Giữa lằn ranh sinh tử
'Chúng tôi luôn tâm niệm phải giải cứu được nạn nhân, cứu cái còn trong cái mất; không cần biết nạn nhân là ai, thành phần, đối tượng như thế nào đều thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, một là cứu sống, hai là tìm được nạn nhân. Điều đó lúc nào cũng thường trực trong đầu mình. Khó khăn nhất là có thể hy sinh nhưng tôi vẫn chấp nhận' - Trung tá Nguyễn Chí Thành cho biết.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa ký Quyết định 704/QĐ-CTN ngày 13/6/2023 phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 6 tập thể và 1 cá nhân thuộc Bộ Công an vì thành tích đặc biệt xuất sắc, đột xuất trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Cá nhân duy nhất được nhận danh hiệu cao quý trong đợt này là Trung tá Nguyễn Chí Thành - Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH), Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, Trung tá Thành đã được mệnh danh là "Người hùng" PCCC & CNCH. Tên tuổi người chiến sĩ quả cảm gắn liền với những vụ CNCH điển hình, gây tiếng vang khi cứu sống nhiều người, nhiều tài sản, tìm thấy nhiều thi thể người bị nạn và một số tang vật quan trọng trong các vụ án mà cơ quan điều tra đề nghị phối hợp.
Những pha cứu nạn nghẹt thở
Hơn 22 năm tham gia công tác CNCH khiến cơ thể Trung tá Nguyễn Chí Thành chi chít những vết sẹo to, nhỏ. Đây cũng là các dấu tích để lại trong những lần ở giữa lằn ranh sinh tử để thực hiện nhiệm vụ cứu người, bảo vệ tài sản cho nhân dân.
Về nghề nghiệp đặc biệt của mình, Trung tá Nguyễn Chí Thành cho biết, mỗi khi thấy những vụ cháy lớn, bản thân anh rất bồn chồn, sốt ruột vì đã không ít lần cùng đồng nghiệp chứng kiến nhiều trường hợp, tình huống thương tâm. “Trước đây là mình chọn nghề, sau đó gắn bó với công việc CNCH trên 22 năm, thời gian dài như thế không dứt ra được, chỉ có thể là nghề chọn mình” - anh chia sẻ.
Trung tá Thành kể, lần tham gia công tác CNCH nguy hiểm và khó khăn nhất phải kể đến vụ anh được huy động tham gia giải cứu nạn nhân bị rơi xuống hang đá sâu khoảng 280m tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vào cuối tháng 2/2020. Đây là một hang nguyên thủy chưa có ai đặt chân xuống đáy. Chục ngày trước, một người dân sẩy chân rơi xuống và chưa đem thi thể lên được. Do trời mưa từ đêm nên hang càng ẩm thấp, tối tăm khiến cái lạnh ngấm vào tận xương. “Tụt xuống 5m đầu tiên, tôi thấy lòng hang tối đen như mực, nguồn ánh sáng duy nhất là chiếc đèn pin bằng quả trứng gà gắn trước mũ bảo hiểm. Càng xuống sâu, tôi càng thấy khó thở và cảm giác hồi hộp tăng lên gấp bội. Chưa bao giờ tôi có cảm giác sợ hãi như vậy, đôi lúc đã có ý định bỏ cuộc giữa chừng khi chỉ mới xuống được chừng 50m. Cứ xuống được vài chục mét, tôi lại phải dừng lại lấy hết can đảm để xuống tiếp. Hang càng đi xuống càng hẹp, cấu tạo phức tạp, có nhiều đường, ngách nhỏ, có những đoạn chỉ vừa một người trượt xuống, nhiều khối đá sắc nhọn chĩa ra các phía như chực cứa vào da thịt" - Trung tá Thành tâm sự. Nhưng rồi, âm thanh từ chiếc bộ đàm vang lên, tiếng chỉ huy, tiếng đồng đội, nghĩ đến nạn nhân đang lạnh lẽo ở dưới kia chờ mình tìm thấy, người thân đang chờ mang em về với gia đình, anh lại mạnh dạn xuống sâu hơn.
Lần xuống thứ hai cùng thiết bị để mang nạn nhân lên tưởng chừng suôn sẻ cho đến khi còn cách đáy hang chừng 2m thì phía trên báo xuống: Mưa đá... Đúng lúc này, tín hiệu bộ đàm mất liên lạc, thiết bị ròng rọc điện bị hỏng, Thành bị treo lơ lửng trong không trung, xung quanh im lìm, chỉ có tiếng nước từ trên bắt đầu chảy xuống. Trong hang lạnh lẽo mà mồ hôi trong người cứ túa ra, bởi anh biết, nếu nước tiếp tục chảy xuống mạnh hơn, dưới tác động của ngoại lực, các vách đất, đá trong hang sẽ sụp đổ và chôn vùi tất cả... Trong giây phút ấy, anh đã nhớ về vợ cùng hai cô con gái nhỏ đang chờ anh về sau mỗi lần công tác.
