Giữ yên phên dậu của Tổ quốc

Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, người dân miền biên ải luôn sát cánh cùng bộ đội bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc

Những ngày này, Vàng Mí Phồng (dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ thôn Pao Mã Phìn, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chân thấp, chân cao lò dò đi cùng dân quân và bộ đội lên mốc giới. Một chân của anh đã để lại biên cương do giẫm phải mìn khi lên biên giới vào năm 2012.

"Cột mốc sống" bảo vệ đường biên

Vàng Mí Phồng năm nay 46 tuổi, nguyên là chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên). Anh đảm nhiệm vai trò tổ trưởng của tổ tự quản đường biên cột mốc của thôn, bao quát hơn 3 km đường biên từ mốc 276 đến mốc 282 (địa bàn thuộc sự quản lý của Đồn Biên phòng Tùng Vài, Bộ đội Biên phòng Hà Giang).

Trước khi phân giới cắm mốc, nhà anh có mấy khoảnh nương ngay sát đường biên giới. Khi đàm phán để phân định đường biên giới, ngày nào Vàng Mí Phồng cũng theo các đoàn công tác ăn nằm ở trên biên giới, tính toán phân định. Nhiều lúc anh còn hiến kế cho đoàn công tác giải quyết các vấn đề khó, phát sinh ngay trên thực địa.

Dường như niềm tự hào của người lính quân hàm xanh đã ngấm vào máu. Năm 1996, anh làm trưởng thôn Pao Mã Phìn và theo suốt quá trình phân giới cắm mốc từ năm 2007-2009. Không biết bao nhiêu mồ hôi công sức và cả máu đổ xuống nhưng mất mát lớn nhất, bỏ lại một phần cơ thể cho biên cương. Vào năm 2012, Vàng Mí Phồng trong một lần đi lên biên giới, giẫm phải mìn còn sót lại sau chiến tranh. Mìn nổ, anh văng xuống dưới mà vẫn gượng dậy, sau đó được cáng về bệnh viện huyện cấp cứu. Anh bị mất một chân...

Thời gian ngắn sau, Vàng Mí Phồng chống gậy tập đi, rồi lắp thêm khúc gỗ làm chân giả, đi cà nhắc. Trước đây tuần nào cũng lên mấy lượt, giờ đây mỗi tháng anh cũng phải đi một lần.

Anh Vàng Mí Phồng và cán bộ Đồn Biên phòng Tùng VaìẢnh: Bích Nguyên

Anh Vàng Mí Phồng và cán bộ Đồn Biên phòng Tùng VaìẢnh: Bích Nguyên

Phát huy vai trò của những người uy tín

Ngôi nhà của ông Hoàng Ngọc Thanh (SN 1953, dân tộc Nùng) nằm ở bản Chè Mùng, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn - nơi giáp với cột mốc trên tuyến biên giới Việt - Trung. Hơn 30 năm qua, ông đã cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới này chung tay bảo vệ đường biên, cột mốc A.

Bắc Xa là xã khó khăn nhất của huyện Đình Lập, có 33 km đường biên giới, 5 bản giáp biên giới Trung Quốc. Dân cư ở đây chiếm 98% là người dân tộc Nùng. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở, đặc biệt vào mùa mưa, phong tục tập quán còn lạc hậu. Người dân chủ yếu sinh sống nhờ nghề trồng rừng.

Ông Thanh kể do địa bàn chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh nên công tác gìn giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ chung của toàn dân. Với vai trò người có uy tín, người cao tuổi trong cộng đồng, ông đã cùng người dân trong xã xác định phải gắn phát triển kinh tế - xã hội với công tác gìn giữ, bảo vệ đường biên, mốc giới. Hầu như sáng nào ông Thanh cũng đi lên thăm cột mốc, đường biên. Cuối tuần, ông cùng người cao tuổi trong bản lại đi hết một lượt thăm đường biên, cột mốc. Bên cạnh đó, ông còn phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Xa đi tuần tra, phát quang bụi rậm ở đường biên.

Từ khi Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp "Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự khu vực biên giới, vùng biển", Hội Người cao tuổi xã Bắc Xa, mà tiêu biểu là ông Thanh, cũng đã ký kết chương trình phối hợp bảo vệ an ninh biên giới với đội công tác địa bàn thuộc Đồn Biên phòng Bắc Xa. Từ đó, tình hình an ninh trật tự nơi biên giới luôn được bảo đảm và giữ vững.

Ông Tao Văn Vin (SN 1959, dân tộc Thái) là Bí thư Chi bộ bản Cấu, xã Chả Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Ông đã vận động tất cả 97 gia đình trong bản tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc; chỉ đạo tổ chức các tổ tự quản, các đoàn thể ở khu dân cư phối hợp với bộ đội biên phòng thực hiện 57 đợt tuần tra biên giới, 21 đợt phát quang cột mốc; vận động 4 dòng họ Tao, Lèng, Thùng và Khoàng xây dựng mô hình "Dòng họ bình yên".

Còn bà Hà Thị Loan với vai trò là chủ tịch Ủy ban MTTQ xã không ngại khó, ngại khổ, góp sức tuyên truyền, vận động thành lập và duy trì hoạt động của 35 tổ an ninh tự quản tại thôn, bản; 35 tổ hòa giải; 35 tổ tự quản vệ sinh môi trường. Sau khi bà tuyên truyền, 19 hộ và 2 tập thể ở xã Thanh Luông tự nguyện ký cam kết tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/giu-yen-phen-dau-cua-to-quoc-20191219223910153.htm