Giữa lằn ranh sống - chết rất áp lực, bác sĩ còn phải lo né đòn

Chuyện các đồng nghiệp ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) bị đánh nhưng vẫn kiên trì cấp cứu bệnh nhi không phải chuyện hiếm trong nghề y - đây là hiện thực trần trụi những người khoác áo blouse trắng phải đối mặt.

VietNamNet trích đăng bài viết thể hiện góc nhìn của Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội) về việc bác sĩ bị người nhà bệnh nhân chửi bới, đấm đạp khi đang cấp cứu:

Đã 15 năm tôi đứng trong phòng cấp cứu, mỗi tiếng kêu của chuông báo động đỏ là một cuộc chạy đua với tử thần. Tôi không nhớ nổi số lần chứng kiến các bác sĩ quên ăn, ngủ và cả sinh nhật con mình để cứu những mạng người xa lạ.

Não người làm gì khi hoảng loạn?

Thời sinh viên y năm thứ tư trực ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có lần tôi sợ xanh mắt khi thấy người quen của bệnh nhân cầm theo một thanh kiếm dài cả mét, chỉ thẳng vào mặt với ngôn từ rất bậy kèm nội dung “liệu hồn mà cứu sống nó”. Đó là khoảnh khắc tôi không bao giờ quên, vì phòng trực ngoại chỉ có mình tôi ngồi đó, các bác sĩ khác đã đưa bệnh nhân vào phòng mổ cấp cứu.

Sau nhiều năm và nhiều vụ khác tương tự, tôi đã hiểu được cơ chế tâm lý của họ. Khi con người bị dồn vào góc tường tuyệt vọng, họ như con thú bị thương - có thể làm bất cứ điều gì. Nỗi sợ là thứ thuốc nổ nguy hiểm nhất, biến những người bình thường thành kẻ không kiểm soát được bản thân.

Các bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba đang cấp cứu, người nhà bệnh nhân vẫn la hét, chửi. Ảnh cắt từ clip

Các bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba đang cấp cứu, người nhà bệnh nhân vẫn la hét, chửi. Ảnh cắt từ clip

Dù là giáo sư đại học hay công nhân bình thường, khi rơi vào khủng hoảng cực độ vì người thân nguy kịch, não bộ con người đều phản ứng giống nhau: Tìm kiếm đối tượng để đổ lỗi. Và chúng tôi, những người mặc áo blouse trắng, là mục tiêu gần gũi nhất.

"Mổ khi bị đấm" - nghịch lý của lời thề Hippocrates

Chúng tôi vẫn phải xem những người đang đấm mình là cần phải quan tâm. Hippocrates đâu có nhắc gì về việc "làm thế nào để mổ khi đang bị đấm" trong lời thề?

Thực tế cay đắng là: Bác sĩ không có nhiều lựa chọn. Không thể bảo: "Tôi không cứu ông này vì người nhà ông ấy đánh tôi". Nếu bỏ rơi bệnh nhân, không chỉ lương tâm không cho phép mà còn có thể bị truy tố hình sự về tội "Không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm".

Những đàn anh khuyên tôi, làm nghề này lâu rồi, thử bỏ đi làm việc khác xem? Nhưng không có gì thay thế được ý nghĩa của việc cứu được một mạng người.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 75% nhân viên y tế từng trải qua một hình thức bạo lực nào đó tại nơi làm việc. Đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà là thách thức toàn cầu. Tại Trung Quốc, phong trào “Áo trắng đẫm máu” đã nổi lên sau hàng loạt vụ tấn công nhân viên y tế. Tại Mỹ, các bệnh viện phải tăng cường an ninh và đào tạo nhân viên kỹ năng xử lý tình huống bạo lực.

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Ảnh BSCC.

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Ảnh BSCC.

Tình huống như ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) không phải hiếm. Chúng tôi gọi đùa đây là "đỉnh cao của nghề nghiệp" - vừa phải tập trung cứu người, vừa phải lo né đòn.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, có thời mấy chục thanh niên xã hội vây kín phòng mổ cấp cứu, đòi xử bác sĩ nếu không cứu được đại ca của chúng. Đến khi đội cảnh sát cơ động xuất hiện thì trật tự mới được lập lại.

Tôi có thể làm rất nhiều nghề, thế mà dù vất vả nhưng vẫn yêu nghề y. Khi đã dính chặt với phòng mổ, với tiếng kêu cứu của bệnh nhân, với những ca trực đêm căng thẳng... bạn không thể làm gì khác. Bác sĩ là cái đệm giữa bệnh nhân và cái chết. Nhưng đừng nghĩ mình là người hùng - bác sĩ chỉ là người được trả tiền để làm việc của mình.

Tôi cũng không phải người hùng, tôi chỉ cố làm tốt công việc của mình. Những đồng nghiệp ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba cũng vậy. "Người ta không đánh bác sĩ, người ta đánh nỗi sợ hãi của chính mình". Hiểu điều đó giúp tôi bình tĩnh hơn, và có lẽ cũng là lý do tôi vẫn chưa từ bỏ nghề. Mong rằng trong tương lai chúng tôi sẽ được làm việc trong môi trường tốt hơn. Bởi vì, dù có thế nào, y đức vẫn phải là thứ được đặt lên hàng đầu. Không có chỗ cho sự trả thù hay bỏ mặc trong nghề y.

Bác sĩ Ngô Hải Sơn cũng đưa ra 4 giải pháp ngăn ngừa:

1. Cần nhân viên chuyên trách giao tiếp với người nhà bệnh nhân: Bác sĩ không thể vừa đặt nội khí quản hay cấp cứu sốc phản vệ mà vừa giải thích cho người nhà hiểu quy trình. Nhiều vụ việc bắt nguồn từ hiểu lầm và thiếu thông tin. Người nhà bệnh nhân cần được giải thích rõ ràng về tình trạng bệnh, thủ thuật điều trị và khả năng hồi phục. Trong tình huống cấp cứu, một nhân viên chuyên trách giao tiếp với gia đình có thể giúp giảm áp lực cho kíp cấp cứu.

2. Hỗ trợ tâm lý: Các bệnh viện cần có chuyên gia tâm lý sẵn sàng hỗ trợ người nhà bệnh nhân trong những tình huống khủng hoảng. Đồng thời, nhân viên y tế cũng cần được hỗ trợ sau các sự cố bạo lực để tránh sang chấn tâm lý.

3. Tăng cường an ninh và khung pháp lý: Các bệnh viện cần được bảo vệ tốt hơn, luật pháp cần có những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi bạo lực nhắm vào nhân viên y tế. Nhiều quốc gia đã ban hành luật riêng để bảo vệ nhân viên y tế, và Việt Nam cần xem xét một cách tiếp cận tương tự.

4. Đào tạo kỹ năng xử lý khủng hoảng cho nhân viên y tế: Trong nhiều tình huống, khả năng nhận biết dấu hiệu căng thẳng và kỹ năng giảm "leo thang" có thể ngăn chặn bạo lực từ trứng nước.

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Hải Sơn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giua-lan-ranh-song-chet-rat-ap-luc-bac-si-con-phai-lo-ne-don-2395975.html