Gần một tiếng “cân não”, thử thách tinh thần, mưa tạnh, thiết bị liên lạc cũng được nối lại, Trung tá Thành lần lượt rưới cồn, rượu lên khắp thi thể chàng trai nặng chừng 70 kg để bớt mùi rồi tròng vào nhiều túi nilon trước khi buộc dây để phía trên kéo lên. Sau 6 tiếng tiếp cận hiện trường, chỉ khi đôi chân chạm mặt đất, anh mới thực sự thở phào nhẹ nhõm và thầm nghĩ: “Mình sống rồi!”. Trong bộ dạng lấm lem, đau đớn và hôi thối vì nước tử thi nhểu khắp người, anh được các đồng đội ôm siết. Nhiều người nhà của nạn nhân đứng xung quanh đã òa khóc nức nở, liên tục chắp tay vái lạy cảm ơn nhóm cứu nạn. “Hình ảnh này khiến tôi xúc động mãi và luôn lấy đó làm động lực để tiếp tục tham gia công tác CNCH" - Trung tá Thành chia sẻ.
Vụ sập giàn giáo công trình CR4, khu đô thị Phú Mỹ Hưng vào năm 2008 cũng là một pha cứu nạn “nghẹt thở” mà anh Thành trực tiếp tham gia. Phía trên là một nạn nhân nữ đã chết, xác còn kẹt trên giàn giáo, người nhà yêu cầu phải đưa xác xuống ngay; phía dưới là một nạn nhân khác đang bị kẹt trong đống bê tông đổ nát, vẫn còn sống nhưng tính mạng cũng “ngàn cân treo sợi tóc”. Quyết định thực hiện nhiệm vụ tối đa 20 phút, là thời gian cho phép để đảm bảo tính mạng cho nạn nhân kẹt trong đống bê tông, Trung tá Thành đã dùng tay nhấc từng viên đá, cát, sỏi, lấy thân mình đỡ hướng trên giàn giáo đang chèn nạn nhân. Sau khoảng 17 phút, thử ôm nạn nhân đẩy lên thì thấy di chuyển được, anh thở phào nhẹ nhõm mà quên đi thân mình đang phải hứng chịu một lượng bê tông lớn và giàn giáo có thể sập đè chết bất cứ lúc nào.
“Khi nạn nhân được đưa ra ngoài an toàn, tôi chỉ biết ôm lấy đồng đội, ôm lấy chỉ huy của mình mà trào nước mắt. Nhiệm vụ hoàn thành và hạnh phúc lớn nhất với tôi trong tình huống đó là niềm tin vào anh em, đồng đội, là nạn nhân không những được cứu sống mà còn thoát khỏi cảnh bị tàn phế suốt đời” - anh Thành kể lại, giọng vẫn rưng rưng xúc động.
Gần đây nhất, anh cùng đồng đội tham gia đoàn công tác đặc biệt của Bộ Công an Việt Nam, cứu nạn nhân vụ động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Là người trực tiếp đưa nạn nhân còn sống sót ở độ sâu 7m ra khỏi đống đổ nát tới hàng ngàn tấn, Trung tá Nguyễn Chí Thành kể: Tôi được giao nhiệm vụ tiếp cận nạn nhân. Lúc đó không thể dùng máy móc tiếp cận vì sẽ gây nguy hiểm cho nạn nhân, cách duy nhất là đào hang chui vào, dù rất nguy hiểm nhưng phải chấp nhận.Trong quá trình xuống dưới lớp bê tông đổ sập khổng lồ, tôi đã dùng tay bới đất đá, bê tông, vừa di chuyển liên tục, vừa trao đổi với nạn nhân. Khi đưa nạn nhân lên, gia đình họ cũng không thể tin người thân có thể được cứu sống. Tất cả đều chắp tay, cúi đầu cảm ơn lực lượng CNCH Việt Nam.
Kết thúc chuyến công tác, đoàn công tác đã cứu sống 1 người và tìm được 14 thi thể nạn nhân, đưa ra ngoài. Đoàn được nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng CNCH quốc tế ghi nhận, đánh giá rất cao về năng lực, tinh thần làm việc.
Cứu cái còn trong cái mất
“Chúng tôi luôn tâm niệm phải giải cứu được nạn nhân, cứu cái còn trong cái mất; không cần biết nạn nhân là ai, thành phần, đối tượng như thế nào đều thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, một là cứu sống, hai là tìm được nạn nhân. Điều đó lúc nào cũng thường trực trong đầu mình. Khó khăn nhất là có thể hy sinh nhưng tôi vẫn chấp nhận” - Trung tá Thành cho biết.
