh thần, mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đã gọi là “cầu” thì tận đáy tim mỗi người phải là thực sự chân thành. Vào chùa mà nhét tiền vào tay Phật, đốt vàng mã, đốt đồ cúng lễ thật nhiều để mong được Phật phù hộ là trái với tinh thần cứu độ nhân ái của nhà Phật. “Phật tại tâm”, mình có cái tâm trong sáng, yêu thương, khoan hòa thì tự trong mình có Phật. Đến với Phật phải đến với tấm lòng tinh khiết của hoa mai. Bài thơ “Cáo tật thị chúng” (Mãn Giác thiền sư) đã sống gần ngàn năm và sẽ sống mãi: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước nở nhành mai” vì nói đến chân lý phổ quát: Lẽ biến đổi của sự vật, lẽ trôi chảy của thời gian. Xuân có hết nhưng hoa vẫn còn. Thời gian cứ trôi nhưng tình người còn lại. Vạn vật biến đổi nhưng cái đẹp, cái khát khao của con người thì bất tử. Là thơ nhưng cũng là một tư tưởng triết học: Con người đạt tới sự giác ngộ lẽ đạo là vượt khỏi cái vòng luân hồi của thời gian, vượt khỏi cái tham, sân, si để yên vui, hạnh phúc với đời! Rất thiền mà cũng rất trần thế!
Thế nên, người người, nhà nhà cùng biết vui xuân, giữ xuân an lành là góp phần giữ cho bản thân, gia đình, xã hội và đất nước mãi thanh xuân!
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/giu-xuan-an-lanh-607941