Giữa dịch COVID-19, hàng nghìn người Hồi giáo vẫn quy tụ bắt đầu tháng lễ Ramadan
Bất chấp nguy cơ lây nhiễm COVID-19, hàng nghìn tín đồ Hồi giáo vẫn quy tụ tại buổi lễ cầu nguyện trong ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng chay Ramadan ở Indonesia.
Dòng người nườm nượp đổ về nhà thờ Hồi giáo Lhokseumawe ở tỉnh Aceh, Indonesia để mừng ngày đầu tiên của tháng lễ linh thiêng Ramadan. Trong tháng lễ Ramadan, tín đồ Hồi giáo sẽ ăn chay mỗi ngày và không dùng bữa suốt 15 tiếng liên tục từ bình minh đến chập tối. Vào ban ngày, họ được dạy phải tránh xa tình dục, khẩu nghiệt và sự báng bổ, thay vào đó tập trung vào việc suy ngẫm như cầu nguyện, đọc kinh Koran và bao dung. Sáng sớm khi thức dậy, tín đồ sẽ ăn một bữa lót dạ trước bình minh gọi là “suhoor”. Đến khi mặt trời lặn, họ lại ăn một bữa tối gọi là “iftar”, kết thúc một ngày chay tịnh.
Nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp khiến nhiều quốc gia phải yêu cầu tín đồ tự làm lễ cầu nguyện tại nhà, cảnh tượng quỳ bái đông đúc ở Aceh không khỏi khiến dư luận thế giới bàng hoàng khiếp sợ. Bởi không gian hạn chế của thánh đường không đủ để thực hiện quy tắc giãn cách ít nhất 2 m nhằm tránh lây lan virus SARS-CoV-2, đám đông tín đồ bèn quỳ sát vào nhau, chen chúc cùng cầu nguyện.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bị chỉ trích nặng nề vì bất lực trong việc áp dụng lệnh phong tỏa và cách ly xã hội nghiêm ngặt trên toàn quốc. Cho đến nay, chính phủ nước này chỉ mới ban hành lệnh hạn chế đi lại không quá nghiêm khắc, bởi ông Widodo tin rằng phong tỏa toàn quốc là biện pháp đi ngược lại kỷ luật và văn hóa bản địa, đồng thời gây tổn hại nền kinh tế.
Quyết sách của chính phủ Indonesia bị phê phán là chậm chạp, mơ hồ và nhiều lỗ hổng. Thủ đô Jakarta, tâm dịch lớn nhất cả nước, là nơi áp dụng lệnh giãn cách xã hội nghiêm túc hơn trong bối cảnh những địa phương khác vẫn còn chủ quan trước đại dịch. Theo phát biểu của Thống đốc Jakarta Anies Baswedan vào ngày 22/4, lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên, hạn chế dịch vụ giao thông công cộng và bắt buộc làm việc tại nhà đã được gia hạn đến ngày 22/5.
Tuy nhiên, tình hình ở Aceh, tỉnh tự trị ở phía cực tây của đảo Sumatra, lại hoàn toàn trái ngược khi nơi này không chịu sự quản chế của lệnh giãn cách xã hội. Hàng nghìn người sùng đạo vẫn vô tư đổ xô đi lễ nhà thờ, không đeo khẩu trang cũng không giữ khoảng cách an toàn, bất chấp việc này đang đặt họ vào thế đánh cược cả mạng sống.
Trong khi đó, các thánh đường được tín đồ Hồi giáo tôn sùng nhất ở Ả Rập Saudi và Jerusalem gần như không một bóng người vì lệnh cấm tụ tập của chính phủ. Tại Malaysia, Thủ tướng Muhyiddin Yassin cũng phát biểu về việc tránh tập trung đông người dự lễ: “Giống như việc nhịn ăn, chúng ta phải đấu tranh chống lại khát vọng của mình”.
Tính đến ngày 25/4, Indonesia đã ghi nhận 8.211 ca mắc COVID-19, trong đó có 689 người tử vong. Hôm 18/4, một sự việc chấn động tương tự đã xảy ra tại Bangladesh, khi hơn 100.000 người Hồi giáo quy tụ tham dự lễ tang của giáo sĩ Maulana Zubayer Ahmad Ansari, dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát đại dịch trên quy mô lớn tại quốc gia 168 triệu dân này.