Chính vì phải liên tục “chạm mặt” tử thần khiến tính mạng luôn bị đe dọa nên gia đình nhiều lần khuyên anh chuyển công tác để được làm việc trong môi trường an toàn hơn. Tuy nhiên, khi chứng kiến, xem qua báo đài, biết nhiều bà con bất lực trước những tai nạn, sự cố, thiên tai mà không có cách nào giải cứu, Trung tá Thành không thể bỏ nghề. "Sau mỗi lần tham gia công tác, giải cứu được nạn nhân, tôi chia sẻ niềm vui, hạnh phúc đó với gia đình. Lâu dần, gia đình cũng hiểu và đồng cảm, luôn ủng hộ tôi tham gia làm nhiệm vụ CNCH”, Trung tá Thành nói.
Hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực CNCH, Trung tá Thành đã tham gia cả nghìn vụ, cứu hàng trăm người trong các vụ cháy nổ, công trình sập đổ, đuối nước hoặc mò tìm thi thể nạn nhân và tang vật trong những vụ án lớn. Mỗi vụ việc, người lính CNCH phải đối diện với nhiều nguy hiểm khác nhau, không thể lường trước được. Tuy nhiên, vì đây là nhiệm vụ đặc thù, khó có người thay thế nên những người lính luôn động viên nhau, tìm cách vượt qua khó khăn. “Trong một lần tham gia chữa cháy và CNCH ở quận 7, tôi rơi từ trên cao xuống, bị chấn thương cột sống. Còn những lần CNCH trong hang sâu, nước bẩn, tôi thường xuyên phải tiếp xúc khí độc, kim tiêm, mảnh chai, vật dụng độc hại,... đã khiến thân thể chi chít vết sẹo. Ngoài ra, làm một người CNCH trong nhiều năm thì rất dễ mắc các bệnh như huyết áp, tim mạch do làm việc trong môi trường độc hại”, anh bộc bạch.
Đam mê công việc này, anh tự nhủ sẽ theo đuổi đến khi không còn sức khỏe nữa mới thôi. Theo Trung tá Thành, CNCH là công việc đặc thù, không phải lực lượng nào cũng có thể làm được. Làm những việc người khác không làm được, anh và đồng nghiệp có những phương án thiết thực cùng phương tiện bảo hộ và kinh nghiệm được đào tạo. Đây cũng là công việc đặc thù mà nghề dạy nghề rất quan trọng. Vì vậy, với vai trò là chỉ huy, anh rất chú trọng đến công tác đào tạo lực lượng kế thừa. Mỗi buổi sáng họp giao ban, anh đều cố gắng truyền lửa nghề đến từng cán bộ, chiến sĩ. Sau mỗi vụ CNCH, anh lại triển khai họp rút kinh nghiệm đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ để nâng cao tay nghề theo từng ngày. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác CNCH đều thấm dần nghề nghiệp và hiểu rõ ý nghĩa công việc để luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh cũng thường xuyên “đứng lớp” huấn luyện lớp chữa cháy và CNCH nâng cao cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, tập huấn cơ bản về CNCH dưới nước trong lực lượng vũ trang, dạy bơi cho con em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị...
Dù được mệnh danh là “Người hùng chữa cháy, CNCH” nhưng ít ai biết gia cảnh của anh còn nhiều khó khăn khi một thời gian quá dài, 4 người trong gia đình người lính gan dạ, quả cảm này vẫn ở trọ. Khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều về những chiến công của anh, một số nhà hảo tâm và doanh nghiệp có tấm lòng vàng đã ngỏ ý chung tay, hỗ trợ tặng gia đình anh Thành một căn nhà ở xã hội. Trước tình cảm cộng đồng dành cho cá nhân anh, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã báo cáo, xin chủ trương Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh trao tặng nhà cho anh vào tháng 3 vừa qua.
Chia tay chúng tôi, vẫn nụ cười ấm áp, Trung tá Nguyễn Chí Thành quả quyết: Dù những ngày tháng tiếp theo chắc chắn còn nhiều gian khổ, nhưng tôi chưa bao giờ bằng lòng với bản thân. Càng được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, lãnh đạo, chỉ huy và nhân dân tin tưởng, tôi càng ra sức rèn luyện, không ngừng học hỏi các thế hệ cha anh đi trước, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở bất kỳ thời điểm nào, không ngại có mặt tại “điểm nóng” nào, dù khó khăn, gian khổ và thậm chí hy sinh đến tính mạng.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/giua-lan-ranh-sinh-tu-i697392/